21/12/2024

Pho sử quý Châu bản triều Nguyễn

Pho sử quý Châu bản triều Nguyễn

Từ Châu bản triều Nguyễn, có thể đọc được những tư liệu về tập tục, về chiến tranh, về nền hành chính…

 

 

Dựng lại lịch sử

Tại hội thảo Nghiên cứu bảo tồn phát huy di sản Châu bản triều Nguyễn (Trung tâm lưu trữ quốc gia 1 tổ chức ngày 23.12 tại Hà Nội), TS Lê Tiến Công (Nhà trưng bày Hoàng SaĐà Nẵng) cho biết dù đặc biệt quan trọng, nhưng sự kiện Pháp – Tây Ban Nha đánh vào Đà Nẵng trong sách Đại Nam thực lục được viết rất ngắn gọn, thông tin sơ sài.

Pho sử quý Châu bản triều Nguyễn - ảnh 1
Đàn Âm hồn thời vua Thành Thái 1894, ảnh chụp năm 1924  TL

Trong khi đó, thông tin từ Châu bản triều Nguyễn vừa xác thực, vừa phong phú. “Có thể nói lúc này có rất nhiều “báo cáo chiến trường”, những giải pháp chống trả, phòng bị, lời châu phê rất chân thật. Ví dụ, chỉ riêng việc đếm số thuyền chiến của Pháp – Tây Ban Nha lui tới trong vịnh Đà Nẵng hằng ngày đều có báo cáo, con số không giống nhau, đến nỗi Tự Đức phải than phiền”.

TS Lê Thị An Hòa, Trung tâm bảo tồn di tích cố đô Huế, lại nói về giá trị của tài liệu Châu bản triều Nguyễn với phục hồi lễ tế âm hồn. TS Hòa cho biết từ sau thất thủ kinh đô 1885, Huế hình thành nghi lễ cúng âm hồn để tưởng nhớ những người bị chết trong trận thất thủ. Việc tìm kiếm tư liệu khôi phục nghi lễ này từng nhiều năm giậm chân tại chỗ. “Nếu không có tài liệu Châu bản triều Nguyễn, chắc chúng tôi không thể phục hồi lễ tế âm hồn như những năm qua”, TS Hòa cho biết.

Nhận thức đa dạng về triều Nguyễn

TS Vũ Đức Liêm, Trường ĐH Sư phạm Hà Nội, đánh giá Châu bản triều Nguyễn là một trong những bằng chứng rõ ràng và sống động nhất phản ánh quá trình thiết chế hóa, quan liêu hóa, chuẩn hóa quyền lực ở Huế diễn ra trong thời kỳ Minh Mệnh. Châu bản cho thấy Minh Mệnh đã tạo ra nhiều thay đổi lớn trong phong cách thực hành chính trị và hành chính ở Huế. Đầu tiên là sự gia tăng vai trò của giới văn quan mà đứng đầu là Trịnh Hoài Đức. “Nền hành chính mới dựa vào văn bản, giấy tờ và các thiết chế chặt chẽ rõ ràng đã làm thay đổi cán cân quyền lực ở Huế. Ngay từ những năm đầu cầm quyền của Minh Mệnh, ông đã xác lập các “luật chơi” mới về quan hệ quyền lực, lễ nghi, và hành chính, làm cho phần không nhỏ trong giới quan liêu ngỡ ngàng”, TS Vũ Đức Liêm cho biết.

Pho sử quý Châu bản triều Nguyễn - ảnh 2
Châu bản triều Nguyễn về việc thưởng phạt binh lính

Cũng theo TS Vũ Đức Liêm, các quy tắc hành chính mới buộc Lê Văn Duyệt, Lê Chất, những người “tính nóng nảy”, “nói năng không theo lễ độ” phải thực hành các nghi lễ và quy phạm hành chính mới. Nó cũng tác động đến người Pháp cũng như quan lại ở Huế. “Tài liệu Châu bản triều Nguyễn đóng vai trò quan trọng trong việc phản ánh cách thức vận hành nền hành chính ở Huế gần như trong suốt nền cai trị của vương triều Nguyễn, đặc biệt là những thay đổi dưới thời Minh Mệnh mà chúng tôi đề xuất có thể được gọi tên là nền hành chính Châu bản”, ông Liêm nêu quan điểm.

TS Lê Tiến Công đánh giá Châu bản là tư liệu gốc có giá trị gần như tuyệt đối trong nghiên cứu. “Giá trị như vậy nhưng việc khai thác vẫn chưa nhiều. Một trong những khó khăn khi khai thác tài liệu là vì tính chất đặc biệt của nó và giá sao chụp tư liệu khá cao. Hy vọng một ngày không xa số Châu bản sẽ được công bố rộng rãi hơn”, TS Lê Tiến Công chia sẻ.

Th.S Nguyễn Thu Hoài, Phó giám đốc Trung tâm lưu trữ quốc gia 1, cho biết trung tâm vẫn liên tục duy trì thông tin về Châu bản trên các trang điện tử. Đặc biệt trong 2 năm qua, do không tổ chức được các sự kiện trực tiếp, trung tâm đã tổ chức triển lãm ảo 3D Giáo dục triều Nguyễn qua Di sản tư liệu Châu bản – Mộc bản. Tới đây trung tâm có kế hoạch tăng cường giới thiệu

Châu bản triều Nguyễn vào trường học giúp học sinh, sinh viên tiếp cận với tư liệu lịch sử này.

 

TRINH NGUYỄN

TNO