23/12/2024

Khi trẻ mầm non học trực tuyến: Cô trò đều ‘vật vã’ với công nghệ nhưng vui

Khi trẻ mầm non học trực tuyến: Cô trò đều ‘vật vã’ với công nghệ nhưng vui

Cả cô và trò đều lần đầu tiên làm quen với phần mềm học trực tuyến, trong khi giáo viên loay hoay tìm cách chỉnh màn hình thì tụi trẻ lao nhao hỏi “cô ơi cô đâu rồi, cô ơi màn hình bị lộn ngược rồi”…

 

 

Đó là những chia sẻ hài hước của cô Phạm Thị Lành, Hiệu trưởng Trường mầm non 1/6 (Q.Bình Tân, TP.HCM). Lớp học trực tuyến “lố nhố” này đã được cô trò duy trì gần 2 tháng nay.

Lớp học trực tuyến dành cho cả trẻ và phụ huynh

Trường học đóng cửa hơn nửa năm rồi, bản thân vừa là giáo viên vừa làm quản lý cô Lành cho biết cả cô và trò rất mong mỏi được gặp nhau.

“Lúc đó mình phải suy nghĩ rất nhiều, nhìn thấy khó khăn của trẻ lứa 5 tuổi chịu nhiều thiệt thòi, bởi các em là lứa mầm non chuẩn bị vào lớp 1. Thường năm cuối cấp các con sẽ được trang bị nhiều kỹ năng để vững vàng hơn khi chuyển cấp, nhưng trường học đóng cửa các em không được học các nền tảng khi vào tiểu học. Ở nhà mùa dịch lại gắn liền với tivi, điện thoại nên mình đã quyết định mở lớp học mang tên “đồng hành cùng con” dành cho lứa trẻ 5 tuổi”, cô Lành chia sẻ và cho biết đây là lớp học miễn phí do cô và một số giáo viên trong trường đảm nhận.

Khi trẻ mầm non học trực tuyến: Cô trò đều ‘vật vã’ với công nghệ nhưng vui - ảnh 1
Nhiều trẻ mầm non tham gia học trực tuyến, kết nối với giáo viên và các bạn NVCC

Thời gian đầu, khi nói về việc dạy trực tuyến cho trẻ mầm non rất nhiều người phản đối và không nhiều phụ huynh tin tưởng cho con theo học. Phụ huynh họ rất ngại vì sợ con tương tác nhiều với máy tính. Để cha mẹ yên tâm hơn cô cho biết đã dành rất nhiều thời gian để nói chuyện, tâm sự với phụ huynh mong họ hiểu và đồng hành cùng cô trò.

Lúc đầu chỉ có vài ba bé, thấy hiệu quả nhiều phụ huynh khác đăng ký tham gia. Sau gần 2 tháng hiện cô Lành đã có 2 lớp với hơn 30 bé. Trong đó, khoảng 80% là học sinh của trường, 20% còn lại là những trẻ ngoài trường có nhu cầu trong đó có nhiều em ở tận Cà Mau, Biên Hòa…

Đặc biệt, cô còn có một lớp học đặc biệt dành cho phụ huynh của trẻ mầm non, giúp họ có thêm phương pháp trong việc giáo dục, cũng như giải tỏa căng thẳng khi giao tiếp với trẻ trong thời gian này. Sau 20 giờ hàng ngày, khi lớp học của con kết thúc thì nhiều phụ huynh “vào lớp” để cùng nhau học tập, trò chuyện và được giáo viên giải đáp những khúc mắc trong quá trình nuôi dạy con. Nhiều phụ huynh cho biết trong khi trẻ khủng hoảng vì phải ở nhà quá lâu thì phụ huynh cũng rất áp lực, mệt mỏi và nhiều khi cáu gắt với con vì còn phải lo toan nhiều công việc khác.

Trẻ được học những gì?

Sau khi mở lớp, cứ 19 giờ hàng ngày cô trò lại cùng vào lớp trên nền tảng Zoom, trẻ sẽ có khoảng 10 phút để vận động thể dục, 7-10 phút làm quen với chữ cái, số đếm, ngôn ngữ; rồi các em được giáo viên kể chuyện, dạy những kỹ năng cơ bản, sau đó là thời gian để các bạn nhỏ giao lưu, trò chuyện với cô… Các em cũng được cô giáo dặn dò giúp đỡ ba mẹ làm việc nhà, cách sáng tạo các trò chơi khi phải ở nhà nhiều.

Khi trẻ mầm non học trực tuyến: Cô trò đều ‘vật vã’ với công nghệ nhưng vui - ảnh 2
Không được đến trường, trẻ rất hào hứng khi được kết nối với giáo viên và các bạn. NVCC

Khi được kết nối, mỗi lớp học giáo viên phải biến hóa không đơn thuần chỉ là cung cấp kiến thức cho trẻ. Trẻ rất thích những nhân vật hoạt hình, chơi các trò chơi nên toàn bộ dữ liệu, nội dung chương trình khi được đưa vào lớp đều chuyển tải thành những câu chuyện, những hoạt động nhẹ nhàng qua những trò chơi phù hợp với trẻ… để dễ dàng chuyển tải. Trong hoạt động này, trẻ được tham gia rất nhiều khi giao lưu với giáo viên, các bạn có thời gian để nói chuyện.

Lớp học tưởng chừng rất đơn giản nhưng cô Lành cho biết để hoạt động được không dễ dàng chút nào. Nói là mở lớp, nhưng khi thực hiện cực kỳ khó, bản thân là người không biết gì về công nghệ nên khi làm chương trình trực tuyến cho trẻ cô Lành cho biết phải vật vã, mò mẫm từng chút một, thậm chí phải nhờ rất nhiều người hỗ trợ. Cô phải học từ cách mở Zoom, chia sẻ màn hình chính ra sao, gọi học trò, chia nhóm…

“Cô ơi cô bị lộn ngược rồi, cô ơi cô bị quay đầu rồi, con không nhìn thấy cô ở đâu cả… Lúc đó mình cuống lên nhưng vẫn nói các con từ từ bình tĩnh chờ cô nào, cô vẫn đang ở đây chỉ là chưa tìm được cách để nhìn thấy các con thôi. Cũng có hôm học trò, phụ huynh đã vào lớp hết rồi nhưng cô mò mẫm mãi không biết mở chương trình qua màn hình lớn thế nào. Lúc đó mình rất rối, nhưng may mắn là mình nhận được sự kiên nhẫn của phụ huynh và các em. Thấy cô luống cuống các em cứ ngồi yên đợi, cứ thế từ từ mình vượt qua và khắc phục được những khó khăn đó. Cứ đụng chỗ nào khó, chỗ nào chưa được thì mình học chỗ đó”, nữ hiệu trưởng hài hước kể lại.

Đặc biệt, khó khăn nhất là trẻ mầm non còn quá nhỏ các em chưa thể tự kết nối hay thao tác với giáo viên nên các em không thể tự học như các anh chị khối lớp lớp. Do vậy, để con theo được lớp này phải có sự kèm cặp với ba mẹ nên thời gian đầu phụ huynh hỗ trợ rất nhiệt tình khi con có thêm một kênh để chia sẻ, học hỏi với giáo viên và các bạn.

Sau vài tháng, giờ không chỉ giáo viên, nhiều trẻ cũng đã có thể sử dụng zoom để kết nối, chia sẻ rất thuần thục. Sau vài tháng trẻ cũng tự tin và chủ động hơn, các con nắm được những kỹ năng kiến thức đơn giản.

Những đứa trẻ khi cô trò chuyện thì các con rất hào hứng, con được học cách nói lời yêu thương, giúp đỡ công việc trong nhà, biết vẽ bằng 2 tay, vẽ biểu tượng… Thấy được hiệu quả, sự phát triển của con nhiều phụ huynh chia sẻ lại, cho biết rất vui và lượng trẻ đăng ký vì thế cứ tăng dần.

“Nếu dạy trực tiếp thì hiệu quả mỗi tiết được 100 thì khi dạy trực tuyến được 50-60% là mình vui rồi, còn hơn là chúng ta bỏ qua những đứa trẻ lứa 5 tuổi ở thời điểm này vì nửa năm học đã gần hết các con vẫn chưa được đến trường ngày nào. Còn với bản thân mình và giáo viên, khi được gặp gỡ tiếp xúc với các con mỗi ngày mình cũng thấy được giá trị của bản thân và cảm giác vẫn được làm việc ngay cả khi trường học đã đóng cửa hơn 7 tháng nay”, nữ hiệu trưởng chia sẻ và cho biết sẽ duy trì lớp học trực tuyến này cho đến khi nào trường được mở cửa.

 

NGUYỄN LOAN

TNO