Những lỗ hổng lớn trong nhiệm vụ khoa học công nghệ cấp quốc gia
Những lỗ hổng lớn trong nhiệm vụ khoa học công nghệ cấp quốc gia
Từ vụ án Việt Á “thổi giá” kit xét nghiệm Covid-19, giới chuyên môn nhận thấy có nhiều câu hỏi cần được giải đáp trong quy trình xét duyệt và đánh giá các nhiệm vụ khoa học công nghệ cấp quốc gia do Bộ KH-CN tài trợ.
Tốc độ nghiên cứu siêu tốc
Mới đây, Bộ KH-CN vô tình “tiết lộ” bộ kit này té ra lại là một sản phẩm của một đề tài khoa học công nghệ cấp nhà nước với số vốn khủng gần 19 tỉ đồng. Việc ký kết tài trợ cho đề tài được bắt đầu từ ngày 3.2.2020, khi dịch Covid-19 mới chỉ bắt đầu (đề tài mã số ĐTĐL.CN.29/20). Cũng theo Bộ KH-CN, dự kiến thời gian thực hiện đề tài là 18 tháng.
Trên các báo, người chủ trì đề tài cũng cho biết ngày 30.1.2020 là thời điểm Bộ KH-CN tổ chức họp, mời các chuyên gia hiến kế ứng phó với dịch bệnh. Nghĩa là chỉ sau cuộc họp này đúng 3 ngày thì Bộ KH-CN đã giao cho nhóm nhà khoa học của Học viện Quân y thực hiện đề tài ĐTĐL.CN.29/20 (Nghiên cứu chế tạo bộ sinh phẩm RT-PCR và real-time RT-PCR phát hiện vi rút Corona chủng mới (2019-nCoV)). Với thông tin này, các nhà chuyên môn không thể không đặt câu hỏi: Liệu sự chính xác và liêm chính có được đảm bảo với một tốc độ xét duyệt siêu tốc như vậy?
Hình chụp bản thảo bài báo của nhóm nghiên cứu đăng trên tạp chí Journal of Medical Virology NGÔ ĐỨC THẾ |
3 tuần sau (kể từ ngày đề tài được Bộ KH-CN giao nhiệm vụ và ký tài trợ), nhóm nghiên cứu đã có bản thảo bài báo nộp cho tập san khoa học Journal of Medical Virology (ngày 24.2.2020), và đây cũng là bài báo quốc tế duy nhất của đề tài. Trong suốt thời gian sau đó, nhóm nghiên cứu không có thêm một bài báo nào.
Nếu căn cứ vào quy trình nghiên cứu khoa học thông thường thì con số 3 tuần vừa được nói đến ở trên thể hiện một tốc độ nghiên cứu khoa học nhanh tới mức khó tin! Giả sử nhóm nghiên cứu chỉ mất vài ngày để hoàn thành bản thảo (là dạng “short communication”, là bài báo ngắn mang tính chất tóm lược kết quả nhanh) thì họ chỉ có hơn hai tuần để tiến hành tất cả công đoạn nghiên cứu: thu thập mẫu, xây dựng các quy trình tạo sản phẩm, đánh giá phẩm chất…
Có cần nhà nước đầu tư khủng 19 tỉ đồng?
Đây là một tốc độ nghiên cứu có lẽ chưa từng gặp trong tiền lệ với các nghiên cứu ứng dụng đòi hỏi các khâu thực hiện trong phòng thí nghiệm. Chưa cần đánh giá chất lượng bài báo, bất cứ ai làm khoa học thực nghiệm cũng có thể có những mối quan ngại về độ tin cậy của các kết quả được tạo ra siêu tốc như vậy.
Cùng với tốc độ siêu tốc trong việc công bố bài báo, bộ kit hoàn chỉnh ngay lập tức được ra mắt ngày 5.3.2020 trong cuộc họp báo giới thiệu sản phẩm và công bố kết quả đề tài. Cần nhớ rằng, lúc đó, số lượng ca nhiễm SARS-CoV-2 ở Việt Nam còn rất ít, vậy cơ hội nào để các nhà nghiên cứu của đề tài có thể đánh giá độ chính xác của kit thử trên số lượng mẫu lớn – đòi hỏi cơ bản trong việc đánh giá bất cứ bộ kit xét nghiệm nào.
Theo logic bình thường, đề tài có thể coi là thành công khi sản phẩm đặt hàng được ra mắt, kết quả khoa học được công bố. Vậy nguyên nhân gì khiến nó vẫn được tiếp tục nghiên cứu (dù sản phẩm đã được thương mại hóa) và đến nay vẫn chưa nghiệm thu?
Tốc độ nghiên cứu siêu tốc đã khiến nhiều chuyên gia trong ngành quan ngại và đặt những dấu hỏi về “hàm lượng khoa học” của sản phẩm này. Học viện Quân y và Việt Á vốn không phải là những đơn vị có thế mạnh hay danh tiếng về các sinh phẩm chẩn đoán. Một bộ kit PCR hoàn chỉnh cần tốn rất nhiều thời gian và công đoạn. Các bước nghiên cứu đánh giá này bắt buộc phải đúng chuẩn mực khoa học với số mẫu rất lớn. Với các quy trình chặt chẽ và phức tạp như vậy, làm sao một đơn vị nghiên cứu với kinh nghiệm nghiên cứu còn khá hạn chế về vấn đề này có thể tạo ra bộ sản phẩm hoàn thiện trong thời gian siêu ngắn (một tháng)?
Từ câu chuyện cụ thể này, công chúng có quyền đặt ra câu hỏi về quy trình cấp các đề tài khoa học công nghệ cấp nhà nước. Vì lý do gì mà một đề tài với đầu tư cực lớn lại được cấp nhanh như vậy cho một đơn vị chưa có tiếng tăm về nghiên cứu sinh phẩm chẩn đoán như Học viện Quân y? Và chỉ cần một thời gian rất ngắn để “giải quyết ngon” bài toán (3 tuần có bài báo quốc tế, 1 tháng có sản phẩm được thương mại hóa), vậy con số đầu tư khủng lên tới gần 19 tỉ đồng có thật sự cần thiết?
Bỏ quên phát minh sáng chế, biến tài sản công thành sở hữu tư nhân?
Một điều quan trọng hơn là giữ lại sở hữu trí tuệ của công trình nghiên cứu (trách nghiệm của các nhà khoa học khi sử dụng thuế dân) lại bị nhóm nghiên cứu bỏ rơi một cách không thương tiếc. Theo trình tự của các nghiên cứu ứng dụng, sản phẩm trước khi giới thiệu cần được đăng ký phát minh sáng chế nhằm bảo vệ sở hữu trí tuệ và tránh bị đánh cắp.
Nhưng cho đến nay, không có bất kỳ một phát minh sáng chế nào được đăng ký từ đề tài mã số ĐTĐL.CN.29/20. Hiện tại, nhóm nghiên cứu chỉ làm một việc duy nhất là “sản xuất” kit tại Công ty Việt Á.
Giả sử bây giờ nhóm nghiên cứu mới nghĩ đến việc này e rằng không kịp, do họ đã công bố kết quả khoa học trên tập san khoa học Journal of Medical Virology (bài xuất bản online ngày 12.6.2020). Theo các quy tắc về đăng ký sở hữu trí tuệ, phát minh sáng chế sẽ không thể được đăng ký nếu khi nhóm nghiên cứu đã công bố trên tạp chí, hay quảng cáo sản phẩm ra các phương tiện thông tin đại chúng.
Việc nhóm nghiên cứu đăng bài trên tạp chí chuyên ngành, và thông qua thông cáo báo chí của Bộ KH-CN quảng cáo rầm rộ về một kit xét nghiệm thần thánh khiến cho việc đăng ký phát minh sáng chế là bất khả thi. Giả sử các kết quả nghiên cứu là thật, thì các kết quả này đã không được bảo hộ. Báo cáo hoàn thành đề tài nghiệm thu tháng 12.2021 chỉ giải trình kết quả của đề tài này là bộ kit nói trên với minh chứng là một bài báo khoa học mà không hề có bất kỳ một sở hữu trí tuệ nào được đăng ký.
Xét trên phương diện sở hữu trí tuệ, đề tài ĐTĐL.CN.29/20 là một tài trợ lớn của nhà nước cho Học viện Quân y, nhưng sản phẩm đầu ra lại hoàn toàn chuyển thành sản phẩm của Việt Á (để từ đó công ty này thu lợi bất chính hàng ngàn tỉ đồng trên sinh mạng của chính người dân Việt Nam) là một điều hoàn toàn phi lý. Chẳng lẽ các nhà nghiên cứu ở Học viện Quân y đã mải mê với việc thổi phồng chất lượng sản phẩm và khoe khoang trên các phương tiện đại chúng và qua đó đã bỏ qua luôn việc đăng ký sở hữu trí tuệ?
Theo lời quảng cáo từ nhóm nghiên cứu, nhóm đã hợp tác cùng Việt Á để sản xuất bộ kit (quả thực hàng triệu bộ kit xét nghiệm mang thương hiệu Việt Á đã được lưu hành tại Việt Nam cho đến nay). Điều này có nghĩa là, số tiền khổng lồ đầu tư cho đề tài để biến một sản phẩm (nếu chúng ta giả thiết là sản phẩm đó là thật) nghiên cứu lẽ ra thuộc về sở hữu công (ví dụ Học viện Quân y) trở thành tài sản của một công ty tư nhân và qua đó công ty kiếm lợi bất chính? Vậy thực tế kết quả nghiên cứu không thể đạt mức có thể ghi nhận sở hữu trí tuệ hay sở hữu trí tuệ bị bỏ quên?