Được mở cửa, các trung tâm ngoại ngữ vẫn im ắng
Được mở cửa, các trung tâm ngoại ngữ vẫn im ắng
Dù được hoạt động trở lại từ ngày 4-1 nhưng nhiều trung tâm ngoại ngữ tại TP.HCM vẫn im ắng thay vì nhộn nhịp đón học sinh trở lại sau hơn sáu tháng đóng cửa.
Đội ngũ tư vấn của các trung tâm tiếng Anh lớn trên địa bàn TP như Anh văn Hội Việt Mỹ (VUS), Tổ chức giáo dục YOLA, Trung tâm ILA… đều cho biết chưa nhận được thông báo từ ban lãnh đạo về thời gian bắt đầu cho học sinh học trực tiếp.
Các khóa học chủ yếu vẫn diễn ra bằng hình thức trực tuyến. Nếu muốn đăng ký học trực tiếp, có thể thi xếp lớp online, đến khi trung tâm mở cửa thì học viên mới bắt đầu chương trình.
Học sinh thi kỳ 1, sắp nghỉ Tết
Theo đại diện Trung tâm Đào tạo khu vực của SEAMEO tại Việt Nam (SEAMEO RETRAC), đơn vị này vẫn đang cho học viên học từ xa và chuẩn bị mọi thứ tươm tất hơn trước khi chính thức cho học viên đến trung tâm.
Thời gian này cũng chưa thích hợp để đón học sinh trở lại, trước hết là vì phần lớn các em đang trong giai đoạn thi học kỳ 1 ở các trường, chưa kể chỉ còn khoảng độ ba tuần nữa học sinh vào kỳ nghỉ Tết. “Chúng tôi chờ qua Tết Nguyên đán để các em học sinh có thể ổn định được việc học của mình” – vị này nói.
Bà Đỗ Thúy Hồng – giám đốc điều hành IvyPrep Education thuộc Tập đoàn giáo dục Equest Education – cho biết khá vui mừng khi TP.HCM cho phép các trung tâm ngoại ngữ tổ chức dạy trực tiếp. Tuy nhiên, IvyPrep Education vẫn còn khá dè dặt vì sự an toàn cho học sinh, nhân viên và cộng đồng vẫn trên hết.
Trung tâm đang thực hiện khảo sát về tình trạng học sinh và xin ý kiến của phụ huynh có đồng ý cho học viên tới học trực tiếp hay không. Sau khi khảo sát, trung tâm sẽ lên phương án và chuẩn bị các điều kiện dạy học an toàn. Ban đầu, trung tâm có thể không hoạt động offline hết công suất. Dự kiến IvyPrep Education xếp lịch học theo hình thức kết hợp (blended learning) với tỉ lệ 50% online và 50% offline.
“Với học sinh cấp II và III đã được tiêm đủ 2 mũi, chúng tôi khuyến khích đi học trở lại trực tiếp. Còn học sinh tiểu học chưa được tiêm, chúng tôi không khuyến khích”, bà Hồng chia sẻ.
Nhiều học viên độ tuổi tiểu học
Theo quản lý của một trung tâm Anh ngữ có quy mô nhỏ thuộc quận Tân Bình (TP.HCM), hiện nay ngoại trừ những đơn vị có chương trình luyện thi các chứng chỉ tiếng Anh như IELTS, TOEIC… thì phần lớn các trung tâm đều có số lượng học viên nhiều nhất ở độ tuổi nhỏ.
Chẳng hạn, tại trung tâm của ông, hơn 65% học viên đang ở tiểu học. Nhóm đối tượng này vẫn chưa được chích vắc xin, trong khi quy định phải chích ít nhất một mũi là điều kiện cần để trung tâm hoạt động trở lại.
“Vì vậy nhiều đơn vị như trung tâm của tôi phải chờ đến lúc các em cấp I được tiêm vắc xin hoặc TP thay đổi một số tiêu chí về tiêm ngừa ở người học nhỏ tuổi thì chúng tôi mới mở cửa trở lại – vị này nói – Khởi động lại bộ máy dạy trực tiếp nhưng học viên đến ít sẽ tốn thêm chi phí”.
Tương tự, trao đổi với Tuổi Trẻ, đại diện của Tổ chức APAX Leaders cũng cho rằng hiện trung tâm đã chuẩn bị để sẵn sàng cho các em đi học trực tiếp trở lại theo lộ trình từng bước cẩn trọng.
Trước mắt do đa số học sinh của trung tâm nằm trong độ tuổi nhỏ hơn độ tuổi cho phép (lớp 7) quay trở lại trường nên APAX sẽ tiếp tục duy trì học online trong giai đoạn này. “Chúng tôi sẽ sẵn sàng cho học sinh quay trở lại khi hầu hết học sinh được phép”, vị đại diện nói.
Giáo viên ngoại trông ngóng
Ông Raphael Galuz (quốc tịch Pháp, đang giảng dạy tiếng Anh tại một trung tâm Anh ngữ ở quận 7, TP.HCM) từng trải qua nhiều tháng thách thức trong đợt giãn cách vừa qua khi tiền đi dạy giảm 50%. Phụ huynh giảm thu nhập vì dịch bệnh, trung tâm phải giảm học phí để giữ chân học viên, từ đó trung tâm buộc lòng cắt giảm lương của các giáo viên xuống phân nửa.
Ông Galuz cho rằng các giáo viên nước ngoài như ông phải chấp nhận san sẻ để ít nhất giữ được công việc trong những lúc khó khăn nhất.
Trong khi đó, ông Chubby Vinaltino (quốc tịch Singapore, hiện là giáo viên tiếng Anh cho một trung tâm Anh ngữ ở quận Tân Phú, TP.HCM) chia sẻ hiện ông chỉ còn dạy 1 – 2 lớp/tuần, tổng cộng trung bình khoảng 7 – 8 giờ/tuần, giảm khoảng 4 – 5 lần so với trước dịch.
Không chỉ ít giờ hơn, tiền cho mỗi tiết dạy cũng eo hẹp hơn. Nếu như trước đây dạy trực tiếp ông nhận được 15 – 20 USD/giờ, nay còn 10 USD/giờ. Lấy bình quân dạy 7 – 8 giờ/tuần thì thu nhập của ông vào khoảng 70 – 80 USD/tuần (cỡ 1,6 – 1,8 triệu đồng/tuần, tương đương 6,4 – 7,2 triệu đồng/tháng).
Ông cho biết phải dè sẻn lắm mới có thể đủ sống bởi phải lo mọi chi phí từ tiền thuê trọ, điện nước, ăn uống… Ông kể nhiều giáo viên nước ngoài sống ở Việt Nam nhưng gia đình ở nước ngoài vẫn luôn sẵn sàng giúp đỡ tài chính khi gặp khó.
Nhưng ông cùng nhiều bạn bè ngoại quốc tại Việt Nam không có người thân để trông cậy, nhiều lúc kẹt muốn mượn tiền cũng không biết hỏi ai. “Tôi có 3 người bạn cũng là giáo viên tiếng Anh, vì không có tiền nên chuyển sang ở phòng trọ bé xíu. Hồi giãn cách căng thẳng, có người đem bán chiếc điện thoại liên lạc duy nhất để có tiền sống” – ông kể.
Ông Vinaltino cho rằng giờ đây mong muốn lớn nhất của ông là các trung tâm được đón học sinh trở lại càng sớm càng tốt trong năm 2022. Khi đó số học sinh đến đông hơn, giáo viên như ông mới có nhiều lớp dạy offline hơn thì thu nhập mới tăng thêm, cuộc sống mới bớt lo lắng.
Được dạy trực tiếp từ 4-1
UBND TP.HCM đã có văn bản cho phép các trung tâm ngoại ngữ, tin học, cơ sở giáo dục, đơn vị hoạt động giáo dục kỹ năng sống và hoạt động giáo dục ngoài giờ chính khóa được tổ chức dạy trực tiếp từ ngày 4-1, nếu đảm bảo được một số yêu cầu như được Ban chỉ đạo phòng chống dịch COVID-19 TP Thủ Đức hoặc các quận, huyện kiểm tra, thẩm định kế hoạch và phương án phòng chống dịch COVID-19 trước khi tổ chức dạy trực tiếp.