23/01/2025

Văn hoá Việt nhìn từ tiếng Việt: Khớp hay khốp, kiều hay kiệu?

Văn hoá Việt nhìn từ tiếng Việt: Khớp hay khốp, kiều hay kiệu?

Ngựa ô anh thắng kiệu vàng
Anh tra khớp bạc đưa nàng về dinh

Câu ca dao này, với luật bằng trắc của thể lục bát là “chuẩn không cần chỉnh”. Tuy nhiên, xin nhấn mạnh, chữ thứ 5 của câu lục phải là “kiều” mới chính xác. Tại sao phải là “kiều” (âm bằng), chứ không phải “kiệu” (âm trắc)? Chuyện này ta sẽ bàn sau.

 

 

 

Trước mắt, khẳng định rằng hiếm có câu ca dao nào đã mở ra điệu lý/lý ngựa ô phong phú, đa dạng bằng câu vừa nêu. Thật bất ngờ, trong quá trình sưu tầm, ký âm, biên soạn bộ sách Lý trong dân ca người Việt (NXB Trẻ – 2006), nhà nghiên cứu, nhạc sĩ Lư Nhất Vũ, nhà thơ Lê Giang, nhạc sĩ Lê Anh Trung đã ghi nhận một con số kỷ lục: 29 bài lý ngựa ô – trải dài từ Quảng Trị, Thừa Thiên đến tận các vùng đất mới ở phương Nam. Và nhóm biên soạn đã đưa ra một kết luận quan trọng: “Cho đến nay, chúng ta chưa phát hiện dấu chân của lý ngựa ô chạy ngược ra phương Bắc” (tr.35).

Nói cách khác, lý ngựa ô đã phản ánh hành trình mở cõi lập nghiệp, khẩn hoang về cõi phương Nam của dân tộc Việt. Điệu lý này “vốn ra đời từ đất Thuận Hóa – Phú Xuân” (tr.32) để rồi “hình thành hệ thống lý ngựa ô trong âm nhạc dân gian VN, mang những sắc thái độc đáo, chứa đựng những mối tương đồng và những nét dị biệt từ lời hát đến giai điệu” (tr.33).

Văn hóa Việt nhìn từ tiếng Việt: Khớp hay khốp, kiều hay kiệu? - ảnh 1
Đại Nam quấc âm tự vị (1895) giải thích từ “khớp”  TƯ LIỆU

Về từ ngữ, trong tương đồng đã có dị biệt ra sao?

“Khớp con ngựa, ngựa ô/Khớp con ngựa, ngựa ô/Ngựa ô anh khớp”. Khớp hay khốp? Đại Nam quấc âm tự vị (1895) giải thích: “Khớp: ràng buộc, kiềm giữ (thường nói về miệng)” và đưa ra các từ liên quan: “dàm khớp: đồ ràng buộc miệng ngựa, mũi trâu; khớp ngựa: tra khớp ngựa; khớp bạc: khớp bằng bạc; khớp miệng: ràng buộc lấy cái miệng, nhứt là không cho nói, không cho kêu la”. Với những dẫn chứng này, ta mạnh dạn loại trừ dị bản “khốp”.

Mà khớp cũng còn có nghĩa là sợ, chẳng hạn, một người bình phẩm: “Hắn ta râu quặp thiệt, chỉ mới nghe bà xã ho một tiếng đã khớp”. Khớp hiểu nghĩa này, theo nhà ngôn ngữ Lê Ngọc Trụ, do từ “khiếp” (nhát sợ) mà ra. Khớp nớp/khép nép cùng nghĩa, tùy theo cách phát âm vùng miền. Không chỉ có thế, khớp còn nhiều nghĩa khác, tùy ngữ cảnh.

“Ngựa ô anh thắng kiệu vàng” hay “kiều vàng”?

Ta hãy xét từ kiệu: “Ghế ngồi có đòn khiêng để rước hay để đi đường – kiệu rước thần (Việt Nam tự điển – 1931). Thế thì, không thể đưa cái kiệu lên lưng ngựa. Phải là kiều. Ca dao có câu: “Cỡi ngựa thì phải thắng kiều/Gẫm thân con ngựa chịu nhiều đắng cay”. Vậy “thắng kiều” là gì? “Thắng kiều: bắt yên ngựa”, đồng nghĩa với “thắng ngựa” – ông Huình Tịnh Paulus Của giải thích. Lưu ý, văn bản lý ngựa ô ở Trà Vinh như sau: “Ngựa ô anh thắng kiều vàng/Anh tra khớp bạc, lục lạc đồng đen/Yên vàng kiều gấm/Anh đi ngàn dặm/Lội suối trèo non/Anh đưa nàng về dinh”. Ở đây, từ “kiều” chưa biến dạng qua “kiệu”.

Mà “kiều” cũng có nhiều nghĩa, chẳng hạn: “Muốn sang thì bắc phù kiều/Muốn con hay chữ thì yêu lấy thầy”. Có lẽ do không hiểu phù kiều nên đã phát sinh dị bản “Muốn sang thì bắc cầu kiều”. Hán – Việt tân từ điển của Nguyễn Quốc Hùng giải thích đó là “cầu nổi do nhiều chiếc thuyền kết nối lại”.

“Anh tra khớp bạc, lục lạc đồng đen, búp sen lá dậm, dây cương đằm thắm, cán roi anh bịt đồng thà”. Dậm là thấm nhòe, không rõ, thấm ra nhiều chỗ như giấy dậm mực, giấy viết bị dậm… Tra nhiều từ điển, thú thật, tôi không thể tìm ra từ “lá dậm”. May quá, Đại Nam quấc âm tự vị còn ghi nhận “lá giặm: đồ lót hai bên lưng ngựa, chính chỗ người cỡi cặp hai vế”. Như vậy, phải là “búp sen lá giặm”. Có thể hiểu nôm na, “búp sen lá giặm” trong ngữ cảnh này là hình bông sen còn búp, có thể được làm bằng kim loại gắn trên “đồ lót hai bên lưng ngựa” như một cách trang trí cho đẹp mắt.

Nhân đây, nói luôn, khi vào đến Sóc Trăng lại có dị bản: “Ngựa ô yên thắng kiều vàng/Búp sen bằng lác/Lục lạc bằng đất/Chân chạy lấc khấc…”. Thế thì, cái hình búp sen ấy lại được kết bằng cỏ lác, kể cả “lục lạc bằng đất” đã phản ánh sinh hoạt của cư dân nơi ấy. Ta hiểu, khi vào phương Nam tùy vùng miền, con ngựa ô ấy lại xuất hiện với nhiều hình ảnh khác nhau, chẳng hạn ở Củ Chi (Sài Gòn – Gia Định) có văn bản: “Ngựa tơ anh thắng bố tơi/Dây cương bằng lác/Lục lạc bằng đất/Hình dong một tấc/Chân đi lấc khấc/Cán roi bịt đồng chì/Đưa nàng về quê”. Bố tơi là vải dệt bằng chỉ cây bố mà nhiều miếng vải đó đã rách rã/tơi chắp nối lại.

Trong khi đó, còn có văn bản khác:“Dây cương nhuộm thắm/cán roi anh bịt đồng thà”. Cán roi ấy, không chỉ “bịt đồng thà” mà còn có dị bản bịt đồng thòa/đồng chì/đồng xoàn/đồng đen/bằng vàng… tùy vùng miền đã chọn. Ở đây, đồng thòa vẫn xuất hiện với tần số nhiều nhất. Vậy “đồng thòa” là gì? Theo Việt Nam tự điển (1970): “Vàng năm hay vàng bốn, hợp kim có năm phần vàng và năm phần đồng hay bốn phần vàng và sáu phần đồng”. Nói cách khác, hợp kim này có cả vàng lẫn đồng, còn gọi “đồng xứng”.

Rồi, thế nào là “dây cương đằm thắm”?

Theo Đại Từ điển tiếng Việt (1999), đằm thắm là có tình cảm nồng nàn, sâu nặng, khó phai nhạt; trước nữa, trong Nam lại hiểu đằm thắm/đầm thấm là “tề chỉnh, vững vàng, dẽ dặt, không hốp tốp” – như ông Huình Tịnh Paulus Của ghi nhận. Nếu áp dụng đằm thắm với dây cương, e ra khiên cưỡng quá chăng? Như đã biết, điệu lý ngựa ô xuất phát từ Thừa Thiên-Huế, vậy ta hãy xét ngay từ ban đầu “ca từ” của nó như thế nào? Căn cứ các văn bản mà nhóm biên soạn Lý trong dân ca người Việt đã sưu tầm, ta thấy “một bộ lá sen, dây cương nhuộm thắm”. Và cuối cùng, tần số “nhuộm thắm” vẫn xuất hiện nhiều nhất. Rõ ràng, “đắm thắm” chỉ là cách hát trại từ “nhuộm thắm” mà ra.

(Trích Văn hóa Việt nhìn từ tiếng Việt, NXB Tổng hợp TP.HCM)

 

LÊ MINH QUỐC

TNO