17/11/2024

ĐTC Phanxicô – Bài Giáo lý: Thánh Giuse, bác thợ mộc

Trong phần tiếp tục dạy giáo lý về Thánh Giuse, hôm nay chúng ta coi cuộc đời của Thánh Giuse như một người lao động.

ĐỨC THÁNH CHA PHANXICÔ

TIẾP KIẾN CHUNG

Đại sảnh Phaolô VI
Thứ Tư, 12 tháng 1 năm 2022

____________________________

Loạt Bài Giáo lý về Thánh Giuse:
Bài 7. Thánh Giuse, bác thợ mộc

Anh chị em thân mến,
chào anh chị em buổi sáng!
Các thánh sử Mátthêu và Máccô gọi Thánh Giuse là “bác thợ mộc”. Trước đó, chúng ta đã nghe thấy người dân ở Nadarét, khi nghe Chúa Giêsu nói, đã tự hỏi: “Đây không phải là con của bác thợ mộc hay sao?” (13,55; xem Mc 6,3). Chúa Giêsu đã thực hành nghề của cha mình.

Thuật ngữ tekton trong tiếng Hy Lạp, được sử dụng để chỉ công việc của Thánh Giuse, đã được dịch theo nhiều cách khác nhau. Các Giáo phụ Latinh dịch là “thợ mộc”. Nhưng chúng ta nên nhớ rằng vào thời Palestine của Chúa Giêsu, gỗ không chỉ được sử dụng để làm máy cày và các đồ nội thất khác nhau, mà còn dùng để xây nhà, vốn có khung bằng gỗ và mái nhà có nóc dùng làm sân làm bằng những chiếc đà nối với cành cây và đất.

Do đó, “thợ mộc” là một chữ chung chung, chỉ cả thợ mộc lẫn thợ thủ công tham gia vào các hoạt động liên quan đến xây dựng. Đó là một việc làm khá vất vả, phải làm việc với các vật liệu nặng như gỗ, đá và sắt. Xét về quan điểm kinh tế, nó không bảo đảm thu nhập lớn, như có thể suy ra từ việc Đức Maria và thánh Giuse, khi dâng Chúa Giêsu trong Đền thờ, chỉ dâng đôi chim gáy hoặc chim bồ câu (x. Lc 2,24), như Luật đã quy định cho người nghèo (x. Lv 12,8).

Như thế, cậu bé Giêsu đã học nghề này từ cha mình. Vì vậy, khi trưởng thành, Người bắt đầu rao giảng, những người hàng xóm ngạc nhiên hỏi: “Nhưng người này do đâu mà có sự khôn ngoan và những công việc vĩ đại này?” (Mt 13,54), và họ đã vấp phạm vì Người (x. câu 57), vì Người là con bác thợ mộc, nhưng Người ăn nói như một luật sĩ, và họ vấp phạm vì điều này.

Sự kiện tiểu sử về Thánh Giuse và Chúa Giêsu này khiến tôi liên tưởng đến tất cả những người lao động trên thế giới, đặc biệt là những người làm công việc mệt nhọc trong các hầm mỏ và một số nhà máy nào đó; những người bị bóc lột qua công việc không có giấy tờ; các nạn nhân của lao động: chúng ta đã thấy rất nhiều cảnh này ở Ý mấy lúc gần đây; những đứa trẻ buộc phải làm việc và những em lục lọi thùng rác để tìm kiếm thứ gì đó có thể bán được…

Tôi xin nhắc lại những gì tôi đã nói: những công nhân giấu mặt, những công nhân lao động nặng nhọc trong các hầm mỏ và trong một số nhà máy nào đó: chúng ta hãy nghĩ đến họ. Chúng ta hãy nghĩ về họ. Chúng ta hãy nghĩ về những người bị bóc lột với công việc không được khai báo, những người được trả lương lậu, một cách ranh mãnh, không có lương hưu, không có bất cứ điều gì cả. Và nếu anh chị em không làm việc, anh chị em sẽ không có an sinh xã hội. Công việc không có giấy tờ. Và ngày nay có rất nhiều công việc không có giấy tờ.

[Chúng ta hãy nghĩ đến] những nạn nhân của việc làm, những người bị tai nạn lao động. Đối với những đứa trẻ bị buộc phải làm việc: điều này thật khủng khiếp! Một đứa trẻ đang tuổi ăn tuổi chơi, đáng lẽ được chơi, bị bắt phải lao động như một người lớn! Trẻ em bị buộc phải làm việc. Và trong số đó – những em đáng thương! – những em lục lọi các bãi rác để tìm kiếm thứ gì đó có thể bán được: các em đến các bãi rác… Tất cả những người này là anh chị em của chúng ta, những người kiếm sống bằng cách này: người ta không dành cho họ một nhân phẩm! Chúng ta hãy nghĩ về điều đó. Và điều đó đang xảy ra ngày nay, trên thế giới, điều đó đang xảy ra ngày nay.

Nhưng tôi cũng nghĩ đến những người không có việc làm. Có bao nhiêu người đi gõ cửa các nhà máy, xí nghiệp [hỏi] “Có việc gì để làm không?” – “Không, không có gì, không có gì cả”. [Tôi nghĩ] đến những người cảm thấy nhân phẩm của họ bị tổn thương vì họ không thể tìm ra việc làm này. Họ trở về nhà: “Và? anh đã tìm được việc gì chưa? ” – “Không, không có gì… Anh đến Caritas và anh mang bánh mì về”. Điều mang lại phẩm giá không phải là mang bánh mì về nhà. Anh chị em có thể nhận nó từ Caritas – không, điều này không mang lại cho anh chị em phẩm giá. Điều mang lại cho anh chị em phẩm giá là kiếm được cơm bánh – và nếu chúng ta không đem lại cho người dân, đàn ông và đàn bà của chúng ta, khả năng kiếm được cơm bánh, thì đó là một sự bất công xã hội ở nơi đó, ở quốc gia đó, ở lục địa đó. Các nhà lãnh đạo phải đem lại cho mọi người khả năng kiếm được cơm bánh, vì khả năng kiếm ăn này mang lại cho họ phẩm giá. Đó là một việc xức dầu thánh cho phẩm giá, cho việc làm. Và điều này rất quan trọng.

Nhiều người trẻ, nhiều ông bố, bà mẹ trải qua thử thách khi không có một việc làm giúp họ sống thanh thản. Họ sống ngày qua ngày. Và việc tìm việc làm rất thường trở thành tuyệt vọng đến mức khiến họ mất hết hy vọng và khát vọng sống. Trong thời kỳ đại dịch này, nhiều người đã mất việc làm – chúng ta biết điều này – và một số, bị gánh nặng đè bẹp không thể chịu đựng nổi, đến mức phải tự kết liễu mạng sống mình. Tôi muốn tưởng nhớ từng người trong số họ và gia đình của họ ngày hôm nay. Chúng ta hãy dành một chút thời gian im lặng, tưởng nhớ những người đàn ông, những người đàn bà này, những người đang tuyệt vọng vì không thể tìm được việc làm.

Người ta chưa xem xét đủ sự kiện này là việc làm là một thành tố thiết yếu của đời sống con người, và thậm chí còn là con đường nên thánh nữa. Việc làm không chỉ là phương tiện kiếm sống mà thôi: nó còn là nơi chúng ta tự phát biểu, cảm thấy mình hữu dụng và học được bài học lớn về tính cụ thể, giúp giữ cho đời sống tinh thần không trở thành chủ nghĩa duy linh.

Tuy nhiên, thật không may, lao động thường là con tin cho cảnh bất công xã hội và thay vì là một phương tiện của con người, nó trở thành một ngoại vi hiện sinh. Tôi thường tự hỏi: Chúng ta làm công việc hàng ngày với tinh thần nào? Làm thế nào để chúng ta đối phó với sự mệt mỏi? Chúng ta có thấy hoạt động của mình chỉ liên quan đến vận mệnh của mình hay cũng liên quan đến vận mệnh của nhiều người khác nữa? Thực thế, việc làm là một cách phát biểu nhân cách của chúng ta, vốn tự bản chất có tính tương quan. Và, việc làm cũng là một cách để phát biểu óc sáng tạo của chúng ta: mỗi người chúng ta làm việc theo cách riêng của mình, với phong cách riêng của mình: cùng một việc làm nhưng với những phong cách khác nhau.

Thật tốt khi nghĩ tới sự kiện chính Chúa Giêsu đã làm việc và học nghề thủ công này từ Thánh Giuse. Hôm nay, chúng ta nên tự hỏi chúng ta có thể làm gì để phục hồi giá trị của việc làm; và chúng ta có thể đóng góp gì, như một Giáo hội, để việc làm có thể được cứu chuộc khỏi luận lý học lợi nhuận thuần túy và có thể được trải nghiệm như một quyền và nghĩa vụ căn bản của con người, một điều vốn phát biểu và làm tăng phẩm giá của họ.

Anh chị em thân mến, vì tất cả những điều trên, hôm nay tôi muốn cùng anh chị em đọc lại lời cầu nguyện mà Thánh Phaolô VI đã dâng lên Thánh Giuse vào ngày 1 tháng 5 năm 1969:

Lạy Thánh Cả Giuse,
Đấng bảo trợ Giáo Hội!
Đấng sát cánh với Ngôi Lời thành xác phàm,
Ngài từng làm việc mỗi ngày để kiếm cơm bánh, bằng cách
rút tỉa sức mạnh từ Người để sống và lao công;

Ngài từng trải nghiệm tâm tình lo lắng cho ngày mai,
tâm tình cay đắng của nghèo đói, sự bấp bênh của việc làm:
Ngài là người hôm nay nêu gương sáng,
khiêm tốn dưới mắt người đời
nhưng được tôn vinh hơn hết dưới mắt Thiên Chúa:

Xin ngài che chở người lao động trong cuộc sống khó nhọc hàng ngày của họ,
bảo vệ họ khỏi nản lòng,
khỏi nổi loạn tiêu cực,
và khỏi những cám dỗ yêu thích khoái lạc;

và xin gìn giữ hòa bình trên thế giới,
nền hòa bình một mình nó mới có thể bảo đảm sự phát triển của các dân tộc.
Amen.

Nguồn: http://vietcatholicnews.org/
_____________________________________________

Tóm tắt những lời của Đức Thánh Cha:

Anh chị em thân mến: Trong phần tiếp tục dạy giáo lý về Thánh Giuse, hôm nay chúng ta coi cuộc đời của Thánh Giuse như một người lao động. Các sách Phúc âm cho chúng ta biết rằng Giuse được thuê làm thợ mộc với những phương tiện khiêm tốn, tham gia vào những công việc đòi hỏi sức khỏe thể chất. Chính Chúa Giêsu hẳn đã học được nhiều điều về phẩm giá lao động từ Thánh Giuse. Trên thực tế, công việc là điều cần thiết cho sự phát triển con người của chúng ta và cho sự trưởng thành trong sự thánh thiện của chúng ta. Thật vậy, công việc không chỉ đơn giản là vấn đề lợi ích vật chất hay lợi nhuận đơn thuần, mà là một phương tiện mang lại ý nghĩa, giá trị và hình ảnh cho cuộc sống của chúng ta, và dạy chúng ta biết tiêu xài rộng rãi cho người khác. Ngày nay, chúng ta có thể nghĩ đến tất cả những người lao động trong thế giới của chúng ta, những người đang phải vật lộn để kiếm sống hoặc nuôi gia đình, và những người thường xuyên gặp phải bất công, bóc lột và nguy cơ thất nghiệp. Chúng ta hãy cầu nguyện, nhờ sự chuyển cầu của Thánh Giuse Thợ, cho việc bảo vệ các quyền cơ bản của tất cả người lao động, để nâng cao nhận thức về giá trị của sức lao động con người, và cho một trật tự kinh tế sẽ thúc đẩy phẩm giá và sự thịnh vượng của tất cả các dân tộc.