23/01/2025

2 đại học quốc gia ‘kêu’ thiếu tự chủ

2 đại học quốc gia ‘kêu’ thiếu tự chủ

Lãnh đạo ĐH Quốc gia TP.HCM và ĐH Quốc gia Hà Nội đã chỉ ra những vướng mắc cản trở tự chủ đại học khi thực hiện Luật giáo dục đại học, đồng thời kiến nghị Chính phủ trao các quyền tự chủ cao hơn cho hai ĐH Quốc gia.

 

 

 

2 đại học quốc gia kêu thiếu tự chủ - Ảnh 1.

Nghiên cứu viên làm việc trong phòng thí nghiệm Trường ĐH Quốc tế (ĐH Quốc gia TP.HCM) – Ảnh: TR.HUỲNH

Luật giáo dục đại học sửa đổi bổ sung (Luật 34) có hiệu lực từ tháng 7-2019. Chính phủ cũng đã ban hành nghị định 99/2019 hướng dẫn thi hành Luật 34. Tuy nhiên đến nay nghị định quy định về chức năng, nhiệm vụ mới của ĐH Quốc gia để thay thế nghị định cũ vẫn còn đang dự thảo.

Việc chậm ban hành nghị định về ĐH Quốc gia và quy chế tổ chức, hoạt động của ĐH Quốc gia và các cơ sở giáo dục thành viên ảnh hưởng lớn đến quá trình thực hiện tự chủ đại học tại hai ĐH quốc gia.

Nhiều khó khăn, vướng mắc

Nghị định số 186/2013 của Chính phủ về ĐH quốc gia và quyết định số 26/2014 của Thủ tướng ban hành quy chế tổ chức và hoạt động của ĐH quốc gia và các cơ sở giáo dục đại học thành viên quy định, ĐH quốc gia là cơ sở giáo dục công lập bao gồm tổ hợp các trường đại học, viện nghiên cứu khoa học thành viên thuộc các lĩnh vực chuyên môn khác nhau để đào tạo các trình độ của giáo dục đại học.

Tuy nhiên, theo GS.TS Lê Quân – giám đốc ĐH Quốc gia Hà Nội – quá trình tự chủ của ĐH này đang gặp nhiều khó khăn, vướng mắc.

Đó là quá trình triển khai thực hiện Luật 34, mặc dù Chính phủ đã ban hành nghị định 120 (năm 2020) quy định về thành lập, tổ chức lại, giải thể đơn vị sự nghiệp công lập và nghị định 60 (năm 2021) quy định cơ chế tự chủ tài chính của đơn vị sự nghiệp công lập, nhưng lại chưa có quy định cụ thể với các đơn vị sự nghiệp công lập thuộc hai ĐH quốc gia.

“ĐH Quốc gia Hà Nội đang gặp khó khăn trong triển khai mô hình hội đồng các trường đại học thành viên; việc phân loại tổ chức, cơ chế chính sách về điều kiện thành lập các đơn vị sự nghiệp công lập đối với các tổ chức, đơn vị trực thuộc thành viên.

Về cơ chế chính sách và các quy định khác của pháp luật, ĐH Quốc gia Hà Nội gặp nhiều vướng mắc trong việc thực hiện các mục tiêu, kế hoạch phát triển theo từng giai đoạn đối với các dự án đầu tư xây dựng tại Hòa Lạc.

Cơ chế chính sách trong việc ký hợp đồng lao động và bổ nhiệm người lao động vào các vị trí quản lý lãnh đạo đối với một số ngành nghề đặc thù. Các quyền tự chủ về tổ chức bộ máy và nhân sự của ĐH Quốc gia Hà Nội vẫn chưa được thể chế hóa theo luật định”, GS Quân cho hay.

Tương tự, PGS.TS Vũ Hải Quân – giám đốc ĐH Quốc gia TP.HCM – cho biết ĐH này cũng gặp nhiều vướng mắc phát sinh khi thực hiện Luật 34 do các văn bản dưới luật chưa thống nhất, chồng chéo.

Sau khi Luật 34 có hiệu lực, quyền tự chủ của các trường đại học tăng lên rất nhiều. Hai ĐH quốc gia tuy được đánh giá là tự chủ rất cao nhưng ông Quân cho rằng dự thảo nghị định mới vẫn chưa thể hiện rõ quyền tự chủ cao, vấn đề nào cũng yêu cầu phải theo quy định của pháp luật.

“Tôi lấy ví dụ, quy chế tuyển sinh hiện đang áp dụng với các trường đại học, trong đó có cả những trường mới thành lập, nếu áp dụng vào hai ĐH quốc gia tôi thấy “cái mũ” đó hơi chật.

Về tài chính, ĐH quốc gia được quyền thẩm định, phê duyệt đề án tự chủ của các đơn vị thành viên trực thuộc. Nhưng quyền phê duyệt đó cũng phải xin ý kiến của Bộ Tài chính, phải gửi đi gửi lại, như vậy nội hàm của từ “chủ động cao” của ĐH quốc gia trong Luật 34 được giải thích như thế nào?”, ông Quân nói.

Cần được tự chủ một cách đa dạng

Cũng theo ông Vũ Hải Quân, ĐH quốc gia được quyền chủ động cao trong hoạt động đào tạo, nghiên cứu khoa học. Tuy nhiên, các hoạt động này hiện nay vẫn phải tuân thủ theo các quy định của Bộ GD-ĐT và các quy định này áp dụng cho cả các trường đại học mới thành lập, các trường đại học có quy mô đào tạo nhỏ.

“Vậy ĐH quốc gia có thẩm quyền ban hành các quy chế đào tạo, tuyển sinh riêng, phục vụ chiến lược phát triển quốc gia, chiến lược phát triển vùng và giám đốc ĐH quốc gia chịu trách nhiệm về những quy định, quy chế này?”, ông Quân thắc mắc.

ThS Lê Thị Anh Trâm, trưởng ban tổ chức – cán bộ ĐH Quốc gia TP.HCM, cho rằng theo Luật 34, hội đồng trường có thẩm quyền công nhận phó hiệu trưởng, nhưng theo quy chế tổ chức hoạt động của ĐH quốc gia thì thẩm quyền này lại thuộc về giám đốc ĐH quốc gia. Như vậy có độ “vênh” giữa hai văn bản pháp lý.

Văn bản hiện nay cũng chưa rõ nội hàm quyền hạn, trách nhiệm và mối quan hệ của hội đồng đại học, hội đồng trường, đảng ủy ban giám đốc và ban giám hiệu. Luật 34 quy định hội đồng trường là một tổ chức quản trị, nhưng hội đồng đại học lại không phải là một tổ chức quản trị, như vậy về thành phần, cơ cấu, hội đồng đại học có khác với hội đồng trường hay không?

“Luật quy định hội đồng trường có quyền quyết định nhiều chính sách quan trọng, trong đó có vấn đề tài chính, vậy quá trình triển khai nếu có vướng mắc, sai phạm thì ai sẽ là người chịu trách nhiệm, pháp luật, chủ tịch hội đồng trường, hội đồng trường, giám đốc hay hiệu trưởng?”, bà Trâm đặt vấn đề.

Kiến nghị cơ chế đặc thù

Để phát huy vị trí, vai trò và sứ mệnh của mình, hai ĐH quốc gia kiến nghị có cơ chế đặc thù cho ĐH quốc gia.

Theo đó, ĐH quốc gia được trình trực tiếp Chính phủ, Thủ tướng về chiến lược, chương trình, quy hoạch, kế hoạch dài hạn, 5 năm và hằng năm, các dự án, đề án quan trọng của ĐH quốc gia và tổ chức thực hiện sau khi được phê duyệt; quyết định các dự án đầu tư thuộc thẩm quyền của ĐH quốc gia theo quy định của pháp luật.

Thực hiện tinh thần tự chủ cao về tài chính, ĐH quốc gia được quyền quyết định phân bổ, điều chỉnh, chuyển kinh phí sử dụng và ban hành văn bản, chỉ báo cáo, không cần xin ý kiến Bộ Tài chính…

TRẦN HUỲNH
TTO