23/01/2025

Chuyện người phụ nữ ly hương và hai phái bộ Việt trên đất Pháp: Sứ mạng bí ẩn của phái bộ Trần Viết Xương

Chuyện người phụ nữ ly hương và hai phái bộ Việt trên đất Pháp: Sứ mạng bí ẩn của phái bộ Trần Viết Xương

Tính đến năm 1840, bà Nguyễn Thị Sen, người phụ nữ Việt đầu tiên làm dâu trên đất Pháp, đã sống 15 năm trong nỗi hoài hương canh cánh bên lòng. Biết nỗi niềm của người vợ đã chung sống gần 30 năm, Vannier hứa sẽ có một ngày đưa bà về thăm lại xứ sở.

 

 

 

Vào năm 1840 ấy, nhiều biến động xảy đến dồn dập trong và ngoài nước. Trong nước, chính sách cấm đạo của vua Minh Mạng ngày càng trầm trọng, dẫn đến việc sát hại nhiều giáo sĩ châu Âu hay người theo đạo Thiên Chúa. Trong khi đó, sát cạnh Việt Nam, người láng giềng hùng mạnh Trung Hoa áp dụng một chính sách khắc nghiệt đến tàn bạo đối với người mua bán và tàng trữ á phiện (nha phiến).

Năm 1839, khi vua Đạo Quang nhà Thanh ra chỉ dụ cấm người Trung Quốc buôn bán với người Anh và chính quyền tỉnh Quảng Đông cho vứt xuống biển 20.000 thùng á phiện do người Anh sở hữu thì nhà cầm quyền London xem đó là cơ hội chín mùi để phát động cuộc chiến tranh chống lại triều đình Trung Hoa. Cuộc nha phiến chiến tranh đã khởi sự từ đó, với những tổn thất nặng nề nghiêng về phía Bắc Kinh.

Chuyện người phụ nữ ly hương và hai phái bộ Việt trên đất Pháp: Sứ mạng bí ẩn của phái bộ Trần Viết Xương - ảnh 1
Chân dung vua Minh Mạng trong một tác phẩm của John Crawfurd (1828)

Tại Việt Nam, vào thời điểm này, một động thái do triều đình bất ngờ đưa ra đã được bộ Đại Nam thực lục chép như sau: “Vua nghe nói địa phương Đại Tây Dương vốn có tiếng là nơi đô hội, sai Tư vụ Trần Viết Xương, Tư lại Tôn Thất Thường mang theo người thông ngôn cùng ngồi vào thuyền Thụy Long đến Giang Lưu Ba (Jakarta, Indonesia – NV), rồi do phái viên chuyển đáp, nhờ sang thuyền Tây dương mà đi, năm sau thì về. Phàm đến nơi nào, mắt trông thấy, tai nghe thấy cái gì, đều ghi tường tận về tâu, để biết rõ phong vật phương xa; nhân tiện tìm mua một vài thứ hàng Tây dương đem về dâng…” (Đại Nam thực lục, tập V, NXB Giáo dục 2007, trang 588 – 589).

Theo nội dung trên, phái bộ Trần Viết Xương đi Paris chỉ có nhiệm vụ tìm hiểu, ghi chép những gì mắt thấy tai nghe và mua về vài món đồ. Thế nhưng, một vài tác giả Pháp cho rằng chuyến đi này của hai ông Trần Viết Xương và Tôn Thất Thường cùng hai thông ngôn có một mục tiêu quan trọng khác. Đó là thăm dò thái độ của chính phủ Pháp trước chính sách cấm đạo và giết đạo của vua Minh Mạng kể từ chỉ dụ ngày 6.1.1833. Nhà vua sợ rằng người Pháp sẽ phản ứng chính sách cứng rắn đối với đạo Thiên Chúa của ông, cũng như người Anh đã phản ứng với chính sách bắt bớ, giam cầm, giết hại bất cứ ai có dính líu đến việc mua bán, tàng trữ và sử dụng á phiện của triều đình nhà Thanh.

Đoàn thuyền của phái bộ Trần Viết Xương căng buồm hướng đến Singapore, tại đây, họ lên tàu Alexandre của thuyền trưởng Bongallett để sang Pháp. Sau khi trải qua một trận bão lớn ngoài khơi Bordeaux, ngày 2.11.1840, tàu thả neo tại Locmariaquer, gần Vannes.

Chuyện người phụ nữ ly hương và hai phái bộ Việt trên đất Pháp: Sứ mạng bí ẩn của phái bộ Trần Viết Xương - ảnh 2
Vua Louis Philippe trong thời gian phái bộ Việt Nam đến Pháp (1840)  T.L LÊ NGUYỄN

Trong thế kỷ 19, đây là phái bộ Việt đầu tiên đến kinh đô ánh sáng Paris vì mục đích ngoại giao. Sự hiện diện của những người phương Đông lạ lẫm về cách ăn mặc lẫn cung cách ứng xử đã lôi cuốn sự chú ý đặc biệt của công chúng và giới truyền thông Pháp lúc bấy giờ. Tờ nhật báo Armoricain xuất bản tại Brest số ra ngày 23.11.1840 đã loan tin như sau: “Bốn người An Nam này đến để bày tỏ với chính phủ Pháp những tình cảm của xứ sở họ và đi thăm các công trường, xưởng đóng tàu của ta… Họ khiến mọi người chú ý bởi những cặp mắt sáng, gương mặt rám nắng và nước da bóng… hàm răng đen nhờ thoa nước cốt trái chanh” (BAVH, tập 4/1928, trang 260).

Một phương tiện truyền thông khác của Pháp là tờ Moniteur universel, số ra thứ ba ngày 5.1.1841, tường thuật một vài hoạt động của phái bộ Việt Nam: “Chiều hôm trước, những người An Nam có mặt ở nhà ông Thượng thư Bộ Thương mại; họ đều mặc triều phục. Họ đến Paris thay mặt vua nước họ để khảo cứu phong tục của chúng ta. Mỗi lần một phong tục nào đó của ta làm cho họ ngạc nhiên, họ rút từ thắt lưng ra một miếng gỗ bọc giấy Tàu (cái hốt – NV), mực và một quản bút, rồi lặng lẽ ghi chép những gì họ quan sát được, ngay cả lúc họ đang đứng giữa đường; không có gì làm họ bối rối…” (BAVH, Sđd, trang 261).

Những chi tiết trên chứng tỏ phái bộ đã làm đúng những điều vua Minh Mạng dặn bảo trước lúc khởi hành mà bộ Đại Nam thực lục đã nêu ở trên.

Cũng tờ Moniteur universel, số ra ngày hôm sau (6.1.1841), tiếp tục tường thuật những hoạt động của phái bộ Trần Viết Xương: “Ngày hôm qua (5.1) các sứ giả An Nam đã tham dự phiên họp của Viện Công Khanh (Chambre des pairs – NV). Tất cả cái nhìn đều hướng về khán đài nơi họ ngồi và họ chịu đựng hành vi hiếu kỳ này với một sự thản nhiên như không” (BAVH, Sđd, trang 261).

Cho tới ngày này, không thấy các báo đề cập gì đến các cuộc hội kiến của phái bộ Việt với Pháp hoàng Louis Philippe hay người đại diện. Điều này cũng dễ hiểu, vì họ không phải là một sứ bộ chính thức sang Pháp với một quốc thư của hoàng đế Việt Nam, mặt khác, chức tư vụ của Trần Viết Xương chỉ được xếp vào hàng chánh thất phẩm, quá cách biệt so với Chánh sứ Phan Thanh Giản hơn 20 năm sau, với chức Hiệp biện Đại học sĩ, vào hàng tòng nhất phẩm. (còn tiếp)

 

LÊ NGUYỄN

TNO