Những cái tết trong gia đình văn nhân: ‘Tết xưa nghèo mà vẫn thích’
Những cái tết trong gia đình văn nhân: ‘Tết xưa nghèo mà vẫn thích’
Nhà đông con, chồng mất sớm, việc buôn bán bấp bênh, cái nghèo đeo đuổi bà góa Lê Thị Sâm trong những ngày năm cùng tháng tận. Ít ai ngờ hậu duệ của quan Tri huyện Cẩm Giàng lại có ngày rơi vào cảnh tết thiếu bánh chưng, nợ đòi sát cửa…
Nợ đuổi ngày tết
Những năm túng thiếu ở Cẩm Giàng, cứ đến giáp tết là bà Sâm gọi con trai Nguyễn Tường Tam soạn biên lai xem còn nợ những ai. Nợ cũ đẻ nợ mới, có năm mẹ con bà Sâm nợ đến bốn ngàn đồng (vàng lúc đó chỉ ba mươi đồng một lượng). Bị đòi nợ ráo riết, bà chỉ còn biết vào buồng trốn, dặn anh giúp việc ra đứng trước ngõ, có ai đến thì bảo mợ đi vắng.
Trại Cẩm Giàng – nơi gia đình các văn nhân Tự Lực Văn Đoàn trải qua những cái tết khó khăn TƯ LIỆU |
Anh giúp việc ra vẻ bặm trợn, mắt xếch rất dữ dằn, nên nhiều người đến đòi nợ không dám dây dưa. Chủ nợ đi rồi, anh giúp việc lại vào bảo: “Thôi từ nay có thì ăn không thì nhịn chứ mợ đừng vay mượn chi của họ, họ nói nghe khổ lắm”.
Bà Nguyễn Thị Thế viết: “Mẹ tôi cũng biết vậy, nhịn ăn thì cũng một ngày hai bữa thôi, nhưng còn tiền học của các anh tôi thì đâu thể bỏ dở dang được, phải cố học thi đỗ ra đi làm mới có tiền trả nợ chứ”.
Đôi khi chủ nợ không phải người dưng nước lã mà chính là bà cô bên chồng, bà mợ em dâu nên sự gắt gỏng xảy ra không phải vì tiền bạc, mà vì lòng ganh ghét và thành kiến của những người phụ nữ trong đời sống làng xã dành cho nhau: ganh vì có nhiều con cái, vì con cái học hành đỗ đạt…
Tình cảm gia đình sứt mẻ vì tiền bạc nợ nần đã đành, còn vì sự hẹp hòi của lòng người.
Cảnh ngày giáp tết “bên ngoại thì mổ heo gói bánh om sòm, gia đình tôi chỉ thấy người đòi nợ thôi” tưởng như chỉ để lại mối sầu tủi với bọn trẻ. Nhưng không, trong tâm hồn đơn sơ của bọn trẻ thì dù “tết xưa nghèo nhưng vẫn thích”.
Thiết lộ đi qua trại Cẩm Giàng (Hải Dương), nơi mang nhiều kỷ niệm với các thành viên gia đình Nguyễn Tường NGUYỄN TƯỜNG THIẾT |
Ước tết quanh năm
Tết vẫn chứa chan và rộn ràng trong tâm hồn những đứa trẻ nghèo. Xin trích nguyên văn một đoạn mô tả cái tết nghèo đầy cảm xúc trong cuốn Hồi ký về gia đình Nguyễn Tường để thấy một tâm cảnh mùa xuân nơi phố huyện thanh bình:
“Phiên chợ hai mươi chín tết là phiên chợ cuối cùng trong năm nên đông đảo. Dân từ các làng xa xôi đổ về, họ đi từ gà gáy cho kịp chợ. Ngoài thức ăn còn bán tranh tết, pháo, mứt, hoa giấy. Hai chị em tôi thế nào cũng xin cho bằng được vài hào ra mua mấy bức tranh đám cưới chuột, thầy đồ ngồi dạy học, ông trạng vinh quy bái tổ, cả tranh con gà, cá chép, đem về dán la liệt trên vách tường.
Mẹ tôi mua hai bức vẽ ông tiến tài, tiến lộc dán hai bên cánh cổng. Các anh lấy vô vẽ cung tên trước cửa để đuổi ma quỷ.
Tôi nghĩ chả cần đuổi, ma quỷ nó thấy cũng chạy mất vì có năm gian nhà nhỏ chỗ nào cũng người là người. Mấy năm gần đây anh nào cũng thân dài vai rộng. Quần áo mẹ tôi may cho anh Cả tôi năm trước, năm sau phải để cho anh Tam, anh Tư mặc cũng vẫn còn ngắn.
Đêm giao thừa, cả nhà đều thức. Ngoài trời tối đen như mực, lại thêm lất phất mưa xuân. Mấy anh em ngồi trong chăn đánh tam cúc hay đánh bất để đợi giao thừa. Bàn thờ đèn nến sáng trưng hương đèn nghi ngút. Xa xa có tiếng trống cầm canh.
Đúng mười hai giờ mẹ tôi sắp một mâm lễ cúng giữa sân gọi là để đón ông thần giữ việc năm mới, xong đốt pháo. Tiếng pháo, tiếng chuông chùa, tiếng trống nổi lên báo hiệu xuân về, một năm mới thịnh vượng hơn năm cũ. Tiếng pháo năm nào đốt nhiều chứng tỏ năm đó được mùa.
Sáng mồng một, bà nội, mẹ tôi dậy sớm đem nước pha trà, soạn đèn nhang, bánh mứt cùng rồi đánh thức chúng tôi dậy. Khăn áo chỉnh tề chúng tôi lên mừng tuổi bà nội, mẹ tôi rồi sang lễ nhà thờ bên ngoại. Tôi còn thích tết vì tết cái gì cũng mới, nhà cửa sạch sẽ nhất là nét mặt ai cũng vui tươi hớn hở, không có cái cảnh nhăn nhó khó đăm đăm. Tôi ước gì cả năm ai cũng như ngày tết thì sung sướng biết bao”.
Tết ấm ở Tân Đệ
Cảnh nghèo túng ở quê ngoại Cẩm Giàng cũng đi qua. Khi người anh Cả (Nguyễn Tường Thụy) trong gia đình ra trường có việc, người anh Hai (Nguyễn Tường Cẩm) cũng ra trường và đi dạy học, nên đưa mẹ và các em đến Tân Đệ sinh sống. Bà Sâm vẫn tần tảo buôn bán gạo để lo cho cả mẹ chồng đã già cả và các con.
Cứ đến mồng năm tết Nguyên đán, cha mẹ học trò từ các vùng quê đem lên biếu thầy cam bưởi vườn nhà. Thầy giáo Cẩm nhất định không lấy nhưng họ không chịu, có người lại hiểu lầm rằng thầy chê quà đạm bạc. Thầy giáo phải giải thích rằng dạy học là bổn phận, nhà giáo đã ăn lương nhà nước để làm thầy vì thế ai cũng muốn cho trò mình học giỏi, đỗ đạt cao. Học hành đỗ đạt tốt thì mới là cách trả ơn thầy đúng nghĩa nhất.
Những cái tết ở Tân Đệ, gia đình Nguyễn Tường đã có lại cảnh gói bánh, có cỗ cúng và cái tết dần trở nên chu đáo, không còn những cảnh buồn tủi nghèo hèn ngập ngụa trong nợ nần.
Cái tết đầu tiên của gia đình ở Tân Đệ được bà Thế nhắc lại trong sự rộn ràng như cuộc đổi đời khi những đứa con trai trong gia đình dần dần đỗ đạt, đã có thể gánh một phần trách nhiệm cho mẹ. Bà Nguyễn Thị Thế viết: “Tết năm nay bà nội đã nhờ người gói bánh hộ. Hai mươi tám tết mẹ tôi đi cân gạo xa về. Hai anh học ở Hà Nội (Nguyễn Tường Tam và Nguyễn Tường Long) cũng về ăn tết. Gia đình sum họp thật là vui. Chiều ba mươi mẹ tôi làm cỗ cúng…”.
(còn tiếp)
NGUYỄN VĨNH NGUYÊN
TNO