23/01/2025

Những dấu hiệu cảnh báo máu đang lưu thông kém đến não

Những dấu hiệu cảnh báo máu đang lưu thông kém đến não

Triệu chứng đặc trưng của máu lưu thông kém đến não là chóng mặt. Tình trạng rối loạn tuần hoàn máu này có thể ảnh hưởng tiêu cực đến tế bào não và có thể gây ra nhiều vấn đề sức khoẻ khác.

 

 

 

Những triệu chứng của giảm lưu thông máu lên não có thể khá giống với đột quỵ. Do đó, trong một số trường hợp, người bệnh cần phải được chăm sóc y tế ngay lập tức, theo Medical News Today.

Những dấu hiệu cảnh báo máu đang lưu thông kém đến não - ảnh 1
 Chóng mặt là một trong những triệu chứng thường gặp nhất khi máu lưu thông kém đến não SHUTTERSTOCK

Những triệu chứng của giảm lưu thông máu lên não gồm nói lắp, tê yếu đột ngột ở các chi, khó nuốt, mất thăng bằng, mất thị lực một phần hay hoàn toàn, nhìn 1 ra 2, chóng mặt, tê hoặc ngứa ra ở tay chân, nôn mửa. Các triệu chứng này có thể chỉ xuất hiện trong thời gian ngắn.

Có một số nguyên nhân làm gián đoạn máu lưu thông đến não như mạch máu bị hẹp hoặc tắc nghẽn, vỡ mạch máu. Xơ vữa động mạch là nguyên nhân phổ biến gây hẹp hoặc tắc nghẽn mạch máu.

Xơ vữa động mạch là tình trạng mà các mảng bám hình thành do tích tụ cholesterol và canxi bên trong mạch máu, khiến mạch máu xơ cứng lại. Các mảng bám này có thể vỡ ra, di chuyển bên trong mạch máu và gây tắc nghẽn ở một vị trí khác trong cơ thể

Lưu thông máu đến não giảm có thể gây ra những biến chứng như thiếu máu não cục bộ thoáng qua hoặc đột quỵ. Với đột quỵ, khi máu lưu thông đến não bị giảm hoặc ngừng đột ngột thì có thể gây tổn thương tế bào não. Hậu quả có thể khiến người bệnh bị liệt, hôn mê sâu, thậm chí tử vong.

Trong khi đó, thiếu máu não cục bộ thoáng qua thường không để lại tổn thương lâu dài. Những triệu chứng thường gặp là rối loạn tinh thần đột ngột, bỗng dưng tay chân bị tê yếu, mất thăng bằng hoặc đau đầu dữ dội. Tuy nhiên, các triệu chứng này thường chỉ kéo dài vài phút.

Một số yếu tố có thể làm tăng nguy cơ bị rối loạn tuần hoàn máu, dẫn đến thiếu máu lên não. Những yếu tố này gồm giới tính, tuổi cao, di truyền, tiền sử gia đình, huyết áp cao, bệnh động mạch, hút thuốc, thừa cân, béo phì và hút thuốc lá.

Để ngăn ngừa nguy cơ mắc bệnh, những người có nguy cơ cao cần phải thay đổi lối sống theo hướng lành mạnh hơn. Khi đó, họ phải bỏ thuốc lá, ăn uống lành mạnh để giảm nồng độ cholesterol trong máu và tập thể dục thường xuyên. Nhiều trường hợp phải đến gặp bác sĩ để được kê thuốc giảm cholesterol trong máu hoặc thuốc kiểm soát huyết áp, theo Medical News Today.

 

NGỌC QUÝ

TNO