24/12/2024

Tập thể dục thế nào giúp giảm nguy cơ hình thành cục máu đông?

Tập thể dục thế nào giúp giảm nguy cơ hình thành cục máu đông?

Cục máu đông có thể đe dọa tính mạng nếu không được điều trị. Bên cạnh dùng thuốc, tập thể dục đúng cách có thể giảm nguy cơ cục máu đông xảy ra biến chứng.

 

 

Cục máu đông xuất hiện trong các tĩnh mạch chính của cơ thể nên còn được gọi là huyết khối tĩnh mạch sâu. Nó có thể hình thành ở bất kỳ đâu trên cơ thể. Nơi thường xuất hiện nhất là ở chân, theo Healthline.

Tập thể dục thế nào giúp giảm nguy cơ hình thành cục máu đông? - ảnh 1
Đi bộ thường xuyên sẽ giúp giảm rủi ro xuất hiện biến chứng do cục máu đông gây ra SHUTTERSTOCK

Một trong những nguy cơ đáng lo ngại khi mắc cục máu đông là nó di chuyển đến phổi gây thuyên tắc phổi. Tình trạng này là nguyên nhân dẫn đến cái chết của nhiều người mỗi năm.

Chỉ tính riêng tại Mỹ, mỗi năm có từ 60.000 đến 100.000 người chết vì thuyên tắc phổi hoặc cục máu đông, theo Trung tâm Phòng ngừa và Kiểm soát Bệnh tật Mỹ.

Tập luyện thể thao có thể giảm nguy cơ từ cục máu đông. Hình thức tập dễ thực hiện nhất đó chính là đi bộ. Lúc mới bắt đầu, mọi người có thể tập đi bộ 5 hay 10 phút/ngày. Thời lượng đi sẽ tăng dần lên và khi đã quen, có thể đi từ 30 đến 40 phút/ngày.

Nếu phải thường xuyên đi xa, mọi người hãy tranh thủ vận động khi có thể. Ví dụ, nếu đi bằng ô tô, mỗi khi xe dừng, bạn hãy xuống xe vài phút để đi bộ hay kéo căng cơ. Nếu trên máy bay, thỉnh thoảng hãy đứng dậy, vươn vai và đi vài bước trong khoang máy bay.

Với những người có công việc phải ngồi nhiều, các chuyên gia khuyến cáo hãy tranh thủ đứng dậy đi lại trung bình 30 phút/lần. Đó có thể là đi toilet, đi lấy nước hay đến gặp đồng nghiệp trao đổi.

Những yếu tố làm tăng nguy cơ hình thành cục máu đông là thường xuyên đi máy bay, ngồi liên tục từ 4 tiếng trở lên, nằm nhiều, béo phì, tiền sử gia đình có người mắc cục máu đông, hút thuốc, người trên 65 tuổi, mang thai, lối sống ít vận động, dùng một số loại thuốc tránh thai và mắc ung thư.

Những triệu chứng thường gặp của cục máu đông là sưng, đau, cảm giác nóng bất thường trên da, đau ngực, khó thở, choáng váng, đau đầu đột ngột và dữ dội, gặp vấn đề thị lực, khó nói, nhịp tim nhanh và ho ra máu. Nếu xuất hiện những dấu hiệu này, người bệnh cần được đưa đi cấp cứu ngay lập tức, theo Healthline.

Cục máu đông có thể đe dọa tính mạng nếu không được điều trị. Bên cạnh dùng thuốc, tập thể dục đúng cách có thể giảm nguy cơ cục máu đông xảy ra biến chứng.

 

NGỌC QUÝ

TNO