19/11/2024

Làm sao phát hiện sớm trẻ bị hậu COVID-19, chăm sóc thế nào?

Làm sao phát hiện sớm trẻ bị hậu COVID-19, chăm sóc thế nào?

Nói đến di chứng hậu COVID-19, chúng ta thường nhắc đến người trưởng thành, đặc biệt người cao tuổi. Tuy nhiên vẫn có 6-15% trẻ em sau khi khỏi bệnh cũng gặp các di chứng hậu COVID-19.

 

Làm sao phát hiện sớm trẻ bị hậu COVID-19, chăm sóc thế nào? - Ảnh 1.

Hai bệnh nhi nhiễm COVID-19 triệu chứng nhẹ cách ly, điều trị tại Bệnh viện dã chiến đa tầng Tân Bình (TP.HCM) hồi cuối tháng 11-2021 – Ảnh: XUÂN MAI

Vậy làm sao phát hiện sớm trẻ gặp di chứng hậu COVID-19 khi ở độ tuổi này việc chia sẻ với phụ huynh còn hạn chế? Cách chăm sóc trẻ hậu COVID-19 ra sao?

Đang chơi bình thường thì bị thở dốc, khó tập trung

Vốn là đứa trẻ năng động, hoạt bát, lanh lợi nhưng sau khi khỏi bệnh COVID-19, bé N.P.M. (6 tuổi, ngụ TP Thủ Đức) hay than mệt, có khi thở dốc lúc vui chơi, chạy nhảy.

Những ngày qua, bố mẹ bé M. thay phiên đưa con đến Trung tâm phục hồi chức năng vật lý trị liệu, tâm lý trị liệu sau nhiễm COVID-19 thuộc Bệnh viện Lê Văn Thịnh để tập vật lý trị liệu. Các bác sĩ cho biết sức bền của bé dần được phục hồi.

PGS.TS.BS Phạm Văn Quang – trưởng khoa hồi sức tích cực Bệnh viện Nhi đồng 1, phó trưởng bộ môn nhi Trường đại học Y khoa Phạm Ngọc Thạch (TP.HCM) – cho biết tại Việt Nam, hiện chưa có báo cáo khoa học về tình trạng di chứng hậu COVID-19 ở trẻ em.

Vấn đề hậu COVID-19 được ghi nhận ở các bệnh viện nhi đồng trên địa bàn TP.HCM và các tỉnh Đồng bằng sông Cửu Long chủ yếu là hội chứng viêm đa hệ thống ở trẻ em. Có những trẻ nhập viện trong tình trạng nặng, bị sốc tim, viêm cơ tim, rối loạn nhịp tim…

Theo các nghiên cứu khoa học trên thế giới, các triệu chứng hậu COVID-19 ở trẻ em khá đa dạng, thường xảy ra ở trẻ em lớn, bao gồm: cảm giác mệt mỏi, nhức đầu, choáng váng, mất mùi, chán ăn, kém tập trung; đau cơ, khớp; vấn đề hô hấp, tim mạch: ho, khó thở, hồi hộp, đau ngực; phát ban, đỏ mắt, sốt kéo dài…

Đặc biệt có một di chứng khiến phụ huynh khá lo lắng là khó tập trung, không ghi nhớ và hiểu được kiến thức giáo viên giảng dạy, chữ viết xấu…

Lý giải nguyên nhân này, BS.CKII Nguyễn Minh Tiến – phó giám đốc Bệnh viện Nhi đồng Thành phố (TP.HCM) – dẫn chứng các nghiên cứu gần đây cho hay virus có thể tấn công lên não, hệ thống nội mạc mạch máu não, gây tình trạng tăng đông, huyết khối, dẫn tới giảm tưới máu cho các vùng vỏ não phụ trách trí nhớ, hành vi, chữ viết…

“Giảm trí nhớ, mệt mỏi, đau cơ, đau khớp, nhức đầu… ảnh hưởng đến sinh hoạt và học tập của trẻ”, bác sĩ Tiến nói.

Làm sao phát hiện sớm trẻ bị hậu COVID-19, chăm sóc thế nào? - Ảnh 2.

Các bệnh nhi nhiễm COVID-19 vui chơi tại Bệnh viện dã chiến đa tầng Tân Bình (TP.HCM) – Ảnh: XUÂN MAI

Làm gì để trẻ khỏe như trước?

ThS.BS Trần Tuấn Thành, khoa vật lý trị liệu – phục hồi chức năng Bệnh viện Lê Văn Thịnh – cho rằng khác với người lớn, trẻ nhỏ cần nhiều thời gian điều trị hậu COVID-19 hơn, cụ thể là tập vật lý trị liệu vì trẻ còn nhỏ tuổi nên các bác sĩ phải diễn giải các bài tập sao cho trẻ dễ hiểu nhất.

Đặc biệt, để tập vật lý trị liệu ở trẻ em hậu COVID-19 cần kỹ thuật viên tay nghề cao. Do đó, người nhà cần lưu ý đưa trẻ đi điều trị sớm vì nếu can thiệp trễ sẽ ảnh hưởng cả quá trình phát triển, trưởng thành về sau của trẻ.

Bên cạnh đó, theo BS.CKII Nguyễn Minh Tiến, trẻ rất cần chuyên gia tư vấn tâm lý, cha mẹ và thầy cô cùng nhau hỗ trợ để trẻ vượt qua mặc cảm và tự ti.

Để phát hiện sớm trẻ gặp di chứng hậu COVID-19, BS Quang khuyến cáo cha mẹ cần quan tâm, theo dõi trẻ để xem con có bị mệt mỏi, ít chơi, nhức đầu, chán ăn, học tập khó khăn do kém tập trung, khó ngủ; đau cơ khớp; ho kéo dài, khó thở, hồi hộp, đau ngực; sốt kéo dài, phát ban, đỏ mắt… hay không.

“Khi thấy trẻ có các dấu hiệu này, cần đưa trẻ đến khám tại các cơ sở y tế, bệnh viện chuyên khoa nhi để được chẩn đoán và điều trị kịp thời”, BS Quang nhấn mạnh.

Về việc chăm sóc trẻ hậu COVID-19, BS Quang hướng dẫn phụ huynh cần chú trọng đến chế độ dinh dưỡng, tập luyện và tinh thần, nhất là đối với trẻ lớn, trẻ từng bị COVID-19 nặng phải nhập viện.

Với chế độ dinh dưỡng, trẻ cần ăn uống đầy đủ chất dinh dưỡng, bổ sung các loại rau, trái cây, uống nhiều nước, bổ sung vitamin. Đồng thời cho trẻ ngủ đúng giờ, đủ giấc; tham gia các hoạt động thể dục thể thao như trước đây và hoạt động giải trí lành mạnh như xem phim, nghe nhạc, đọc sách…

“Nói chung việc chăm sóc trẻ hậu COVID-19 cũng như chăm sóc trẻ sau khi khỏi bệnh thông thường. Tuy nhiên cần chú ý phát hiện sớm trẻ có các triệu chứng hậu COVID-19 để được xử lý kịp thời”, BS Quang lưu ý.

Hội chứng viêm đa hệ thống ở trẻ em nguy hiểm thế nào?

PGS.TS.BS Phạm Văn Quang cho biết hội chứng viêm đa hệ thống ở trẻ em thường xảy ra ở trẻ 6-15 tuổi, do rối loạn đáp ứng miễn dịch. Hội chứng này ít gặp nhưng nguy hiểm do tổn thương nhiều cơ quan, đe dọa tính mạng. Tuy nhiên, nếu được phát hiện sớm và kịp thời thì hầu hết đáp ứng tốt.

Dấu hiệu nhận biết hội chứng này là sau nhiễm COVID-19 khoảng 2-6 tuần, trẻ có triệu chứng sốt trên 3 ngày kèm tổn thương da niêm (phát ban, đỏ mắt, môi đỏ, lưỡi dâu tây, phù ngón tay, chân…), rối loạn tiêu hóa (đau bụng, nôn ói, tiêu chảy).

Khi chuyển nặng sẽ có tình trạng trụy tim mạch, suy tim; xét nghiệm ghi nhận phản ứng viêm tăng cao, rối loạn đông máu…

XUÂN MAI
TTO