24/12/2024

ĐTC tiếp tân đại sứ cạnh Toà Thánh của một số nước

ĐTC tiếp tân đại sứ cạnh Toà Thánh của một số nước

Sáng ngày 17/12/2021 Đức Thánh đã tiếp tân đại sứ cạnh Toà Thánh của các nước Moldova, Kyrgyzstan, Namibia, Lesotho, Luxembourg, Chad và Guinea-Bissau đến trình uỷ nhiệm thư.

Công bằng vắc-xin

Ngỏ lời với các tân đại sứ, Đức Thánh Cha nhắc rằng gần một năm trước, khi vắc-xin bắt đầu được sử dụng thì những dấu hiệu hy vọng dường như đang xuất hiện ở phía chân trời, nhiều người tin rằng đại dịch sẽ chóng qua. Nhưng một năm sau, dù đã đạt được nhiều tiến bộ kể từ đó, chúng ta thấy Covid-19 vẫn đang gây ra đau đớn và khổ sở như thế nào, chưa kể đến thiệt hại về nhân mạng. Đức Thánh Cha lưu ý rằng điều quan trọng là cộng đồng quốc tế tăng cường nỗ lực hợp tác để mọi người dân đều được tiếp cận nhanh chóng với vắc xin. Đây là sự công bằng.

Trách nhiệm của mọi người

Đại dịch nhắc nhở rằng chúng ta là “một cộng đồng toàn cầu, nơi vấn đề của một người là vấn đề của mọi người” (Fratelli tutti, 32). Và theo Đức Thánh Cha, qua kinh nghiệm này chúng ta cần học và thấy rõ điều quan trọng là cùng nhau. Đức Thánh Cha hy vọng rằng “thông qua trải nghiệm này, cộng đồng quốc tế sẽ nhận thức rõ hơn về sự thật rằng chúng ta là một gia đình nhân loại; mỗi người chúng ta đều có trách nhiệm đối với anh chị em của mình, không có ngoại lệ. Đây là sự thật thúc đẩy chúng ta giải quyết không chỉ cuộc khủng hoảng y tế hiện nay, mà tất cả các vấn đề đang gây đau khổ cho nhân loại và ngôi nhà chung của chúng ta – nghèo đói, di cư, khủng bố, biến đổi khí hậu, nói chung – theo cách liên đới và không cô lập.”

Học đối thoại

Đề cao vai trò của các đại sứ cạnh Toà Thánh, Đức Thánh Cha nói rằng trong khi đại dịch cho thấy những điều tốt đẹp nhất của con người trong các hành động quảng đại, phục vụ và hy sinh của cá nhân và tập thể, thì cần phải thực hiện nhiều hơn nữa ở cấp độ thể chế và liên chính phủ để thúc đẩy một “văn hóa gặp gỡ” trong việc phục vụ công ích của gia đình nhân loại của chúng ta. Và các đại sứ thể hiện vai trò của họ qua sự hiện diện ngoại giao và sự tham gia của họ trong cộng đồng quốc tế. Họ hiểu cần nuôi dưỡng các mối quan hệ và tạo điều kiện hiểu biết lẫn nhau giữa những người thuộc các nền văn hóa và nguồn gốc khác nhau để cùng nhau xây dựng một thế giới công bằng hơn qua sự đối thoại; họ nhận ra “sức mạnh kiên nhẫn và nhu mì của đối thoại” (Gặp gỡ chính quyền xã hội dân sự và ngoại giao đoàn, Nicosia – Síp, ngày 2/12/2021).

Hồng Thuỷ

Nguồn: https://www.vaticannews.va/vi/pope/news/2021-12/dtc-phanxico-tan-dai-su-moldova-kyrgyzstan-namibia-lesotho.html