04/01/2025

Kiến nghị sớm tiêm vắc xin để trẻ 5-11 tuổi trở lại trường

Kiến nghị sớm tiêm vắc xin để trẻ 5-11 tuổi trở lại trường

Bà Lê Thị Anh Thư, phó chủ tịch UBND huyện Nhà Bè, kiến nghị như vậy tại buổi làm việc với đoàn khảo sát của Ban Văn hoá – xã hội HĐND TP.HCM, ngày 14-1.

 

Kiến nghị sớm tiêm vắc xin để trẻ 5-11 tuổi trở lại trường - Ảnh 1.

Học sinh Trường THPT Phước Kiển trong buổi học sáng 14-1 – Ảnh: MỸ DUNG

Theo bà Lê Thị Anh Thư, tỉ lệ phụ huynh muốn con đi học trực tiếp rất cao, chỉ có khối 6 là 55%, còn những khối còn lại từ mầm non đến tiểu học đều ở mức cao, nhất là bậc tiểu học.

Nói về điều kiện để tổ chức bán trú, bà Thư cho rằng qua quá trình theo dõi thì việc học sinh đến trường và bị lây nhiễm trực tiếp ở trường rất thấp, mà nguồn lây nhiễm chủ yếu từ nhà vào trường. Nhưng ngay khi phát hiện thì nhà trường đã xử lý ngay. Cả nhà trường, giáo viên đều có kỹ năng trong phòng chống dịch tốt.

Vả lại, tình hình dịch hiện nay tại huyện ngày càng giảm. Nên việc triển khai bán trú tại trường chủ yếu nằm ở công tác phòng dịch phải đề phòng lây nhiễm tốt thì sẽ có ít khả năng lây nhiễm.

“Phụ huynh có mong muốn để con đi học trực tiếp trở lại. Mong TP sớm có triển khai tiêm vắc xin cho trẻ 5 -11 tuổi để trẻ sớm đi học trở lại. Vì học trực tiếp thì sự tiếp thu vẫn nhanh hơn học trực tuyến.

Tôi cũng kiến nghị, TP chúng ta cung cấp test nhanh cho các trường để các trường chủ động hơn trong công tác phòng chống dịch. Các trường cũng cần mở lại bán trú để đáp ứng nhu cầu phụ huynh. Mong Sở Y tế và Sở Giáo dục – đào tạo có hướng dẫn cụ thể hơn để thực hiện bán trú tại trường, chứ phụ huynh đi làm giữa giờ đâu thể về đón con”, bà Lê Thị Anh Thư nói.

Kiến nghị sớm tiêm vắc xin để trẻ 5-11 tuổi trở lại trường - Ảnh 2.

Bà Lê Thị Oanh, trưởng Phòng GD-ĐT huyện Nhà Bè, phát biểu tại buổi khảo sát, ngày 14-1 – Ảnh: MỸ DUNG

Bà Lê Thị Oanh – trưởng Phòng giáo dục và đào tạo huyện Nhà Bè – cho biết huyện đang thí điểm một trường có hoạt động bán trú và trường này tổ chức bán trú rất bài bản, giờ học và giờ chơi đều được phân chia khoa học, hợp lý. “Khi thí điểm xong chúng tôi có thể nhân rộng mô hình này ra các khối học khác khi học sinh đi học trở lại” – bà Oanh nói.

Ngoài những khó khăn nói trên, việc chia tách lớp học để giáo viên dạy học song song 2, 3 lớp cũng là vấn đề các trường băn khoăn về tính hiệu quả.

Cô Trần Thị Thu Trâm – phó hiệu trưởng Trường THPT Phước Kiển, huyện Nhà Bè – cho biết để đáp ứng tình hình phòng chống dịch, nhà trường chia một lớp thành 3 lớp khi học sinh học trực tiếp. Điều này khiến giáo viên rất vất vả và việc dạy học trực tiếp thiếu hiệu quả như mong muốn.

“Giáo viên đang dạy bên lớp này sẽ phải chạy sang bên kia dạy tiếp. Khi đi qua phòng khác thì thầy, cô sẽ cho học sinh làm bài nhưng các em có làm bài hay không, ngồi đứng như thế nào cũng không phải dễ quản lý. Nhưng việc chia tách lớp như thế này không chỉ khiến giáo viên vất vả mà sẽ không tận dụng được thời gian vàng của học trực tiếp. Đó là khó khăn của vấn đề tách lớp”, thầy Tuấn – phó hiệu trưởng Trường THPT Phước Kiển – cho biết.

Ông Cao Thanh Bình – trưởng Ban Văn hóa – xã hội HĐND TP.HCM, chủ trì buổi khảo sát – cho biết ông cũng rất đồng tình với việc mở lại bán trú trong các trường học. Vì, các gia đình không thể cho con đi học trực tiếp rồi nửa buổi lại rước con, vừa ảnh hưởng giờ làm, vừa ảnh hưởng việc học của các con…

“Việc cho học sinh đi học trở lại thì cần phải cân nhắc mở bán trú trở lại”, ông Cao Thanh Bình cho biết và mong rằng ngành giáo dục và y tế cần phải có phương án rõ ràng để các trường dễ thực hiện việc này. Ông sẽ có ý kiến với ngành y tế và ngành giáo dục TP về vấn đề này để đảm bảo việc học trực tiếp hiệu quả hơn và tránh gây thêm gánh nặng lâu dài cho giáo viên.

MỸ DUNG
TTO