19/11/2024

Tiêm vắc xin cho trẻ 5 – 11 tuổi: Chờ nghiên cứu thật thận trọng

Tiêm vắc xin cho trẻ 5 – 11 tuổi: Chờ nghiên cứu thật thận trọng

Một trong những giải pháp có thể sẽ thuyết phục được nhiều người đồng tình với việc đưa trẻ mầm non, tiểu học đến trường là tiêm vắc xin cho trẻ từ 5 – 11 tuổi.

 

Tiêm vắc xin cho trẻ 5 - 11 tuổi: Chờ nghiên cứu thật thận trọng - Ảnh 1.

Tiêm vắc xin ngừa COVID-19 cho học sinh Trường THCS Lương Thế Vinh (quận 1, TP.HCM) – Ảnh: DUYÊN PHAN

Tuy đã được đề cập đến nhưng việc tiêm vắc xin cho nhóm trẻ này phải chờ nghiên cứu thận trọng.

Gần một tuần trước, các chuyên gia về tiêm chủng trong nước đã có cuộc làm việc với các cơ quan có thẩm quyền để bàn về tiêm chủng cho nhóm trẻ 5 – 11 tuổi.

Theo một trong số các chuyên gia tham gia cuộc họp, rất nên chờ khuyến cáo của Tổ chức Y tế thế giới (WHO) và theo dõi thật thận trọng trước khi quyết định. Nếu mua vắc xin cho trẻ 5 – 11 tuổi cũng chỉ nên mua dần từng 1/3 tính trên tổng số trẻ trong độ tuổi, vị này cho biết.

Để xem xét có nên triển khai tiêm cho trẻ 5 – 11 tuổi, Chính phủ đã giao Bộ GD-ĐT và Bộ Y tế tiến hành khảo sát ý kiến,

kinh nghiệm quốc tế và kế hoạch tổ chức tiêm chủng. Bộ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thanh Long cũng cho biết việc tiêm chủng cho nhóm trẻ 5 – 11 tuổi là việc quan trọng, phải thận trọng từng bước.

“Tiêm chủng vắc xin COVID-19 cho trẻ 12 – 17 tuổi đã được WHO khuyến cáo, tuy nhiên đến nay WHO chưa có bất kỳ khuyến cáo chính thống nào về tiêm vắc xin cho trẻ từ 5 – 11 tuổi.

Bộ Y tế làm việc rất thận trọng, khoa học và khách quan trên cơ sở tham khảo tất cả các chương trình tiêm của các nước. Hiện đã có một số nước triển khai tiêm vắc xin phòng COVID-19 cho trẻ từ 5 tuổi trở lên” – ông Long thông tin.

Ông Long cũng cho rằng Bộ Y tế đang thường xuyên trao đổi về các yếu tố khoa học xung quanh việc tiêm chủng cho trẻ 5 – 11 tuổi, quan trọng nhất trong đó là tính an toàn, tiếp theo là khả năng chấp nhận của cộng đồng.

“Chúng ta không thể nóng vội, mà phải đi từng bước chắc chắn, đảm bảo an toàn tối đa cho trẻ” – ông Long nói. Về nguồn vắc xin tiêm cho trẻ em 5 – 11 tuổi, Bộ Y tế đã làm việc với các hãng sản xuất, cung ứng và hướng đến là vắc xin Pfizer liều tiêm cho trẻ em.

WHO, Mỹ và châu Âu nói gì?

Ngày 18-1, trang newshub.co.nz đưa tin một nhóm phụ huynh tại New Zealand đã trích dẫn một nội dung trên trang web của Tổ chức Y tế thế giới (WHO) để bày tỏ lo ngại về việc tiêm chủng cho trẻ nhóm tuổi từ 5 – 11.

Nội dung được họ trích dẫn là: “Hiện chưa có dữ liệu về tính an toàn hay hiệu quả cho trẻ dưới 12 tuổi. Cho đến khi có những dữ liệu đó, trẻ dưới 12 tuổi không nên được chủng ngừa thường xuyên và không cân nhắc trước hậu quả”.

Trong khi đó, Bộ Y tế New Zealand cho biết các dữ liệu về tính an toàn và hiệu quả của vắc xin COVID-19 đối với trẻ em đã có và được công bố rộng rãi, kết luận 2 liều vắc xin COVID-19 của Pfizer cách nhau 21 ngày là “an toàn, hiệu quả và có tính sinh miễn dịch”.

Trao đổi với newshub.co.nz về nội dung trên, WHO giải thích trẻ em và thanh thiếu niên có xu hướng mắc COVID-19 nhẹ hơn người lớn, vì vậy trừ khi là trẻ thuộc nhóm nguy cơ cao, việc tiêm chủng cho trẻ em sẽ ít khẩn cấp hơn người lớn tuổi có bệnh nền và nhân viên y tế.

WHO cho biết đang theo sát các thử nghiệm lâm sàng vắc xin với trẻ nhỏ và sẽ cập nhật liên tục khuyến nghị tiêm chủng cho nhóm tuổi này khi có thêm bằng chứng về tính an toàn, hiệu quả…

Trong khi đó, Mỹ đã phê duyệt và triển khai tiêm được 8 triệu liều Pfizer cho nhóm tuổi này, các phản ứng sau tiêm của trẻ từ 5 – 11 tuổi cho thấy vắc xin này an toàn, và các phản ứng nặng là rất hiếm gặp.

Tháng 11-2021, Cơ quan Dược phẩm châu Âu khuyến nghị tiêm 2 mũi vắc xin Pfizer cách nhau 3 tuần cho trẻ 5 – 11 tuổi, với lý do: “Lợi ích của vắc xin Pfizer đối với trẻ ở nhóm tuổi này cao hơn rủi ro, đặc biệt với trẻ có bệnh nền khiến nguy cơ mắc COVID-19 nặng tăng lên”. Liều vắc xin dành cho nhóm tuổi này là 10 microgram, bằng 1/3 so với liều lượng của người lớn.

ANH THƯ

LAN ANH
TTO