24/01/2025

Từ thiện bền vững: Phải bỏ cách làm nghiệp dư, ‘chỉ cần tấm lòng’

Từ thiện bền vững: Phải bỏ cách làm nghiệp dư, ‘chỉ cần tấm lòng’

 “Tâm lý nhiều người làm từ thiện là chỉ cần trái tim. Tìm hiểu cộng đồng là việc quá vất vả nên họ mang bánh chưng, mì tôm, gạo, tiền đến nơi tặng và chụp ảnh khoe lên Facebook”, tiến sĩ Đặng Hoàng Giang nói.

 

Từ thiện bền vững: Phải bỏ cách làm nghiệp dư, chỉ cần tấm lòng - Ảnh 1.

Làn sóng từ thiện lũ lụt và COVID-19 đáng khuyến khích nhưng cũng đặt ra vấn đề về minh bạch và bền vững – Ảnh: FACEBOOK THỦY TIÊN

Hôm 16-12, tọa đàm trực tuyến “Xây dựng hệ sinh thái thiện nguyện: Vai trò của doanh nghiệp, nhà nước và khối xã hội” thu hút nhiều chuyên gia.

Câu hỏi đặt ra là “Việt Nam có hệ sinh thái thiện nguyện chưa?”. Tọa đàm khẳng định có nhưng đang ở giai đoạn đầu và chưa xây dựng được niềm tin vững chắc.

Cần bỏ hình ảnh “có tấm lòng nhưng làm nghiệp dư”

Tiến sĩ – nhà hoạt động xã hội Đặng Hoàng Giang cho biết từ thiện (charity) là hoạt động gắn liền với cảm xúc và không có tầm nhìn dài hạn, có thể ví với chữa cháy. Còn thiện nguyện (philanthophy) là từ thiện phát triển, có thể ví với phòng cháy.

Tiến sĩ Giang nhận định: “Tôi tiếc vì bức tranh thiện nguyện ở Việt Nam nhiều năm gần đây tập trung vào ‘chữa cháy’ mà không chú trọng ‘phòng cháy’. Điều đó làm lãng phí nhiều nguồn lực. Chúng ta cần cả chữa cháy lẫn phòng cháy.

Tâm lý của nhiều người làm từ thiện ở Việt Nam là chỉ cần trái tim và thiện chí, còn chiến lược bị bỏ ngỏ. Việc tìm hiểu cộng đồng là quá vất vả nên họ mang bánh chưng, gạo, mì tôm, tiền đến nơi tặng và chụp ảnh khoe lên Facebook, cảm thấy thỏa mãn với bản thân mình”.

Ông Đặng Hoàng Giang đánh giá cao những nhóm thiện nguyện đến tận nơi tìm hiểu, xác minh câu chuyện của người nhận tài trợ. Người nhận tài trợ cũng có chân dung, có cuộc đời, có hoàn cảnh riêng. Người làm từ thiện cần coi họ là ngang hàng, cần được quan tâm chứ không phải đối tượng “phát chẩn”.

Từ thiện bền vững: Phải bỏ cách làm nghiệp dư, chỉ cần tấm lòng - Ảnh 2.

Tiến sĩ Đặng Hoàng Giang cho rằng từ thiện, thiện nguyện ở Việt Nam đang tập trung vào “chữa cháy” thay vì “phòng cháy” – Ảnh: FACEBOOK ĐẶNG HOÀNG GIANG

Bà Tôn Nữ Thị Ninh, chủ tịch Quỹ Hòa bình và phát triển TP.HCM (HPDF), đặt vấn đề tính chuyên nghiệp của hoạt động thiện nguyện.

Từ thiện chủ yếu là cứu trợ nhân đạo, đáp ứng ngắn hạn, chủ yếu theo cảm xúc. Còn thiện nguyện là từ thiện phát triển, có tầm nhìn, mục tiêu dài hạn, giải quyết một vấn đề của xã hội. Cả hai đều có chuẩn mực chung là minh bạch, trách nhiệm giải trình và sự tin cậy giữa các bên, giữa tổ chức và cộng đồng mình phục vụ.

Bà Tôn Nữ Thị Ninh nói: “Mong các tổ chức ngày càng chuyên nghiệp để người ta không nghĩ thiện nguyện là nghiệp dư. Thiện nguyện phải gỡ bỏ hình ảnh có tấm lòng nhưng nghiệp dư về chuyên môn, phương pháp. Cần có tấm lòng và cả sự chuyên nghiệp.

Cần đi đến tận nơi, gặp người cần và tìm hiểu sâu. Có những người nổi tiếng rút tiền cho mà không biết đó có đúng là người cần nhất hay không. Có người khi biết một cụ già đang nợ 200 triệu đồng thì cũng rút 200 triệu để cho”.

Công việc thiện nguyện không thể “chặt khúc” mà cần sự hợp tác giữa các tổ chức và đoàn thể. Do đó, cần có hệ sinh thái chứ không nên mạnh ai nấy làm, theo đuổi các mục đích ngắn hạn.

Vì sao chưa tin tưởng lẫn nhau?

Tọa đàm chỉ ra thực trạng thiếu tin tưởng lẫn nhau giữa các tổ chức, cá nhân dẫn đến chưa thể hình thành hệ sinh thái thiện nguyện lớn mạnh tại Việt Nam.

Có tập đoàn công nghệ tự xây dựng trường học dành cho trẻ mồ côi, trong khi chuyên gia giáo dục cho rằng đó không phải mô hình tốt nhất cho trẻ bị tổn thương.

Ca sĩ Thủy Tiên tuyên bố tự đi phát số tiền hơn 177 tỉ đồng cho người dân vùng lũ mà không hợp tác với quỹ hay tổ chức nào, dù công việc này bị coi là quá sức của cô. Có trường hợp bò cứu trợ cho dân nghèo lại về với nhà cán bộ xã gây mất lòng tin ở dân.

Ông Đặng Hoàng Giang cho rằng yếu tố quan trọng nhất của hệ sinh thái thiện nguyện chính là “niềm tin”.

“Có những người muốn đến tận nơi, làm mọi thứ vì không tin cá nhân hay tổ chức nào khác. Ở Việt Nam hiện nay đó là tình trạng phổ biến. Từ các tổ chức đến những cá nhân như nghệ sĩ đều làm như vậy, xắn quần đi đến tận nơi phát tiền và quà, cách làm đó không hiệu quả”, ông Giang nói.

Bà Tôn Nữ Thị Ninh cho biết, về niềm tin, các nhà tài trợ quốc tế nói họ tin hội phụ nữ 100%. Chính nhờ các hội phụ nữ cấp xã, cấp thôn mà họ triển khai được nhiều dự án xóa đói giảm nghèo, hỗ trợ học nghề, tự tạo thu nhập hiệu quả. Niềm tin này cần được xây dựng qua hành động.

Từ thiện bền vững: Phải bỏ cách làm nghiệp dư, chỉ cần tấm lòng - Ảnh 3.

Làn sóng nghệ sĩ làm tình nguyện, từ thiện COVID-19 rất đáng ghi nhận – Ảnh: FACEBOOK MC QUỲNH HOA

Ông Phạm Quang Tú, phó giám đốc Oxfam tại Việt Nam, đánh giá hoạt động cứu trợ bão lũ miền Trung năm 2020 và đại dịch COVID-19 là 2 làn sóng từ thiện đáng ghi nhận, cần làm sao để giữ được cái tâm của người muốn làm thiện nguyện. Chính Oxfam cũng đi từ những hoạt động cứu trợ, cứu đói sang thiện nguyện dài hạn như hiện nay.

Để tạo hệ sinh thái hiệu quả, ông Phạm Quang Tú cho rằng cần 4 yếu tố. Một là xây dựng lòng tin, nếu không có thì ai cũng tự làm từ đầu đến cuối, hiệu quả chỉ kéo dài vài ngày. Thứ hai là sự tham gia của các thành phần: Nhà nước, doanh nghiệp, tổ chức xã hội, người dân…

Thứ ba là pháp luật tạo môi trường thuận lợi, có các chính sách khuyến khích hoạt động thiện nguyện. Thứ tư là công khai minh bạch, kiểm tra hồ sơ, hỗ trợ dài hạn, cũng là công cụ để có lòng tin.

MI LY
TTO