23/12/2024

Trầy trật thành lập trường đại học

Trầy trật thành lập trường đại học

Nhiều chủ đầu tư mất 5 – 8 năm để hoàn tất các điều kiện thành lập đại học. Thậm chí có chủ đầu tư đeo đuổi hơn 12 năm vẫn chưa thể đáp ứng được điều kiện thành lập. Vì sao như vậy?

 

Trầy trật thành lập trường đại học - Ảnh 1.

Hơn 12 năm kể từ khi xây dựng đề án, 5 năm có đồng ý chủ trương thành lập đến nay Trường ĐH Văn hóa nghệ thuật và du lịch Sài Gòn vẫn chưa thể ra đời do vướng mắc về đất đai – Ảnh: M.G

Cuối tháng 11-2021, Trường ĐH Quản lý và công nghệ TP.HCM chính thức ra mắt, đi vào hoạt động. Như vậy sau hơn 8 năm kể từ khi có quyết định đồng ý chủ trương thành lập, từng bị thu hồi chủ trương thành lập phải xin gia hạn năm 2017, chủ đầu tư mới hoàn tất các điều kiện để được thành lập, hoạt động đào tạo.

 

Đau đầu vì đất

Lý giải về thời gian hơn 8 năm mới đáp ứng được các điều kiện thành lập, ông Cao Minh Trí – phó chủ tịch hội đồng trường Trường ĐH Quản lý và công nghệ TP.HCM – cho biết một trong những vướng mắc lớn nhất khiến việc thành lập trường bị chậm đó là do các thủ tục liên quan đất đai. Theo ông Trí, để trường có diện tích 8ha như hiện nay, chủ đầu tư phải trải qua nhiều khâu từ nguồn quỹ đất, quy hoạch, phê duyệt quy hoạch, xây dựng…

Cũng vì vướng thủ tục đất đai nên hơn 12 năm qua, chủ đầu tư Trường ĐH Văn hóa nghệ thuật và du lịch Sài Gòn vẫn chưa thể đáp ứng đủ các điều kiện để thành lập trường. Trường được thành lập trên cơ sở nâng cấp Trường CĐ Văn hóa nghệ thuật và du lịch Sài Gòn. Đề án thành lập đại học được xây dựng từ năm 2009, được Chính phủ đồng ý chủ trương thành lập năm 2017.

Ông Vũ Khắc Chương – chủ đầu tư dự án – cho biết các khâu chuẩn bị khác đã hoàn tất nhưng do vướng thủ tục đất đai nên vẫn chưa đủ điều kiện cần thiết thành lập trường. Theo ông Chương, trong số 5ha đất giao cho trường, chuẩn bị thực hiện đền bù có 1,7ha đất công. Trong khi đó từ năm 2018 đến nay, các thủ tục liên quan đến giao đất công tạm ngừng hoặc rà soát lại các thủ tục liên quan nên trường chưa thể hoàn tất việc đền bù, sử dụng đất vào mục đích thành lập trường.

Tương tự, có quyết định đồng ý chủ trương thành lập từ năm 2018, đã quá 3 năm thực hiện nhưng Trường ĐH Đại Việt Sài Gòn vẫn chưa được thành lập do chưa có đủ diện tích đất cần thiết. Ông Lê Lâm – chủ đầu tư dự án thành lập Trường ĐH Đại Việt Sài Gòn – cho biết không chỉ các điều kiện thành lập mà ngay cả các thủ tục liên quan đến đất đai cũng ngặt nghèo hơn so với trước đây.

“Các thủ tục chuyển đổi, điều chỉnh quy hoạch rất lâu. Năm 2016 chúng tôi làm đề án đầu tư dự án Trường ĐH Đại Việt Sài Gòn và được chấp thuận vị trí tại khu đô thị Tây Bắc Củ Chi. Tuy nhiên sau đó, các ban ngành thông báo chờ điều chỉnh quy hoạch. Nếu như trước đây nhà đầu tư được giao đất, giờ theo quy định mới, chúng tôi được trả lời do không phải là đơn vị sự nghiệp công lập nên không thuộc diện giao đất. Như vậy 6 năm qua coi như không có kết quả gì từ dự án này. Hiện trường đang tích cực tìm kiếm các khu đất khác để có thể đưa vào dự án, được thẩm định thành lập trường” – ông Lâm nói.

Mong chính sách cởi mở hơn

TS Huỳnh Bá Lân, người sáng lập, hiệu trưởng Trường ĐH Quản lý và công nghệ TP.HCM (UMT), cho biết có nhiều yếu tố liên quan đến điều kiện thành lập trường đại học như các thủ tục về đất đai, thủ tục về tài chính, quy định của Nhà nước… cần nhiều thời gian để chuẩn bị.

Ví dụ trước đây trường đại học tư thục chỉ cần có vốn điều lệ với mức tối thiểu là 250 tỉ đồng (không bao gồm giá trị đất xây dựng trường) và không quy định về giá trị đầu tư ở thời điểm thẩm định cho phép thành lập trường.

Sau này, khi UMT trong quá trình thành lập, quy định mới yêu cầu trường tư thục phải có đầu tư với mức tối thiểu là 1.000 tỉ đồng (không bao gồm giá trị đất xây dựng trường).

Từng là nhà đầu tư thành lập Trường ĐH Kinh tế tài chính TP.HCM (UEF) năm 2007, ông Lân cho biết so với UEF, việc thành lập UMT phải nói là khó khăn và mất thời gian hơn rất nhiều.

Một chủ đầu tư cho biết ngay sau khi có chủ trương cho phép thành lập, ban quản lý dự án bên cạnh việc tìm đất đã tích cực tuyển dụng nhân sự, đầu tư cơ sở vật chất trên phần đất hiện có. Chi phí bỏ ra không nhỏ nhưng việc kéo dài thời gian thành lập trường khiến cho chi phí “chết” để duy trì rất lớn. Trong khi đó, ông Lê Lâm cho biết trước năm 2013 các trường được giao đất chỉ định. Nhưng hiện nay, đất công phải thông qua đấu thầu và thẩm quyền, trình tự cũng nghiêm ngặt hơn.

“Vấn đề đất đai luôn là vướng mắc lớn nhất đối với việc thành lập mới đại học. Nếu có chính sách cởi mở và hỗ trợ tốt hơn với đất giáo dục, việc xã hội hóa giáo dục đại học sẽ thuận lợi và hiệu quả hơn” – ông Lâm nói.

13 dự án trường ĐH chết yểu

Năm 2018, Phó thủ tướng Vũ Đức Đam ký quyết định hủy bỏ các văn bản phê duyệt chủ trương thành lập, chủ trương cho phép thành lập các trường đại học do quá thời gian thực hiện.

Các chủ trương phê duyệt thành lập 13 trường đại học bị hủy bỏ gồm: Trường ĐH dân lập quốc tế MeKong (2004), Trường ĐH tư thục Á Châu (2005), Trường ĐH dân lập Trần Hưng Đạo (2005), Trường ĐH tư thục Phương Nam (2007), Trường ĐH Mekong – Long An (2008), Trường ĐH Sơn Hà (2009), Trường ĐH Nam Việt – Sóc Trăng (2009), Trường ĐH Kinh tế kỹ thuật hàng hải (2010), Trường ĐH Đồng bằng sông Cửu Long (2010), Trường ĐH xây dựng và kiến trúc Hồng Hà (2011), Trường ĐH y khoa Hoàn Mỹ (2011), Trường ĐH Phan Xi Păng (2013), Trường ĐH Quản lý và công nghệ TP.HCM (2013).

Thủ tục ngặt nghèo

Một chủ đầu tư cho biết đất giao cũng phải trải qua nhiều thủ tục ngặt nghèo. Đất phải được giao trong 50 năm. Luật mới quy định đất nhà nước giao phải qua đấu giá. Thẩm quyền cho phép và thủ tục đấu giá cũng không hề đơn giản nên việc chờ đợi cũng rất lâu.

MINH GIẢNG
TTO