Chuyện người phụ nữ ly hương và hai phái bộ Việt trên đất Pháp: Những cuộc hôn nhân Việt – Pháp đầu tiên trong lịch sử
Chuyện người phụ nữ ly hương và hai phái bộ Việt trên đất Pháp: Những cuộc hôn nhân Việt – Pháp đầu tiên trong lịch sử
Theo chính sử, tháng 11.1784, lâm vào thế yếu trong cuộc chiến với anh em nhà Tây Sơn, chúa Nguyễn Ánh đã cử giám mục Bá Đa Lộc (Pigneau de Behaine) đưa con trai là hoàng tử Nguyễn Phúc Cảnh làm con tin sang Pháp để cầu viện.
Chuyến đi kéo dài vì còn phải ghé qua Pondichery – một vùng đất của Ấn Độ do Pháp quản lý, nên mãi đến tháng 11.1787, hai bên mới ký xong hiệp ước Versailles. Theo đó, chính phủ Pháp cung cấp cho Nguyễn vương 4 chiếc tàu chiến và hơn 1.500 lính Pháp đủ thành phần; đổi lại, chúa Nguyễn để cho người Pháp sử dụng đảo Côn Lôn (Côn Đảo) và cửa bể Đà Nẵng để buôn bán. Tuy nhiên, hiệp ước này đã bất khả thi ngay từ trong trứng nước, vì ít nhất 2 lý do: công khố Pháp lúc bấy giờ đã kiệt quệ; có sự bất đồng nghiêm trọng giữa Bá Đa Lộc và bá tước De Conway, tư lệnh vùng Pondichery, người được chính phủ Pháp ủy nhiệm việc thi hành hiệp ước Versailles.
Giám mục Bá Đa Lộc (1741 – 1799) |
Tình hình vào nửa đầu năm 1788 cho thấy chuyến đi của giám mục Bá Đa Lộc là một thất bại toàn diện. Sĩ diện của một giáo sĩ cao cấp không cho phép Bá Đa Lộc trở về ngay, nơi chúa Nguyễn Ánh đang ngóng chờ, với hai bàn tay trắng. Ông ta đã nấn ná lại trên đất Ấn Độ trong hơn một năm trời, mua một ít binh khí, tàu bè và đặc biệt là móc nối được một số cựu sĩ quan hay chuyên viên quân sự Pháp sẵn sàng cộng tác với chúa Nguyễn trong cuộc chiến chống lại nhà Tây Sơn. Đó là lý do chủ yếu về sự có mặt – với tư cách cá nhân – của khoảng vài mươi người Pháp chiến đấu bên cạnh các dũng tướng của chúa Nguyễn từ năm 1789 cho đến khi thống nhất đất nước (1802).
Năm 1802, sau khi đánh bại nhà Tây Sơn, chúa Nguyễn Ánh lấy niên hiệu Gia Long, thưởng công cho tướng sĩ Việt cũng như những người Pháp đã theo mình. Các khai quốc công thần như Nguyễn Văn Thành, Lê Văn Duyệt, Lê Chất… được phong tước công, hàng chánh phẩm, những người Pháp có công lớn được phong tước hầu, chức chưởng cơ, vào hàng nhị phẩm.
Làm quan nhiều năm tại triều đình Gia Long và Minh Mạng là hai chưởng cơ Jean Baptiste Chaigneau, được chúa Nguyễn Ánh đặt cho tên Việt là Nguyễn Văn Thắng, phong tước Thắng Đức hầu và Philippe Vannier, tên Việt là Nguyễn Văn Chấn, tước Chấn Võ hầu.
Nhiều cây bút Pháp vào các thế kỷ 19 – 20, trong đó có Michel Đức Chaigneau, tác giả quyển Souvenirs de Hue (Hồi ức về Huế – Paris 1867), thường nhắc đến tính ưa bông đùa của vua Gia Long. Tác giả A.Salles trong tập san Đô thành Hiếu cổ (Bulletin des Amis du Vieux Hué), tập 1 năm 1923, đã viết rằng vào tháng 6.1802, có lần nhà vua đã nói với Chaigneau: “Này, chừng nào ông cưới vợ? Tình trạng độc thân của ông bị mọi người ở đây chỉ trích đấy. Ta đang nóng lòng mong ông gặp một cô gái Đàng Trong tốt bụng và xinh đẹp sẽ đem hạnh phúc đến cho ông và ngăn không cho ông bỏ ta… Ông hãy đến gặp vị giám mục (giám mục Véren – NV), ông ấy sẽ chọn cho ông một cô gái có đạo Thiên Chúa. Ông sẽ cưới vợ theo nghi thức của đạo Thiên Chúa và các bạn đồng liêu của ông sẽ không còn cười nhạo ông và gọi ông là ông quan độc thân nữa…” (Bulletin des Amis du Vieux Hué – sđd – trang 57).
Vua Gia Long (1762 – 1820) TƯ LIỆU CỦA LÊ NGUYỄN |
Và Chaigneau cưới vợ thật. Ngày 4.8.1802, ông mua một ngôi nhà ở làng Dương Xuân, bên bờ rạch Phủ Cam (Huế); mấy ngày sau, làm lễ cưới với cô Benoite Hồ Thị Huề, thuộc một gia đình giáo dân Thiên Chúa cư ngụ ở phường Thợ Đúc. Chị cô Huề là Hồ Thị Nhơn cũng lấy chồng là De Forςant (Lê Văn Lăng), trong nhóm những người Pháp đến Đại Việt năm 1789.
Hôn lễ của Chaigneau và cô Hồ Thị Huề diễn ra tại nhà thờ phường Thợ Đúc dưới sự chủ lễ của giám mục Véren. Cuộc hôn nhân này kéo dài 13 năm và cho ra đời 11 người con, 6 người chết lúc còn rất nhỏ, chỉ còn lại 5 người. Người con trưởng là Michel Đức Chaigneau, sinh năm 1803, tác giả tập hồi ký Souvenirs de Hue đã nêu trên.
Năm 1815, bà Huề qua đời sau một cơn bạo bệnh. Hai năm sau (1817), Chaigneau cưới người vợ thứ hai tên Hélène Barisy, nhỏ hơn ông 31 tuổi, là con gái của Laurent de Barisy, một người bạn thân của ông trong hàng ngũ những người Pháp hợp tác với chúa Nguyễn Ánh.
Về phần Philippe Vannier, phải đến 9 năm sau, ngày 12.11.1811, ông mới lập gia đình với cô Magdeleine Nguyễn Thị Sen, con gái ông Nguyễn Văn Dõng, cũng là giáo dân Thiên Chúa ở phường Thợ Đúc. Lúc này Vannier đã 49 tuổi, Nguyễn Thị Sen mới 20. Cuộc hôn nhân này cho ra đời 4 người con sinh ở Việt Nam là: Michel Vannier, có tên Việt là Nguyễn Văn Lễ (1812 – 1889), Magdeleine Vannier (1814 – 1902), Elisabeth Vannier (1816 – 1892) và Marie Vannier (1822 – 1882), cùng 6 người nữa sinh ở Pháp, sau khi cả gia đình đã về Pháp sinh sống.
Vào những năm cuối thập niên 1810, cuộc sống khá tẻ nhạt và lòng nhớ quê hương thôi thúc nên Chaigneau xin với vua Gia Long được rời hẳn Việt Nam để về Pháp sinh sống. Nhà vua tỏ lòng quyến luyến, không muốn để ông ta ra đi. Cuối cùng, để nhân nhượng phần nào, vua Gia Long cho Chaigneau được về phép thăm nhà, ba năm sau sẽ trở lại Việt Nam. (Đại Nam Thực lục, tập 1, NXB Giáo dục 2002, trang 994).
Riêng Vannier trù trừ, không dứt khoát, nên vẫn còn ở Việt Nam vào thời điểm này.
(còn tiếp)
LÊ NGUYỄN
TNO