23/01/2025

Tiếng nước tôi: Hài hước ‘ngôn ngữ mạng’!

Tiếng nước tôi: Hài hước ‘ngôn ngữ mạng’!

Việc dùng từ thiếu thống nhất tồn tại cả trong văn bản của ngành y tế, các cơ quan chức năng và trên sản phẩm truyền thông báo chí nhưng đều được chấp nhận.

 

1. Mới đây, trên mạng xã hội xuất hiện câu chuyện ngôn ngữ tiếng Việt khá thú vị. Nội dung tóm lược như sau: trong tiếng Việt từ THẮNG rõ ràng đối lập với từ BẠI. Thế nhưng tại sao khẩu ngữ “đánh thắng quân thù” lại đồng nghĩa khẩu ngữ “đánh bại quân thù” (cùng có nghĩa “ta thắng địch thua”)? Quả thật, rất khó có lý giải nào khả dĩ có thể làm vừa lòng cả người nêu thắc mắc cũng như người xem trên mạng xã hội?

Cũng vậy, dù từ TRONG và NGOÀI đối nghịch nhau nhưng trong cuộc chiến với đại dịch COVID-19 đang diễn ra, cùng mang ý nghĩa nói về “ca mắc ở cộng đồng” (không phải ở khu cách ly tập trung, bệnh viện hay nhập cảnh vào) mà có ít nhất hai kiểu thể hiện: “ca mắc TRONG cộng đồng” và “ca mắc NGOÀI cộng đồng”.

Việc dùng từ thiếu thống nhất này tồn tại cả trong văn bản của ngành y tế, các cơ quan chức năng và trên sản phẩm truyền thông báo chí nhưng đều được chấp nhận.

2. Trái ngược với tình trạng dùng từ đối nhau nhưng vẫn biểu đạt đồng nghĩa như nói trên là trường hợp cùng một từ nhưng lại giải nghĩa (dịch) khác nhau, chủ yếu do “dân mạng” xã hội phát kiến theo cách hài hước, chơi chữ.

Ví dụ đầu tiên là từ “vũ trụ”, theo Từ điển tiếng Việt thông dụng của NXB Giáo Dục in tháng 9-2002 là “khoảng không gian vô tận”.

Nhưng vẫn là từ “vũ trụ” đó, dưới nhãn quan hài hước của dân mạng, họ chia từ này ra làm hai rồi dịch từng từ thì: “vũ” có nghĩa là “múa”, “trụ” nghĩa là “cột” thành ra “vũ trụ” là “múa cột”!

Ví dụ thứ hai là từ “phi hành gia” theo nghĩa thông thường được hiểu là phi công tàu vũ trụ/người bay vào không gian trên tàu vũ trụ. Nhưng dân mạng cũng có thể “dịch” theo cách hài hước: “phi hành gia” là người chuyên nghề chế biến thực phẩm, cụ thể là chuyên phi (chiên) củ hành!

Cũng hài hước không kém là ví dụ thứ ba, từ “hộ cận nghèo” vốn chỉ những hộ dân gần chạm ngưỡng nghèo theo tiêu chí quy định từng thời điểm của địa phương hay phạm vi toàn quốc.

Nhưng với mục đích ám chỉ, phê phán, lên án, đá xoáy… tình trạng tham nhũng, tiêu cực, lợi dụng chính sách với hộ nghèo để tư lợi, “ngôn ngữ mạng” lại dịch “hộ cận nghèo” thành những hộ dân “ở gần kề (bên cạnh) hộ/nhà nghèo”!

Tuy không được thừa nhận nhưng quả thực, trừ những phát kiến kiểu “bạt mạng”, không ít phát kiến “ngôn ngữ mạng” cũng khá dí dỏm, thú vị và được dân gian đón nhận.

NGUYỄN VĂN HÙNG
TTO