24/01/2025

2 liều không đủ kháng thể cho trẻ dưới 5 tuổi, Pfizer muốn phác đồ 3 liều

2 liều không đủ kháng thể cho trẻ dưới 5 tuổi, Pfizer muốn phác đồ 3 liều

Kết quả thử nghiệm lâm sàng được Pfizer công bố ngày 17-12 cho thấy trẻ từ 2 đến 5 tuổi tiêm liều bằng 1/10 liều của người lớn không tạo ra đủ kháng thể cần thiết, trong khi trẻ từ 6 tháng đến 2 tuổi lại làm được.

 

2 liều không đủ kháng thể cho trẻ dưới 5 tuổi, Pfizer muốn phác đồ 3 liều - Ảnh 1.

Một em bé tại Đức được tiêm vắc xin COVID-19 của Pfizer/BioNTech ngày 15-12 – Ảnh: REUTERS

Mặc dù kết quả trên có chút làm nản lòng, Pfizer sẽ tiếp tục cuộc thử nghiệm lâm sàng để tìm ra liều lượng vắc xin COVID-19 phù hợp và an toàn nhất cho trẻ, đặc biệt là trẻ nhỏ tuổi.

Trong thử nghiệm của mình, Pfizer đã tiêm liều 3 microgram, tức bằng 1/10 liều của người lớn, ở trẻ 6 tháng đến dưới 5 tuổi.

Sau hai liều, trẻ từ 6 tháng đến 2 tuổi tạo ra phản ứng miễn dịch tương đương với những người từ 16 đến 25 tuổi, nhưng trẻ từ 2 đến 5 tuổi thì không.

Pfizer thông báo giai đoạn sắp tới sẽ thử nghiệm tiêm mũi 3 với liều thấp tương đương 2 mũi đầu cho trẻ từ 6 tháng đến dưới 5 tuổi. Đại diện Pfizer khẳng định kết quả công bố ngày 17-12 không đồng nghĩa hãng sẽ tăng liều lượng trong một mũi tiêm với trẻ dưới 5 tuổi.

“Mục tiêu ở đây là hiểu được tiềm năng bảo vệ của mũi thứ ba. Chúng tôi đang nghiên cứu liều lượng 3 microgram trong cuộc thử nghiệm này”, phát ngôn viên Pfizer nhấn mạnh.

Bà Kathrin Jansen, người đứng đầu bộ phận nghiên cứu vắc xin của Pfizer, cho biết công ty đã lên kế hoạch xin cấp phép phác đồ tiêm 3 liều ở trẻ em, thay vì 2 liều như dự kiến ​​ban đầu. Đáng lưu ý, bà Jansen cũng tiết lộ Pfizer sẽ nỗ lực xin cấp phép “phác đồ 3 liều cho mọi lứa tuổi”.

Các nghiên cứu ban đầu cho thấy 3 liều vắc xin mRNA có thể chống lại biến thể Omicron mạnh hơn so với 2 liều. Pfizer và đối tác BioNTech đang lên kế hoạch đánh giá mức độ hiệu quả của liều thứ ba 10 microgram với nhóm từ 5 đến 12 tuổi.

Kết quả thử nghiệm lâm sàng của Pfizer xuất hiện trong cùng ngày giám đốc khoa học của hãng, ông Mikael Dolsten, dự báo COVID-19 sẽ còn kéo dài đến năm 2024.

Theo ông Dolsten, việc COVID-19 trở thành bệnh đặc hữu toàn cầu vào lúc nào sẽ phụ thuộc mức độ các nước triển khai vắc xin và phương pháp điều trị cũng như phân phối công bằng cho những nơi có tỉ lệ tiêm chủng thấp.

“Sự xuất hiện của các biến thể mới cũng có thể ảnh hưởng đến cách mà đại dịch tiếp tục diễn ra”, giám đốc khoa học của Pfizer nêu suy đoán.

Pfizer và BioNTech đang phát triển một phiên bản vắc xin có thể chống lại biến thể Omicron dù chưa có thông tin khoa học chính xác về mức độ lây lan và độc lực của nó. Việc thử nghiệm lâm sàng sẽ bắt đầu vào tháng 1 năm sau, theo một số nhân sự cấp cao của hai hãng dược.

BẢO DUY
TTO