Phải trị dứt điểm nạn lương y giả rao bán thuốc dỏm qua mạng xã hội
Phải trị dứt điểm nạn lương y giả rao bán thuốc dỏm qua mạng xã hội
Cứ bật YouTube lên là thấy quảng cáo lương y chữa bách bệnh bằng lá rừng. Tin lời quảng cáo, nhiều người mắc bệnh mãn tính đặt mua thuốc qua mạng và đây chính là cơ hội cho nhóm ‘lương y’ trục lợi.
Mặc dù hành vi của nhóm này có dấu hiệu vi phạm pháp luật như sản xuất, buôn bán thuốc giả và lừa đảo chiếm đoạt tài sản, nhưng đến nay việc xử lý lại hết sức khó khăn.
Thủ tướng Chính phủ từng có văn bản chỉ đạo các bộ, ngành chức năng phải vào cuộc xử lý. Vì sao nạn “lương y giả bán thuốc dỏm” qua mạng xã hội vẫn không dứt?
Ve sầu thoát xác
Sau khi thấy hoạt động tại nhà thuốc “ma” Mộc Nhân Đường không còn hiệu quả như trước, do bị cơ quan chức năng “soi” và bị người bệnh tìm đến “bóc phốt”, ông Tuấn liền cấu kết với bà Nghê mở phòng khám Bảo Xuân Đường ở thôn La Đồng, xã Hợp Tiến, huyện Mỹ Đức (Hà Nội). Dù đã bị Sở Y tế TP Hà Nội thu hồi giấy phép nhưng sau đó bà Nghê vẫn bất chấp hoạt động.
Khi phòng khám Bảo Xuân Đường bị cơ quan chức năng xử lý, bà Nghê tiếp tục “ve sầu thoát xác”, chuyển qua thôn Đồi Dùng (xã An Phú, huyện Mỹ Đức, Hà Nội) mở phòng khám thuốc nam Hòa Bình. Còn ông Tuấn thì “rút” về thôn Bùi Trám (xã Hòa Sơn, huyện Lương Sơn, Hòa Bình), mở “phòng khám gia đình ông Tuấn” và tiếp tục quảng cáo chiêu dụ người bệnh.
Chủ tịch UBND xã Hòa Sơn Nguyễn Đình Hiến cho biết qua kiểm tra thì phòng khám của ông Tuấn không có giấy phép. Tuy nhiên, xã này chỉ lập biên bản, nhắc nhở, chưa xử phạt ông Tuấn.
Có dấu hiệu của tội sản xuất, buôn bán thuốc giả
Trao đổi với Tuổi Trẻ, luật sư Trương Anh Tú (Đoàn luật sư TP Hà Nội) bày tỏ: “Dàn dựng nội dung thông tin không có thật, mạo nhận các đài truyền hình để lấy niềm tin người bệnh đã làm xấu hình ảnh, hạ uy tín các cơ quan báo chí. Nguy hiểm hơn, đây lại là thủ đoạn gian dối để bán thuốc dỏm trục lợi”.
Từ hoạt động của nhóm lương y giả, luật sư Tú cho rằng đã có một loạt dấu hiệu vi phạm pháp luật. Cụ thể, họ mạo nhận có trung tâm nghiên cứu dược liệu, có kho thuốc, nhà thuốc, nơi gửi thuốc… nhưng chính quyền các địa phương đều xác nhận không có cơ sở nào như vậy.
“Có thể thấy rõ họ đã vi phạm Luật dược năm 2016 bởi vì họ đã bịa đặt nguồn gốc, xuất xứ của thuốc. Thuốc bán ra không có nguồn gốc xuất xứ, đây là hành vi có dấu hiệu vi phạm pháp luật hình sự”.
Luật sư Tú cho biết thêm, việc đưa thông tin không có thật thông qua mạng Internet, quảng cáo trên các nền tảng như YouTube, Facebook tạo niềm tin cho khách hàng, bán nhiều sản phẩm thu lợi bất chính là tình tiết tăng nặng, có dấu hiệu vi phạm pháp luật hình sự rất rõ ràng.
Hành vi này có thể sẽ bị truy cứu trách nhiệm hình sự theo quy định tại điều 194 Bộ luật hình sự 2015 về tội “sản xuất, buôn bán hàng giả là thuốc chữa bệnh, thuốc phòng bệnh”.
Theo đó, người nào sản xuất, buôn bán hàng giả là thuốc chữa bệnh, thuốc phòng bệnh thì bị phạt từ 2 đến 7 năm tù. Tùy vào tính chất, mức độ vi phạm mà người phạm tội bị áp dụng các khung hình phạt tăng nặng khác như phạt tù từ 5 đến 12 năm khi phạm tội thuộc một trong các trường hợp: phạm tội có tổ chức, có tính chất chuyên nghiệp…
“Nặng nhất, người phạm tội có thể bị phạt tù 20 năm đến tù chung thân hoặc tử hình khi phạm tội thuộc một trong các trường hợp: thu lợi từ 2 tỉ đồng trở lên; gây thương tích, gây tổn hại sức khỏe 2 người trở lên với tổn thương cơ thể trên 61%; làm chết từ 2 người trở lên”, luật sư Tú nhấn mạnh.
Ngăn chặn, xử lý được không?
Trao đổi với Tuổi Trẻ, ông Lê Quang Tự Do, phó cục trưởng Cục Phát thanh – truyền hình và thông tin điện tử (Bộ Thông tin và truyền thông), cho biết: “Các cá nhân, tổ chức đăng tải thông tin sai sự thật liên quan đến thuốc, thực phẩm chức năng, khám chữa bệnh… nếu phát hiện ra địa chỉ rõ ràng thì Bộ Y tế có trách nhiệm xử lý luôn.
Trong trường hợp không phát hiện được nhân thân, danh tính, nơi ở thì mới chuyển qua Bộ Thông tin và truyền thông để chúng tôi yêu cầu các nền tảng mạng xã hội cả trong nước lẫn xuyên biên giới ngăn chặn những nội dung sai sự thật đó”.
Theo ông Do, dù được giao quản lý nền tảng mạng nhưng đây là vấn đề chuyên ngành nên Bộ Thông tin và truyền thông không thể đi xác minh được thuốc giả hay chưa được cấp phép, mà phải do đơn vị chủ quản là Bộ Y tế có trách nhiệm xác minh ban đầu.
Ông Do cho biết thêm, trong thời gian qua Bộ Y tế đã phát hiện rất nhiều trường hợp quảng cáo dỏm trên mạng, gửi qua Bộ Thông tin và truyền thông và bộ đã yêu cầu ngăn chặn trên các nền tảng như YouTube, Facebook với khoảng 500 quảng cáo vi phạm.
“Không thể chặn trước được, nên khi phát hiện ra có sai phạm thì luôn phải rượt đuổi để xử lý. Nền tảng xuyên biên giới họ sẽ chặn cái đã xảy ra theo yêu cầu của mình. Muốn chặn được thì mình phải khẳng định được sai ở đâu chứ không phải cứ yêu cầu thì họ gỡ, quá trình xác minh thẩm định cũng rất mất thời gian…”, ông Do nói.
Trong khi đó, ông Nguyễn Thế Thịnh, cục trưởng Cục Quản lý y, dược cổ truyền (Bộ Y tế), cho biết tình trạng mạo danh đài truyền hình để bán thuốc nam không rõ nguồn gốc, trục lợi người bệnh, như Tuổi Trẻ phản ánh, từ nay đến Tết Nguyên đán đơn vị này sẽ quyết liệt xử lý.
Ông Thịnh đề nghị những nội dung cụ thể về nhóm đối tượng lợi dụng nghề bốc thuốc nam để trục lợi người bệnh mà báo Tuổi Trẻ đã có đầy đủ chứng cứ thì cung cấp tới Bộ Y tế để xử lý kịp thời. “Hiện nay có nhiều đối tượng lợi dụng nghề thuốc nam để trục lợi hoạt động rất phức tạp, sắp tới chúng tôi sẽ xử lý nghiêm, thích đáng”, ông Thịnh nói.
Ông Thịnh cũng cho biết thêm bộ đã nhiều lần gửi công văn chỉ đạo Sở Y tế các tỉnh thành kiểm tra thông tin, xử phạt nghiêm những người bán thuốc trên mạng. Tuy nhiên khi kiểm tra, đến địa chỉ như giới thiệu thì không có.
“Quảng cáo không đúng khi hoạt động y, dược có thể bị rút giấy phép. Chúng tôi rất muốn xử lý nhưng cũng rất khó vì những người này chủ yếu bán thuốc qua mạng. Nếu để một mình ngành y tế vào cuộc thì không thể xử lý được mà cần thêm nhiều cơ quan khác trong đó có Bộ Thông tin và truyền thông, lực lượng công an và cụ thể là an ninh mạng…”, ông Thịnh nói.
Ngày 30-3, Thủ tướng Chính phủ đã có văn bản giao Bộ Y tế chủ trì, phối hợp với Bộ Thông tin và truyền thông và các cơ quan liên quan kiểm tra, có biện pháp quản lý, xử lý tình trạng “loạn thần y”, chữa bách bệnh trên mạng xã hội. Vì vậy, rất mong các ngành chức năng quyết liệt, mạnh tay hơn nữa để xử lý dứt điểm, để tình trạng “lương y” trục lợi trên nỗi đau người bệnh hiểm nghèo không còn tái diễn.
“Nổ” có trung tâm nghiên cứu và tổng kho thuốc nam
Trong rất nhiều quảng cáo, nhóm “lương y” còn đưa hình ảnh “nổ” mình có trung tâm nghiên cứu và nuôi trồng dược liệu thuốc nam ở (huyện Mộc Châu, Sơn La) và tổng kho thuốc nam đặt ở huyện Lương Sơn (Hòa Bình). Tuy nhiên, chúng tôi tìm đến các địa chỉ này và xác minh từ rất nhiều cơ quan chức năng tại hai địa phương trên đều khẳng định đó chỉ là thông tin bịa đặt.
Sau khi được phóng viên cung cấp thông tin, bà Nguyễn Thị Hoa, phó chủ tịch UBND huyện Mộc Châu, cho biết: “Tôi sẽ chỉ đạo anh em công an kiểm tra, làm rõ trường hợp đưa thông tin trung tâm nghiên cứu không có thật trên địa bàn huyện”.
Không chỉ bịa trung tâm nghiên cứu và tổng kho thuốc, nhóm lương y giả còn đến nhiều tỉnh thành miền Trung, miền Nam như: Thanh Hóa, Quảng Nam, Đồng Nai, TP.HCM, Cần Thơ… bằng việc mở “hội thảo”, đặt chi nhánh phòng khám “di động” trái phép để tạo niềm tin cho người mắc bệnh hiểm nghèo. Qua đó, họ tư vấn và bán thuốc không rõ nguồn gốc, xuất xứ để trục lợi.
Trạm trưởng trạm y tế xã An Phú, huyện Mỹ Đức (Hà Nội) Nguyễn Văn Bằng thông tin: “Với góc độ chuyên môn, tôi khẳng định thuốc mà nhóm này bán không đảm bảo vì thời điểm kiểm tra không có nguồn gốc xuất xứ, vứt dưới đất, không có liều lượng. Ai mua họ cũng bán một loại giống nhau, bất kể bệnh gì”.
Còn tiến sĩ Trần Xuân Nguyên, trưởng ban chuyên môn Hội Đông y Việt Nam, cho rằng: “Thuốc nam bốc sẵn, một gói bán cho nhiều người mắc bệnh khác nhau đương nhiên không có hiệu quả, uống vào ảnh hưởng đến sức khỏe”.