23/01/2025

Sao bắt lớp 1, lớp 2 đến trường để kiểm tra?

Sao bắt lớp 1, lớp 2 đến trường để kiểm tra?

Câu hỏi này của chị H., có con học lớp 1 ở quận Đống Đa (Hà Nội), cũng là nỗi niềm của nhiều phụ huynh sau khi Bộ GD-ĐT có hướng dẫn về việc học sinh lớp 1, lớp 2 phải làm bài kiểm tra định kỳ trực tiếp.

 

Sao bắt lớp 1, lớp 2 đến trường để kiểm tra? - Ảnh 1.

Một tiết học của học sinh lớp 1 ở tỉnh Hà Nam thời chưa bùng phát dịch COVID-19 – Ảnh: V.H.

“Con chưa được đến trường một ngày nào, đương nhiên ai cũng mong mỏi. Nhưng khi Hà Nội chạm ngưỡng 1.000 ca F0 rải rác ở tất cả các quận, huyện, dịch cũng tăng ở nhiều địa phương miền Bắc thì lại có quy định cho trẻ đến trường chỉ để ôn tập và kiểm tra học kỳ thì chúng tôi thấy lo” – chị H. chia sẻ và cho biết cả đêm qua nhiều phụ huynh đã thức để bàn luận, càng trao đổi càng hoang mang.

Đã học trực tuyến thì nên kiểm tra trực tuyến. Bài kiểm tra định kỳ cũng là để đánh giá chất lượng học tập của học sinh trong một quá trình (học kỳ). Nên học thế nào, cần kiểm tra thế đó.

Ông Lê Hồng Vũ (nguyên trưởng Phòng GD-ĐT quận Tây Hồ, Hà Nội)

Bối rối

“Đang dịch phức tạp, sao lại chọn học sinh bé nhất là lớp 1, 2 đến trường. Nếu nói vì cần “duy trì chất lượng” thì chẳng lẽ lớp 3, 4, 5 không cần duy trì?

Theo tôi, cách giao học sinh làm sản phẩm học tập, phiếu kiểm tra, bài tập qua hình thức trực tuyến, gián tiếp trong bối cảnh dịch bệnh như hiện nay là phù hợp.

Học sinh lớp 1, 2 thì việc kiểm tra càng dễ kiểm soát vì con đọc như thế nào, con viết chính tả ra sao, giáo viên hoàn toàn có thể kiểm soát, đánh giá được bằng hình thức trực tuyến” – anh Nguyễn Hoàng Anh, một phụ huynh có con học lớp 1 Trường tiểu học Nghĩa Tân (Cầu Giấy, Hà Nội), bày tỏ suy nghĩ.

Không chỉ là chuyện “dịch đang tăng” mà nhiều phụ huynh, giáo viên còn lo lắng về việc “học trực tuyến nhưng thi trực tiếp”, vì việc “thích ứng” như hướng dẫn có thể làm với học sinh trung học, nhưng sẽ rất khó với học sinh lớp 1, lớp 2.

Một hiệu trưởng trường tiểu học quận Hai Bà Trưng (Hà Nội) chia sẻ hiện tại con đang được giao phiếu bài tập, bài kiểm tra gián tiếp.

Ba tháng nay, cả cô, trò và phụ huynh đã loay hoay để thích nghi với việc con làm bài tập, bài kiểm tra trắc nghiệm trên phần mềm trực tuyến. Bài viết thì bố mẹ chụp gửi Zalo cho cô. Đang ổn rồi thì cứ kiểm tra cách này đi, trừ khi học sinh trở lại trường và có thời gian để thích nghi với dạy học trực tiếp.

Theo văn bản hướng dẫn của Bộ GD-ĐT, các cơ sở giáo dục thực hiện linh hoạt các giải pháp nhằm đảm bảo an toàn phòng dịch.

Cụ thể là họp cha mẹ học sinh để thống nhất cách thực hiện, có kế hoạch thời gian thực hiện bài kiểm tra định kỳ, chia nhỏ lớp đảm bảo giãn cách để tổ chức ôn tập cho học sinh… Tuy nhiên theo nhiều phụ huynh và giáo viên tiểu học, việc này chỉ phù hợp khi học sinh đã trở lại trường học tập trong bối cảnh an toàn về dịch.

Văn bản của bộ cũng nêu “trường hợp bất khả kháng” học sinh không đến trường được để làm bài kiểm tra trực tiếp thì các trường cần báo cáo cơ quan quản lý để có phương án làm bài kiểm tra theo hình thức trực tuyến. Nhưng thế nào là “trường hợp bất khả kháng” hiện cũng không được nêu rõ.

Vì quy định học sinh trở lại trường học trực tiếp hay ở nhà học trực tuyến hiện vẫn lệ thuộc phần lớn vào quan điểm của các địa phương.

Cùng một địa bàn có cấp độ dịch như nhau nhưng mối nguy hiểm về dịch khác nhau và quan điểm cho học sinh đến trường cũng khác nhau. Bởi thế “trường hợp bất khả kháng” cũng sẽ không giống nhau. Nếu không quy định cụ thể, rõ ràng các địa phương sẽ khó thực hiện quy định cho học sinh đến trường làm bài kiểm tra.

Học trực tuyến phải kiểm tra trực tuyến

“Học hình thức nào thì nên kiểm tra với hình thức đó” – ông Lê Hồng Vũ, nguyên trưởng Phòng GD-ĐT quận Tây Hồ (Hà Nội), nêu quan điểm. Ông Vũ bày tỏ quan ngại về việc học sinh phổ thông, nhất là học sinh đầu cấp tiểu học, phải ở nhà học trực tuyến quá lâu.

“Học sinh trở lại trường chỉ vì bài kiểm tra trực tiếp, tôi thấy không hợp lý. Thời điểm kiểm tra cuối học kỳ 1 cũng sắp đến, nếu muốn học sinh làm bài kiểm tra học kỳ tại trường thì trước hết các trường phải đảm bảo an toàn để đón học sinh quay lại học trực tiếp” – ông Vũ nói.

Chia sẻ về việc này, một chuyên gia về khảo thí cho rằng hướng dẫn của Bộ GD-ĐT về kiểm tra, đánh giá học sinh tiểu học (ban hành ngày 13-12) có mấy vấn đề chưa ổn.

Theo chuyên gia này, việc kiểm tra định kỳ (đang áp dụng với các bài kiểm tra giữa kỳ, cuối kỳ, cuối năm) là một hoạt động học trong các hoạt động học tập của học sinh.

Mục đích của đánh giá định kỳ là để xác định học sinh hoàn thành hay chưa hoàn thành nhiệm vụ học tập trong một khoảng thời gian nhất định (có thể là nửa hay 1 học kỳ, 1 năm học). Nếu đã ổn so với yêu cầu cần đạt của chương trình thì tiếp tục dạy nội dung mới. Chưa đạt thì cần hỗ trợ thêm cho học sinh đạt được thì mới dạy tiếp cái mới.

“Chính vì mục đích của kiểm tra định kỳ như thế nên khi học sinh đang phải học trực tuyến thì việc kiểm tra định kỳ phải thực hiện theo hình thức trực tuyến. Kiểm tra định kỳ lúc này không chỉ để xem học sinh đạt được yêu cầu đến đâu mà còn xem cách dạy học trực tuyến có bất ổn gì để điều chỉnh, tăng cường hỗ trợ học sinh.

Và kiểm tra định kỳ khác với kiểm tra thường xuyên ở chỗ không thể “linh hoạt vào các thời điểm phù hợp” như hướng dẫn nêu được mà cần có lịch cố định sau khi học sinh học xong một phần nội dung chương trình” – vị chuyên gia khẳng định.

Vất vả cho cô trò

Bộ quy định như thế này sẽ rất vất vả cho cô, trò. Vì trẻ lớp 1 chưa từng đến trường ngày nào sẽ cần ít nhất 2 – 3 tuần để ổn định nề nếp. Sau đó phải cho học sinh ôn tập thì mới có thể kiểm tra theo cách trực tiếp được.

Một hiệu trưởng trường tiểu học ở Hà Nội

VĨNH HÀ
TTO