23/12/2024

Bác sĩ: Đây là nguyên nhân số 1 của bệnh tiểu đường

Bác sĩ: Đây là nguyên nhân số 1 của bệnh tiểu đường

Bệnh tiểu đường (đái tháo đường) đã được mô tả như một bệnh dịch thầm lặng. Năm 2020, căn bệnh này giết chết số người gấp 3 lần Covid-19.

 

 

Có quá nhiều người vẫn coi bệnh tiểu đường là một căn bệnh thời thơ ấu nằm ngoài tầm kiểm soát của chúng ta. Thực tế là, bệnh tiểu đường loại 2 thường phát triển ở tuổi trưởng thành, là kết quả của những lựa chọn đơn giản bạn thực hiện hằng ngày.

Vậy bạn có thể làm gì để giảm thiểu rủi ro của mình? Rất nhiều, bắt đầu với việc tránh nguyên nhân số 1 của bệnh tiểu đường loại 2, như các bác sĩ đã nói.

1. Bệnh tiểu đường là gì?

Bệnh tiểu đường là tình trạng cơ thể không có khả năng xử lý đường (glucose).

Thông thường, khi một người không mắc bệnh tiểu đường tiêu thụ đường, tuyến tụy của họ sẽ tiết ra một loại enzyme gọi là insulin để chuyển hóa đường thành năng lượng.

Ở một người bị tiểu đường, tuyến tụy hoặc không tạo ra insulin, hoặc cơ thể trở nên đề kháng với nó.

Kết quả là, lượng đường trong máu tích tụ trong các động mạch, làm hỏng chúng.

Điều này có thể dẫn đến tăng nguy cơ mắc bệnh tim, mù lòa, tuần hoàn kém, thậm chí phải cắt cụt chi.

Bệnh tiểu đường loại 1, từng được gọi là “bệnh tiểu đường vị thành niên”, có thể phát triển ở mọi lứa tuổi và tự phát.

Tuy nhiên, tỷ lệ mắc bệnh tiểu đường loại 2 đang bùng nổ ở Mỹ – các chuyên gia dự đoán rằng cứ 10 người thì có 1 người mắc bệnh tiểu đường vào năm 2045 – và nó liên quan trực tiếp đến các lựa chọn về chế độ ăn uống và lối sống, theo Eat This, Not That!

2. Nguyên nhân số 1 của bệnh tiểu đường là gì?

Bác sĩ: Đây là nguyên nhân số 1 của bệnh tiểu đường - ảnh 1
Đo đường huyết SHUTTERSTOCK

Có nhiều yếu tố nguy cơ gây ra bệnh tiểu đường loại 2, nhưng chủ yếu trong số đó là chế độ ăn nghèo nàn với nhiều thực phẩm chế biến sẵn và thêm đường.

Khi cơ thể ngập trong đường (và nhiều loại thực phẩm chế biến sẵn phân hủy thành đường), nó có thể trở nên đề kháng với insulin.

“Bệnh tiểu đường là khi cơ thể bạn không thể cung cấp đủ insulin để cho phép glucose đi vào các tế bào đói của cơ thể bạn”, Thomas Horowitz, một chuyên gia y học gia đình tại Trung tâm Y tế Trưởng lão CHA Hollywood ở Los Angeles (Mỹ), cho biết.

“Cách tốt nhất để tránh nó là thực hiện một chế độ ăn kiêng không ảnh hưởng đến việc cung cấp insulin của bạn”, ông Horowitz nói.

Ông cũng khuyên bạn nên chọn các loại thực phẩm phân hủy từ từ hoặc có lượng đường hạn chế, ví dụ, protein, ngũ cốc nguyên hạt và rau quả thay vì ngũ cốc tinh chế hoặc đồ ngọt, theo Eat This, Not That!

3. Thói quen cần bỏ ngay lập tức

Điều đặc biệt quan trọng là hạn chế hoặc tránh đồ uống có thêm đường, như nước ngọt có đường.

Ông Horowitz cho biết: “Hàm lượng đường trong các món ăn thường được tiêu thụ có thể rất cao”.

4. Làm điều này thay thế

Bác sĩ: Đây là nguyên nhân số 1 của bệnh tiểu đường - ảnh 2
Chế độ ăn nhiều trái cây và rau quả, ngũ cốc nguyên hạt, protein nạc và chất béo tốt có thể làm giảm nguy cơ mắc bệnh tiểu đường và các bệnh mạn tính khác như bệnh tim và ung thư  SHUTTERSTOCK

“Rất nhiều thực phẩm chúng ta ăn là chất gây tiểu đường. Điều đó có nghĩa là chúng làm tăng nguy cơ kháng insulin và bệnh tiểu đường của bạn”, Aaron Hartman, một bác sĩ y học chức năng và y học tích hợp được Hội đồng chứng nhận ở Richmond, Virginia, và là trợ lý giáo sư lâm sàng về y học gia đình tại Đại học Virginia Commonwealth (Mỹ), cho biết.

Chế độ ăn nhiều trái cây và rau quả, ngũ cốc nguyên hạt, protein nạc (đặc biệt là cá béo, như cá hồi) và chất béo tốt (như bơ, các loại hạt và dầu ô liu) có thể làm giảm nguy cơ mắc bệnh tiểu đường và các bệnh mạn tính khác như bệnh tim và ung thư.

5. Cũng làm điều này

Để giảm nguy cơ mắc bệnh tiểu đường hoặc kiểm soát bệnh tiểu đường, hoạt động thể chất là chìa khóa. Bác sĩ Hartman nói: “Tập thể dục làm tăng cơ bắp của bạn cũng như độ nhạy insulin. Tập thể dục đơn giản là một cách tuyệt vời để làm cho cơ nhạy cảm với insulin và cũng khiến cơ thể sử dụng mức insulin tốt hơn. Nó có thể là chuyển động nhẹ nhàng, như đi bộ”.

“Bất kỳ hoạt động nào cũng có thể cải thiện độ nhạy insulin và làm chậm sự tiến triển của bệnh tiểu đường”, Kathleen Wyne, bác sĩ, tiến sĩ, một nhà nội tiết học tại Trung tâm Y tế Wexner Đại học Bang Ohio (Mỹ), cho biết, theo Eat This, Not That!

Lưu ý, mỗi hoạt động nhỏ đều có ích, cho dù bạn đi bộ xung quanh khu nhà, chạy bộ nhẹ…

Hiệp hội Tiểu đường Mỹ khuyên bạn nên tập thể dục cường độ vừa phải 150 phút (như đi bộ nhanh) mỗi tuần.

 

KHUÊ NGUYỄN

TNO