Cẩn trọng thuốc ngủ, an thần mùa dịch COVID-19
Cẩn trọng thuốc ngủ, an thần mùa dịch COVID-19
Ảnh hưởng dịch COVID-19 khiến người mắc các bệnh trầm cảm, lo âu, rối loạn giấc ngủ… tăng mạnh, họ đã tìm đến thuốc ngủ, thuốc an thần để giải toả và dần lệ thuộc thuốc gây nhiều hệ luỵ.
Theo các chuyên gia y tế, việc lạm dụng thuốc ngủ, thuốc an thần về lâu dài sẽ ảnh hưởng nặng nề đến sức khỏe nếu không sớm kiểm soát.
Thuốc thay đổi cơ thể
Kết quả phân tích 66 nghiên cứu trên thế giới về tỉ lệ mắc các rối loạn tâm thần trong đại dịch COVID-19 cho thấy tỉ lệ mắc rối loạn trầm cảm là 31,4%, rối loạn lo âu là 31,9%, căng thẳng là 41,9%, rối loạn giấc ngủ là 37,9%.
Sau dịch COVID-19 nhiều người trong đó có nhiều bạn trẻ cho biết bị rơi vào trạng thái trầm cảm, do áp lực về kinh tế, khó khăn trong công việc, nỗi lo những người thân trong gia đình mắc COVID-19… dẫn đến lạm dụng thuốc ngủ, thuốc an thần. Sau một thời gian dùng thuốc mới nhận ra cơ thể mình có nhiều thay đổi.
Anh A.T. (TP.HCM) cho biết dịch COVID-19 khiến anh mất ngủ liên tục, do vậy suốt nhiều tháng qua anh sử dụng thuốc ngủ, thuốc an thần thường xuyên. Sau một thời gian, cảm thấy cơ thể ngày càng mệt mỏi tồi tệ, béo lên nhiều, không muốn đi làm, không khiêng vác được các vật nặng, thường xuyên đau ốm.
“Tôi cảm thấy cơ thể hoàn toàn thay đổi khi dùng thuốc, tính tình cũng thay đổi, dễ nổi cáu, không còn vui vẻ hòa đồng như trước đây”, anh T. tâm sự.
Còn anh V.D. (TP Thủ Đức) cho biết sau khi thấy mình có biểu hiện bị trầm cảm, anh sử dụng thuốc ngủ, kèm theo thuốc chống trầm cảm thời gian dài, thời gian đầu cảm thấy cơ thể hoàn toàn khỏe mạnh nhưng những tháng gần đây thấy cơ thể ngày càng yếu.
Anh thường xuyên không ăn được cơm, không còn hứng thú với công việc, chuyện chăn gối, người luôn trong trạng thái mệt mỏi buồn chán, thậm chí đã từng nghĩ đến cách tự tử.
Nhiều người cho biết sau khi dùng nhiều thuốc ngủ, thuốc an thần được một thời gian cảm thấy cơ thể gần như rệu rã không còn sức sống, không kiểm soát được cảm xúc.
Dễ mua, uống tràn lan
ThS.BS Trần Tuấn Thành, khoa vật lý trị liệu Bệnh viện Lê Văn Thịnh (TP.HCM), cho biết gần đây bệnh viện tiếp nhận một số bệnh nhân sau khi khỏi COVID-19 có lạm dụng thêm các thuốc ngủ, thuốc chống trầm cảm.
Không chỉ thuốc chống trầm cảm, nhiều người còn lạm dụng luôn các thuốc khác như đông máu, huyết áp, đái tháo đường… mà không có kê đơn. Các bác sĩ phải khai thác kỹ bệnh sử, xét nghiệm tầm soát để điều chỉnh lại lượng thuốc bệnh nhân đã sử dụng.
Bác sĩ Thành cho biết hiện nay do tác động ảnh hưởng của dịch COVID-19, nhiều người dân hay ra các tiệm thuốc tìm mua thuốc an thần, thuốc ngủ… Tuy nhiên, nhiều nơi lại không tư vấn cho người bệnh mà bán bất chấp.
“Thuốc trầm cảm, thuốc ngủ trong đó sẽ có các chất dẫn truyền thần kinh giúp tạo cho người bệnh có cảm giác hưng phấn, bớt suy nghĩ tiêu cực hơn.
Tuy nhiên, đối với bệnh nhân dùng thuốc lâu dài khi dừng đột ngột bệnh nhân sẽ dễ rơi vào trạng thái “cai”, dẫn đến người bệnh quay về cảm xúc tiêu cực, ăn nhiều, không kiểm soát được cảm xúc.
Các loại thuốc chống trầm cảm hiện nay bắt buộc phải kê đơn, được sự chỉ định của bác sĩ. Việc lạm dụng sau này sẽ gây ra rất nhiều hệ quả như: mất ngủ, hoang mang, lo sợ, nhiều thứ kèm theo”, bác sĩ Thành cho hay.
Bác sĩ Nguyễn Thanh Tuyên, phó viện trưởng Viện Y dược học dân tộc TP.HCM, cho biết trầm cảm là vấn đề về tâm lý, do đó cốt lõi của vấn đề là giải tỏa tâm lý cho người bệnh, phải tư vấn tâm lý cho người bệnh, thuốc không thể giải quyết hết các vấn đề về trầm cảm.
“Khi gặp các vấn đề về trầm cảm, cách tốt nhất là người bệnh phải được đến các bác sĩ khám, tư vấn hỗ trợ kịp thời.
Đến nay các phương pháp châm cứu, xoa bóp, dược liệu… chỉ có tác dụng hỗ trợ, giảm nhẹ cho người bệnh. Người bệnh phải đến các cơ sở uy tín để thăm khám, bác sĩ có chuyên môn trong lĩnh vực đó sẽ đưa ra lời khuyên”, bác sĩ Tuyên khuyến cáo.
Rao bán thoải mái
Hiện có nhiều bài viết trên mạng xã hội quảng cáo về các loại thảo dược, thuốc với công dụng chống và điều trị trầm cảm với giá khá chát từ vài trăm ngàn đến vài triệu đồng. Tuy nhiên, theo các bác sĩ, khi uống những loại thuốc mua trôi nổi thế này có nhiều nguy cơ gây nguy hiểm cho sức khỏe lâu dài.
Khi nào khám sức khỏe tâm thần?
Theo bác sĩ Nguyễn Văn Ca, chủ nhiệm khoa thần kinh – Bệnh viện Quân y 175, các rối loạn tâm lý thường gặp bao gồm: căng thẳng, lo âu, trầm cảm, mất ngủ.
Nếu có những vấn đề sau thì người bệnh nên đi khám sức khỏe tâm thần:
– Tình trạng khó ngủ, ngủ không tốt, dễ gặp ác mộng, ngủ hay tỉnh dậy giữa đêm, ngủ dậy vẫn thấy mệt mỏi…
– Trạng thái hay gặp lo lắng, suy nghĩ quá nhiều, mất tập trung dẫn tới không làm được việc gì.
– Trạng thái mệt mỏi mãn tính, cơ thể không có năng lượng, không có động lực làm việc, không có năng lượng làm gì.
– Thay đổi cảm xúc, dễ cáu gắt, nóng giận, nhỏ nhen hơn trước đây, không kiểm soát được cảm xúc của mình.
– Thay đổi trong suy nghĩ, nghiền ngẫm hoặc xuất hiện những niềm tin kỳ lạ; hành vi kỳ lạ và khác thường ảnh hưởng tới sinh hoạt của các thành viên trong gia đình thì nên đi khám.