Chơi game, xem ti vi nhiều giờ tăng nguy cơ béo phì
Chơi game, xem ti vi nhiều giờ tăng nguy cơ béo phì
Ít vận động thể lực, uống nhiều đồ ngọt, thường xuyên ăn các thực phẩm chế biến sẵn (gà rán, hamburger, xúc xích…) là những yếu tố nguy cơ làm tăng thừa cân béo phì.
Những thói quen vận động tích cực giúp trẻ tránh được thừa cân, béo phì VIỆN DINH DƯỠNG |
Hạn chế ngồi lâu, nên ngủ sớm
Theo viện Dinh Dưỡng quốc gia, thừa cân, béo phì là tình trạng phổ biến thường gặp ở trẻ. Nguyên nhân béo phì do chế độ ăn uống không hợp lý, lười vận động làm cho trẻ bị tích lũy mỡ thừa.
Theo Bộ Y tế, tỷ lệ béo phì ở trẻ 6 – 11 tuổi tại nội thành TP.HCM hiện đã là 12%, Hà Nội là 8 – 9%. Trẻ thừa cân không chỉ ảnh hưởng đến ngoại hình mà còn giảm sự năng động, khiến trẻ dễ mệt khi tham gia các hoạt động thường ngày và có nhiều nguy cơ trở thành người lớn béo phì.
Béo phì kéo dài còn ảnh hưởng đến sự phát triển thể chất và gây ra nhiều hệ lụy xấu cho sức khỏe, tạo nên những bệnh nền tiềm ẩn khi trưởng thành như tim mạch, cao huyết áp… Chính vì vậy, bố mẹ nên chủ động phòng ngừa béo phì cho trẻ ngay từ khi còn nhỏ.
Thói quen ăn nhiều đồ ngọt, uống nhiều nước ngọt, thường xuyên ăn các loại thức ăn nhanh, thực phẩm chế biến sẵn (gà rán, hamburger, xúc xích…) là những yếu tố nguy cơ làm tăng thừa cân béo phì.
Bố mẹ cho trẻ ăn uống thỏa thích, không kiểm soát lượng thực phẩm trong các bữa ăn hoặc số lượng bữa ăn trong ngày; dẫn đến việc trẻ ăn nhiều hơn lượng khuyến nghị, gây nên thừa cân.
Trẻ lười vận động, chỉ thích xem tivi, chơi điện thoại… khiến cơ thể trở nên kém năng động, không tiêu thụ hết năng lượng nạp vào, làm tăng nguy cơ béo phì.
Phòng thừa cân béo phì
Theo khuyến cáo của Viện Dinh dưỡng quốc gia, các gia đình, nhà trường cần tạo cơ hội cho trẻ tăng cường vận động thể lực, hạn chế ngồi lâu một chỗ, đọc truyện, chơi game, vào mạng xã hội,…
Theo dõi cân nặng và chiều cao định kỳ của trẻ bằng cách cân, đo hàng tháng. Tại gia đình, cho trẻ ngủ sớm (nên ngủ trước 22 giờ) và ngủ đủ giấc.
Theo Viện Dinh dưỡng quốc gia, quan trọng nhất, để trẻ thực hiện được những giải pháp trên thì rất cần đến sự hỗ trợ của bố mẹ. Vì bố mẹ chính là tấm gương về ăn uống lành mạnh và vận động tích cực mỗi ngày giúp trẻ có được thói quen tốt.
Để phòng chống thừa cân béo phì ở trẻ, bố mẹ nên cùng trẻ duy trì ăn cân đối, đa dạng các loại thực phẩm, tăng cường ăn cá, hải sản.
Ăn nhiều rau xanh và hoa quả ít ngọt. Giảm bớt gạo, thay bằng khoai, ngô là những thức ăn cơ bản giàu chất xơ.
Nên uống sữa không đường, trẻ lớn nên uống sữa gầy (sữa bột tách bơ). Không nên uống sữa đặc có đường.
Hạn chế các món rán (chiên), xào. Nên ưu tiên các món luộc, hấp, kho. Nhai kỹ và ăn chậm.
Ăn đều đặn, đúng giờ; ăn đủ 3 bữa; không bỏ bữa (nhất là bữa sáng). Không để trẻ quá đói vì nếu quá đói trẻ sẽ ăn nhiều để bù lại ở các bữa sau làm mỡ tích lũy nhanh hơn. Nên cho trẻ ăn trước 8 giờ tối.
Không uống các loại nước ngọt đóng chai, nước ngọt có ga. Hạn chế các loại bánh kẹo, đường mật, kem.
Trong nhà không nên dự trữ các loại thức ăn giàu năng lượng như: bơ, pho mát, bánh, kẹo, socola, kem, nước ngọt…
Hạn chế tiền tiêu vặt để giảm việc trẻ mua thức ăn không lành mạnh (thức ăn nhanh, chiên rán, đồ ngọt,…) dễ gây thừa cân, béo phì.
Nhận biết trẻ thừa cân béo phì
Chỉ số BMI hay còn gọi là chỉ số khối cơ thể là công cụ thường được sử dụng để đo lường tình trạng dinh dưỡng của cơ thể, được tính dựa trên chiều cao và trọng lượng, hoặc đối chiếu các bảng chuẩn theo hướng dẫn của Viện Dinh dưỡng quốc gia tại https://dinhduonghocduong.net/nhan-biet-phong-chong-thua-can-beo-phi.
Một cách dễ đánh giá về thừa cân béo phì, ngoài chỉ số khối cơ thể, dấu hiệu thường gặp của trẻ thừa cân, béo phì đó là tăng cân nhanh, có nhiều ngấn mỡ ở bụng, cổ, gáy, sạm da vùng nếp gấp (nách, gáy, bẹn), ngáy khi ngủ.
(Viện Dinh dưỡng quốc gia)
LIÊN CHÂU
TNO