20/11/2024

Nam kỳ thuộc địa, từ Hiệp ước Nhâm Tuất đến Giáp Tuất: Sứ bộ Phan Thanh Giản đi Tây chuộc đất

Nam kỳ thuộc địa, từ Hiệp ước Nhâm Tuất đến Giáp Tuất: Sứ bộ Phan Thanh Giản đi Tây chuộc đất

Đầu tháng 6.1863, sứ bộ Đại Nam do Phan Thanh Giản dẫn đầu đến Sài Gòn. Ngày 4.7, họ lên tàu sang Pháp rồi từ đây khởi hành đi Tây Ban Nha, lần lượt diện kiến Pháp hoàng Napoléon đệ tam và Nữ hoàng Isabelle đệ nhị, mang theo nhiệm vụ chuộc đất mà vua Tự Đức giao phó.

 

Cơ sở để vua Tự Đức cử sứ bộ Phan Thanh Giản đi Pháp và Tây Ban Nha dựa vào nội dung điều 6 của Hiệp ước Nhâm Tuất, rằng khi nền hòa bình được thiết lập, nếu cần giải quyết một vụ việc quan trọng, nhà lãnh đạo của một trong ba nước có thể cử đại diện của mình tới thủ đô hai nước còn lại.

Trong mắt triều đình Huế lúc bấy giờ, Bonard đã vượt thẩm quyền của mình khi đưa ra yêu cầu nhượng đất (điều 3), nên họ vẫn còn nuôi chút hy vọng thay đổi tình hình, “hy vọng đạt được ở Paris điều bị từ chối ở Sài Gòn”.

Cơ hội tu chính hiệp ước Nhâm Tuất

Yêu cầu gửi sứ bộ sang Paris của triều đình Huế được Bonard viết trong báo cáo gửi về Pháp. Khi biết tin này, Bộ trưởng Ngoại giao Drouyn de Lhuys viết thư (ngày 23.6.1863) cho Bộ trưởng Hải quân và thuộc địa Chasseloup-Laubat tỏ vẻ lo lắng rằng “không nghi ngờ gì nữa, mục đích chính của sứ mạng này là yêu cầu Hoàng đế [Pháp] tu chính Hiệp ước [Nhâm Tuất (1862)], xem xét lại tất cả những gì đã được ký kết” (Trương Bá Cần, Hoạt động ngoại giao của nước Pháp nhằm củng cố cơ sở tại Nam kỳ (1862 – 1874), Vũ Lưu Xuân dịch, TuvanBooks và NXB Thế giới, 2011, tr.100). Quan điểm của Drouyn de Lhuys là không cần xét lại Hiệp ước 1862, muốn giữ nguyên hiện trạng, chuyến đi của sứ bộ Đại Nam là vô ích vì thực tế Hiệp ước 1862 đã vượt quá những kỳ vọng ban đầu của chính phủ Pháp.

Nam kỳ thuộc địa, từ Hiệp ước Nhâm Tuất đến Giáp Tuất: Sứ bộ Phan Thanh Giản đi Tây chuộc đất - ảnh 1
Tranh vẽ 3 vị lãnh đạo sứ bộ Đại Nam tại Paris, hàng ngồi từ trái qua: Phó sứ Phạm Phú Thứ, Chánh sứ Phan Thanh Giản và Bồi sứ Ngụy Khắc Đản  THE ILLUSTRATED LONDON NEWS, SỐ 1226 (10.10.1863)

Đáp lại kỳ vọng của vua Tự Đức, Phan Thanh Giản thưa rằng: “Nay thần vâng mệnh đi sứ, việc thành hay không là do ở 2 nước kia [tức Pháp và Tây Ban Nha], thần chỉ biết hết lòng hết sức mà thôi” (ĐNTL, tập 7, sđd, tr.814). Từ Sài Gòn, sứ bộ Đại Nam lên tàu Européen xuôi về hướng Suez (Ai Cập), Đại úy hải quân Rieunier được giao nhiệm vụ tháp tùng sứ bộ sang Pháp, còn đại úy hải quân Aubaret đảm nhận vai trò thông ngôn trong chuyến đi này. Ngày 9.9.1863, tàu Européen tiến vào vịnh Toulon. Chiều 13.9, sứ bộ đặt chân đến Paris. Gần hai tháng lưu trú tại Pháp, sứ bộ được dẫn đi tham quan nhiều nơi và được nhiều đoàn tiếp đón.Đại Nam thực lục (ĐNTL) chép rằng, tháng 5 AL (tháng 6 dương lịch) năm 1863, vua “sai Hiệp biện Đại học sĩ là Phan Thanh Giản, Lại bộ Tả tham tri Phạm Phú Thứ, Án sát Quảng Nam là Ngụy Khắc Đản đi sang Tây dương. (Thanh Giản sung làm Chánh sứ, Phú Thứ sung làm Phó sứ, Khắc Đản sung làm Bồi sứ)” (ĐNTL, tập 7, nhóm dịch, NXB Giáo dục, 2007, tr.812). “[…] Chuyến đi lần này đã định liệu trước là phải nói thế nào cho tất được. Nếu họ không nghe thì nên ở lưu lại mà nói, cốt cho chuyển động lòng họ. Nếu đi không về không hoặc đi không mà đến chết, thì có bổ ích gì cho nước. Hãy đem 2 – 3 việc quan trọng mà bàn, còn thì chẳng qua là sửa định lại mà thôi. Bèn sai sửa chữa lại tờ quốc thư” (ĐNTL, tập 7, sđd, tr.812).

Khi sứ bộ Đại Nam đến Pháp thì Pháp hoàng Napoléon đệ tam vắng mặt, mãi đến ngày 5.11.1863 mới chính thức tiếp sứ bộ tại điện Tuilerie. Chánh sứ Phan Thanh Giản trao cho Pháp hoàng bức quốc thư của vua Tự Đức, trình bày những nội dung như đề nghị phía Pháp trả lại đất cho Đại Nam, bù lại Đại Nam sẽ nhượng cho Pháp Côn Đảo, “thành phố Sài Gòn, một địa điểm lựa chọn trong tỉnh Định Tường và thương khẩu Thủ Dầu Một trong tỉnh Biên Hòa” (Nguyễn Thế Anh, Việt Nam thời Pháp đô hộ, DTBooks và NXB Khoa học xã hội, 2017, tr.38).

Quốc thư có nhắc đến chuyện nước Anh nhận bồi thường chiến phí và trả lại Quảng Đông cho Trung Quốc với mong muốn phía Pháp cũng đối xử với Đại Nam tương tự, rằng “nước tôi đã bồi số bạc quân phí, thì đất thuộc về 3 tỉnh [miền Đông Nam kỳ] ấy xin trả lại cho nước tôi, nếu có phải bù thêm số bạc nhiều ít bao nhiêu, nước tôi cũng yên lòng lo liệu chu thỏa” (ĐNTL, tập 7, sđd, tr.813). Ngoài ra, vua Tự Đức cũng yêu cầu Pháp hoàng châm chước triển hạn việc bồi thường chiến phí lên 20 năm (Hiệp ước 1862 quy định thời hạn thanh toán là 10 năm) để chia trả cho đủ trên tinh thần hòa bình và hợp tác.

Trước đó, trong bản điều trần tại Paris, Aubaret ủng hộ quan điểm trả đất cho Đại Nam, trừ Sài Gòn, Chợ Lớn, Mỹ Tho và Cap Saint Jacques (nay là Vũng Tàu), bù lại Pháp sẽ bảo hộ 6 tỉnh Nam kỳ. Pháp hoàng tán thành, trên tinh thần đó yêu cầu các bộ liên quan soạn một dự thảo. Một điều khoản quan trọng là vấn đề tài chính, dự thảo yêu cầu trong 3 năm đầu, phía Đại Nam phải trả cho Pháp 500.000 đồng bạc/năm, và bồi thường liên tục trong 40 năm sau đó với số tiền 333.333 đồng bạc (tương đương 3 triệu franc)/năm.

Pháp hoàng hẹn trong vòng một năm sẽ có câu trả lời cho vua Tự Đức về một số điều khoản nặng nề (theo quan điểm phía Đại Nam) trong Hiệp ước 1862, đặc biệt là vấn đề lãnh thổ. Về chuyến đi này, ĐNTL viết rằng: “Nội các thần tâu nói: Bọn Phan Thanh Giản, Phạm Phú Thứ, Ngụy Khắc Đản, trước kia vâng mệnh đi sứ, sự thể quan trọng, đã không hết sức đòi trở lại, lại nhận tục ước [dự thảo hiệp ước mới] mà về, đến nỗi sinh ra nhiều chi tiết…” (ĐNTL, tập 7, sđd, tr.857).

Chuyến đi của sứ bộ Phan Thanh Giản đến Pháp năm 1863 cơ bản là thành công, ngoài việc tạo được dư luận tốt ở Pháp còn mang đến những tín hiệu tích cực, mở ra khả năng tu chính Hiệp ước 1862.

(còn tiếp)

NGUYỄN QUANG DIỆU

TNO