22/12/2024

Dịch ở Hà Nội căng thẳng, F0 mòn mỏi đợi thuốc

Dịch ở Hà Nội căng thẳng, F0 mòn mỏi đợi thuốc

Gần 1 tuần qua, Hà Nội liên tục giữ vị trí cao nhất cả nước về số ca mắc mới Covid-19 trong ngày; 8 quận trung tâm đổi “màu cam” nguy cơ cao với dịch đã phải cấm, dừng các hoạt động không thiết yếu.

 

 

Riêng hôm qua (26.12), Hà Nội ghi nhận 1.910 ca mắc mới, vẫn giữ vị trí cao nhất cả nước. Vì sao trong lúc dịch tại nhiều địa phương có dấu hiệu giảm nhiệt thì số ca Covid-19 tại Hà Nội liên tục lập đỉnh?

F0 đợi thuốc

Thông tin với Thanh Niên, chị N.T.H (ở P.Đống Mác, Q.Hai Bà Trưng) cho biết mẹ chị là bà N.T.T (62 tuổi) được phát hiện dương tính ngày 15.12. Đáng nói, bà T. chưa được tiêm vắc xin, tới ngày 16.12 bắt đầu có chuyển biến nặng hơn khi lượng ô xy trong máu (SpO2) giảm xuống. Sáng 17.12, chị H. liên hệ với y tế P.Đống Mác đề đạt nguyện vọng muốn đưa mẹ đi điều trị. Dù vậy, chiều cùng ngày, nhân viên y tế phường đến kiểm tra, báo kết quả là tình trạng của bà T. vẫn có thể tự điều trị ở nhà được và đề nghị gia đình chụp ảnh kết quả SpO2 gửi qua điện thoại cho nhân viên y tế.

Dịch ở Hà Nội căng thẳng, F0 mòn mỏi đợi thuốc - ảnh 1
Lấy mẫu xét nghiệm Covid-19 diện rộng tại P.Văn Chương, Q.Đống Đa, Hà Nội  SƠN TRẦN

“Sau đó, tình trạng bệnh của mẹ tôi trở nặng hơn, SpO2 giảm, tôi đã nhắn tin báo cho cán bộ y tế phường, không có phản hồi. Gọi điện ra phường thì cũng không ai nghe máy, lúc đó là nửa đêm. Khi gọi cấp cứu 115 thì cũng không ai tiếp nhận, họ đều giải thích là đúng quy trình thì phải qua hệ thống y tế phường. Gia đình tôi liều đưa mẹ đi cấp cứu ở Bệnh viện (BV) Thanh Nhàn. Gia đình phải trình bày khó khăn là bệnh nhân lớn tuổi, chưa tiêm vắc xin, gia đình rất lo lắng, tình trạng bệnh có thể nguy kịch mới được tiếp nhận điều trị”, chị H. chia sẻ.

Dịch ở Hà Nội căng thẳng, F0 mòn mỏi đợi thuốc - ảnh 2
Xét nghiệm Covid-19 cho người dân tại khu vực Ô Chợ Dừa, Q.Đống Đa – quận đầu tiên của Hà Nội chuyển màu cam  TRẦN CƯỜNG

Chị N.T.V, sống tại 1 tòa chung cư thuộc P.Yên Sở (Q.Hoàng Mai) thì cho biết ngày 23.12 chị có biểu hiện ho, sốt nên đã đến y tế phường lấy mẫu xét nghiệm. Nhưng đến ngày 25.12 mới có kết quả xét nghiệm PCR. Trong quá trình chờ đợi kết quả, lo lắng nên chị đã tự test nhanh, cho kết quả dương tính Covid-19. Chị V. cho biết y tế phường chỉ hỏi qua điện thoại về tình trạng bệnh, hướng dẫn uống thuốc tự điều trị chứ không được phát thuốc.

Anh N.V.V (36 tuổi) cùng gia đình 5 người sinh sống tại 1 chung cư ở P.Thanh Xuân Trung (Q.Thanh Xuân), bức xúc kể tầng chung cư nhà anh ở có 1 trường hợp tự test nhanh ra kết quả dương tính, báo y tế phường từ ngày 29.11, nhưng phải đến ngày 30.11 mới có cán bộ đến lấy mẫu đưa đi xét nghiệm PCR. Hơn 1 ngày sau có kết quả khẳng định nhiễm Covid-19, nhưng cũng phải chờ thêm 1 ngày nữa, bệnh nhân mới được đưa đi điều trị tập trung; đồng thời Q.Thanh Xuân mới có quyết định cách ly cả tầng chung cư có F0 này.

“Việc ra quyết định cách ly như vậy rất hình thức, không mang lại kết quả thiết thực vì từ khi phát hiện trường hợp F0, hàng xóm vẫn đi làm, sinh hoạt bình thường, tiếp xúc với nhiều người”, anh V. nói.

Y tế cơ sở quá tải trầm trọng

Theo một cán bộ y tế thuộc Trạm y tế P.Đống Mác (Q.Hai Bà Trưng), thời điểm hiện tại tình hình dịch Covid-19 trên địa bàn đang diễn biến phức tạp. P.Đống Mác đang hướng dẫn điều trị cho hơn 120 F0 tại nhà, đây là con số rất lớn so với nhân lực y tế cấp phường, chính vì vậy việc chưa sát sao là không tránh khỏi, người dân có trách cũng không biết làm thế nào.

Thuốc Molnupiravir cấp cho Hà Nội chỉ đủ 7 – 8 ngày

Sở Y tế Hà Nội cho biết Bộ Y tế có quyết định phân bổ 200.000 viên thuốc Molnupiravir. Mỗi F0 được cấp đủ liều cần 20 viên. Với số thuốc được Bộ Y tế cấp hiện tại, ước khoảng 10.000 liều; trong khi đó mỗi ngày Hà Nội có 1.600 – 1.800 ca F0 mới, nếu cấp cho tất cả thì cũng chỉ đủ trong khoảng 7 – 8 ngày.

Trao đổi với Thanh Niên, ông Nguyễn Anh Tuấn, Trưởng phòng Y tế Q.Nam Từ Liêm, cho biết lực lượng y tế cơ sở đang căng mình ra làm rất nhiều việc. Hiện mỗi phường có 1 trạm y tế, song có những trạm chỉ có 6 – 7 nhân viên y tế, trong khi phải theo dõi hàng trăm F1 cũng như F0 trên địa bàn. “Nhân viên y tế số lượng có hạn, việc lại quá nhiều, nên nói tuyến y tế cơ sở không phải là quá tải nữa mà là vô cùng quá tải”, ông Tuấn nói và cho biết nếu không có sự hỗ trợ từ lực lượng y tế tư nhân thì không thể đáp ứng nổi nhu cầu hiện nay.

Xác nhận việc nhiều F0 cho biết không được cấp thuốc điều trị, lý do theo ông Tuấn, các trạm y tế phường hiện chỉ có túi thuốc nhóm A gồm paracetamol và vitamin C. Các túi thuốc nhóm B, C là thuốc đặc trị chỉ được dùng khi có chỉ định của bác sĩ và chỉ được cấp phát về phòng y tế quận. Khi trạm y tế có đề nghị thì các thuốc kháng vi rút mới được cấp về cơ sở để điều trị theo chỉ định.

Dịch ở Hà Nội căng thẳng, F0 mòn mỏi đợi thuốc - ảnh 3

Lãnh đạo một phòng y tế khác cũng cho biết đã có nhiều nhân viên y tế nộp đơn xin nghỉ việc vì áp lực công việc quá lớn. Cũng theo vị này, dù TP.Hà Nội cho biết y tế cơ sở là nòng cốt, song cơ chế để huy động nhân lực vẫn chưa rõ ràng. “Cần có cơ chế như cho phép nhân viên y tế ký hợp đồng làm việc 50% với nơi công tác, 50% còn lại được ký theo năm với trạm y tế, có như thế mới huy động được lâu dài và đủ nhân lực”, lãnh đạo phòng y tế cho biết.

Cần hết sức bình tĩnh

Nhận thấy tình trạng quá tải của các cơ sở y tế, sẵn kinh nghiệm chống dịch hỗ trợ TP.HCM trong cao điểm đợt dịch thứ 4, TS-BS Hoàng Thanh Tuấn, Phó chủ nhiệm Khoa Phẫu thuật tạo hình, tái tạo (BV Bỏng Quốc gia), đã thành lập nhóm Facebook “Bác sĩ Quân y hỗ trợ online chăm sóc điều trị F0 tại nhà” để hỗ trợ, tư vấn cho các F0 điều trị tại nhà.

Theo bác sĩ Tuấn, thời điểm hiện tại độ phủ vắc xin cao, khác với thời điểm dịch căng thẳng tại TP.HCM (khi tỷ lệ bao phủ vắc xin còn thấp), nên phần lớn F0 thể nhẹ, có thể tự cách ly, điều trị tại nhà vì thế người dân không cần quá lo lắng, hoang mang, và rất cần chia sẻ cho lực lượng y tế bởi các cơ sở y tế cũng đều quá tải.

Tránh để F0 diễn biến nặng

Theo báo cáo của Sở Y tế Hà Nội, tính đến hết ngày 25.12, tổng số bệnh nhân Covid-19 đang điều trị là 19.730 người, trong đó có hơn 10.000 người điều trị tại nhà, gần 5.000 người điều trị tại các cơ sở thu dung quận, huyện; số còn lại điều trị tại các BV T.Ư và Hà Nội, cơ sở thu dung điều trị của TP.

Một tín hiệu khá tích cực với việc điều trị F0 tại Hà Nội, là từ đầu đợt dịch thứ 4 (27.4) đến chiều 26.12, TP.Hà Nội ghi nhận 112 ca tử vong do Covid-19, song đa số các trường hợp này đều mắc bệnh nền và chưa tiêm vắc xin. Kiểm tra việc điều trị cho F0 tại các BV tầng 2, tầng 3, TS Cao Hưng Thái, Phó cục trưởng Cục Quản lý khám chữa bệnh (Bộ Y tế), cũng đề nghị các BV tiếp tục thực hiện các giải pháp chống dịch, thực hiện tốt công tác bảo đảm an toàn sinh học phòng xét nghiệm; bố trí nhân lực hợp lý; bảo đảm nguồn ô xy phục vụ người bệnh… Ngoài ra, cần phân tích chuyên sâu các ca tử vong để tìm ra các giải pháp giảm thiểu tử vong; thiết lập trung tâm hồi sức tích cực (ICU) theo định hướng của Bộ Y tế để bảo đảm việc điều trị Covid-19 tuyến cuối của TP.Hà Nội.

Thủ tướng yêu cầu tiêm vắc xin lưu động tại nhà dân

Thủ tướng Phạm Minh Chính vừa ký công điện về việc quản lý, bảo vệ người thuộc nhóm nguy cơ cao mắc Covid-19; tăng cường công tác điều trị, giảm ca chuyển nặng, ca tử vong do Covid-19. Thủ tướng yêu cầu: Trưởng ban Chỉ đạo phòng, chống dịch Covid-19, chủ tịch UBND các tỉnh, TP trực thuộc T.Ư chỉ đạo và tổ chức thực hiện quản lý chặt chẽ nhóm nguy cơ cao trên địa bàn, tổ chức rà soát, lập danh sách, thống kê tất cả những người thuộc nhóm nguy cơ cao, hộ gia đình có người thuộc nhóm nguy cơ cao, tình trạng bệnh nền đang được điều trị, tình trạng sức khỏe, nhu cầu hỗ trợ.

Tổ chức tiêm vét vắc xin, thực hiện tiêm vắc xin Covid-19 lưu động ngay tại nhà, bảo đảm không để sót ai thuộc nhóm nguy cơ cao mà không được tiêm vắc xin đầy đủ (trừ trường hợp chống chỉ định).

Chí Hiếu

Hải Phòng dự báo có thể sẽ tới cả nghìn ca F0/ngày

Tính đến hết ngày 26.12, TP.Hải Phòng ghi nhận 6.770 ca nhiễm Covid-19. Đến thời điểm này, TP.Hải Phòng đã có 13 bệnh nhân tử vong.

Trao đổi với Thanh Niên, ông Lê Khắc Nam, Phó chủ tịch UBND TP.Hải Phòng kiêm Giám đốc Sở Y tế TP.Hải Phòng, cho biết: “Tình hình dịch bệnh tại TP.Hải Phòng đang rất phức tạp, số ca nhiễm sẽ tăng nhanh vì dịch bệnh đã xâm nhập vào các khu, cụm công nghiệp. Có thể trong thời gian tới sẽ có cả nghìn ca/ngày. Tuy nhiên, TP.Hải Phòng đã có chuẩn bị”. TP đã lập 226 trạm y tế lưu động điều trị F0 tại nhà, lắp đặt hệ thống ô xy đến các giường bệnh ở 10 BV và đang triển khai cho 12 BV khác.

Lê Tân

 

THANH NIÊN

TNO