18/11/2024

TP.HCM: Đề nghị xử nghiêm cá nhân không tố cáo hành vi bạo lực, xâm hại trẻ

TP.HCM: Đề nghị xử nghiêm cá nhân không tố cáo hành vi bạo lực, xâm hại trẻ

Ngày 8.1, Sở LĐ-TB-XH TP.HCM gửi công văn đến UBND các quận, huyện và TP.Thủ Đức về công tác bảo vệ trẻ em, thực hiện các giải pháp phòng, chống bạo lực, xâm hại, xâm hại tình dục đối với trẻ em.

 

 

Sở LĐ-TB-XH TP.HCM nhìn nhận, thời gian qua, trên địa bàn TP.HCM đã xảy ra các vụ bạo lực trẻ em, gây bất bình, bức xúc trong dư luận xã hội. Với vai trò là cơ quan quản lý nhà nước về lĩnh vực bảo vệ, chăm sóc trẻ em, cơ quan thường trực của Ủy ban Trẻ em TP.HCM, Sở LĐ-TB-XH TP.HCM đề nghị UBND các quận, huyện và TP.Thủ Đức chỉ đạo, đôn đốc, kiểm tra việc triển khai và phối hợp thực hiện công tác bảo vệ trẻ em, phòng ngừa, xử lý các vụ việc xâm hại trẻ em tại địa phương.

Cụ thể, Sở LĐ-TB-XH TP.HCM đề nghị các địa phương cần truyền thông, phổ biến các quy định về bảo vệ trẻ em trong Luật trẻ em và các văn bản pháp luật có liên quan; tăng cường giáo dục kiến thức, kỹ năng bảo vệ trẻ em cho gia đình, giáo viên, người chăm sóc trẻ em, người trực tiếp làm việc với trẻ em; đồng thời cung cấp cho trẻ em kiến thức, kỹ năng tự bảo vệ, tự phòng ngừa bạo lực, xâm hại.

Đường dây nóng Tổng đài Quốc gia bảo vệ trẻ em 111, số điện thoại của Công an phường, xã, thị trấn cần được công bố, truyền thông để mọi trẻ em, cá nhân, cơ quan, tổ chức liên hệ đến khi họ có nhu cầu tìm kiếm thông tin, thông báo, tố giác nguy cơ hay hành vi bạo lực, xâm hại, xâm hại tình dục đối với trẻ em.

Các địa phương cũng cần thiết lập đầu mối tiếp nhận thông tin, thông báo, tố giác tội phạm; phân công trách nhiệm cụ thể, xác lập cơ chế phối hợp phòng ngừa, xử lý vụ việc tại địa phương cũng như thực hiện quy trình hỗ trợ, can thiệp đối với trẻ em bị bạo lực, xâm hại, xâm hại tình dục theo quy định tại Quyết định số 2017/2020 của UBND TP.HCM.

Sở LĐ-TB-XH TP.HCM cũng đề nghị các quận, huyện và TP.Thủ Đức kịp thời nắm bắt thông tin, phát hiện, ngăn chặn các hành vi bạo lực, xâm hại, xâm hại tình dục đối với trẻ em. Đồng thời, cần xử lý nghiêm các cơ quan, tổ chức, cá nhân che giấu, không thông báo, không tố cáo vụ việc, hành vi xâm hại trẻ.

Công tác giám sát, phòng ngừa các hành vi bạo lực, xâm hại trẻ phải đến từng tổ dân phố, khu phố, các khu nhà trọ, khu chợ truyền thống, ban quản lý các tòa nhà, chung cư trên địa bàn.

Trước đó, ngày 7.12.2021, Sở LĐ-TB-XH TP.HCM đã tổ chức hội nghị sơ kết 1 năm thực hiện Quyết định 2017/2020 của UBND TP.HCM về “Quy trình phối hợp hỗ trợ, can thiệp, xử lý đối với các trường hợp trẻ em bị bạo lực, xâm hại, xâm hại tình dục trên địa bàn TP.HCM”.

Sở này nhận định, tình trạng bạo lực, xâm hại, xâm hại tình dục trẻ em thời gian qua có chiều hướng tăng giảm không đồng đều, với tính chất ngày càng nghiêm trọng, diễn biến phức tạp, hình thức xâm hại chủ yếu là các hành vi xâm hại tình dục trẻ em. Trong đó, độ tuổi trẻ em trong các vụ xâm hại có chiều hướng ngày càng nhỏ (từ 13 – dưới 16) và phần lớn là trẻ em gái; còn đối tượng thực hiện hành vi xâm hại trẻ em đã phát sinh từ những người có nghề nghiệp ổn định, có trình độ dân trí cao, có địa vị xã hội.

TP.HCM hiện có hơn 1,9 triệu trẻ em, trong đó, trẻ em gái chiếm tỷ lệ hơn 48%. Hiện nay, có nhiều kênh thông tin tiếp nhận tin báo về vụ việc vi phạm quyền trẻ em như: Tổng đài Quốc gia bảo vệ trẻ em (111), Lực lượng phản ứng nhanh Công an TP.HCM (113), Trung tâm Công tác xã hội – Giáo dục dạy nghề Thiếu niên TP.HCM (1900545559), Hội bảo vệ quyền trẻ em (18009069).

PHẠM THU NGÂN

TNO