23/12/2024

Hướng dẫn mới nhất về 3 loại thuốc kháng vi rút điều trị Covid-19

Hướng dẫn mới nhất về 3 loại thuốc kháng vi rút điều trị Covid-19

Theo Quyết định 5666/QĐ-BYT của Bộ Y tế về việc sửa đổi, bổ sung một số điểm của Hướng dẫn chẩn đoán và điều trị Covid-19, trong nước hiện có 3 thuốc kháng vi rút dùng điều trị người bệnh Covid-19 là Remdesivir, Favipiravir và Molnupiravir.

 

 

Thuốc kháng vi rút cho F0 nội trú

Theo hướng dẫn nêu trên, Remdesivir có chỉ định với F0 nội trú, mức độ trung bình và nặng, khởi phát bệnh chưa quá 10 ngày, có suy hô hấp phải thở ô xy, thở ô xy lưu lượng dòng cao (HFNC), hoặc thở máy không xâm nhập. Ưu tiên sử dụng thuốc cho nhóm nguy cơ cao: người bệnh trên 65 tuổi, người có bệnh nền, người bệnh béo phì (chỉ số khối cơ thể BMI trên 25).

Hướng dẫn mới nhất về 3 loại thuốc kháng vi rút điều trị Covid-19 - ảnh 1
Nhân viên y tế đưa thuốc cho F0 điều trị cách ly tại nhà ở Q.Phú Nhuận, TP.HCM  ĐỘC LẬP

Lưu ý: Remdesivir không nên bắt đầu sử dụng cho người bệnh Covid-19 cần thở máy xâm nhập, chạy ECMO. Với các trường hợp đã được điều trị bằng Remdesivir trước khi thở máy xâm nhập hoặc ECMO thì có thể tiếp tục dùng Remdesivir cho đủ liệu trình. Remdesivir chống chỉ định với người tiền sử quá mẫn với bất kỳ thành phần nào trong công thức thuốc; suy giảm chức năng thận…

Về liều dùng: Người từ 12 tuổi trở lên và cân nặng trên 40 kg ngày đầu 200 mg, những ngày sau 100 mg/ngày, truyền tĩnh mạch 1 lần trong 30 – 120 phút. Người dưới 12 tuổi hoặc cân nặng 3,5 – 40 kg: ngày đầu 5 mg/kg, các ngày sau 2,5 mg/kg, truyền tĩnh mạch 1 lần trong 30 – 120 phút. Thời gian điều trị: 5 – 7 ngày. Hướng dẫn cũng lưu ý không dùng Remdesivir đơn độc, cần phối hợp thêm với corticoid.

Với phụ nữ có thai và nuôi con bằng sữa mẹ, hiện chưa có dữ liệu đầy đủ. Không khuyến cáo trừ trường hợp lợi ích vượt trội so với nguy cơ. Không nên sử dụng Remdesivir cho phụ nữ có thai trong trường hợp cho chỉ định khác…

Thuốc kháng vi rút cho F0 nhẹ và tại nhà

Theo Bộ Y tế, thuốc Favipiravir 200 mg chỉ định dùng cho F0 mức độ nhẹ, trung bình. Chống chỉ định với các trường hợp: phụ nữ có thai, phụ nữ đang có kế hoạch có thai; người dưới 18 tuổi; người suy gan nặng, suy thận nặng và phụ nữ cho con bú.

Về liều dùng: ngày đầu uống 1.600 mg/lần (2 lần/ngày), các ngày sau uống 600 mg/lần (2 lần/ngày). Thời gian điều trị từ 5 – 7 ngày. Theo hướng dẫn, cần chú ý ít nhất trong 2 ngày đầu dùng thuốc vì có những ảnh hưởng về sức khỏe tâm thần. Người có tiền sử gout cũng cần chú ý vì có thể làm tăng acid uric và làm nặng thêm bệnh…

Với thuốc Molnupiravir, các chỉ định, chống chỉ định, liều dùng theo thuyết minh đề cương thử nghiệm lâm sàng đã được phê duyệt. Các F0 khi được cấp thuốc điều trị tại nhà sẽ có chỉ định liều dùng phù hợp, với sự tư vấn của nhân viên y tế.

Theo Bộ Y tế, thuốc này hiện được sử dụng trong chương trình điều trị có kiểm soát cho F0 nhẹ tại nhà. Đến hết ngày 12.12, 42 tỉnh, thành đã được phân bổ thuốc Molnupiravir cho điều trị F0 nhẹ tại nhà. Riêng với TP.HCM, hôm 7.12, Bộ Y tế đã cấp bổ sung 25.000 liều Molnupiravir, nâng tổng số thuốc phân bổ cho TP.HCM lên gần 100.000 liều và sẽ tiếp tục bổ sung. Chương trình sử dụng thuốc có kiểm soát Molnupiravir cho các F0 thể nhẹ tại nhà và cộng đồng tại TP.HCM đã triển khai từ giữa tháng 8.2021. Thuốc có hiệu quả rõ rệt về giảm tải lượng vi rút, giảm lây lan, giảm chuyển nặng, rút ngắn thời gian điều trị.

Trong nước, Bộ Y tế đã điều chỉnh một số quy định về cấp số đăng ký thuốc mới (trong đó có Molnupiravir) phục vụ chống dịch khẩn cấp. Đến ngày 14.12 đã có 35 đơn vị đủ điều kiện nhập khẩu nguyên liệu; 19 công ty nộp hồ sơ đăng ký; năng lực sản xuất đạt khoảng 8 triệu liều/năm.

 

LIÊN CHÂU

TNO