23/01/2025

Văn hoá Việt nhìn từ tiếng Việt: Cậu ấm, cô chiêu

Văn hoá Việt nhìn từ tiếng Việt: Cậu ấm, cô chiêu

 

Ấm không ra ấm, ấm ra nồi
Ấm chạy lăng quăng,
ấm chẳng ngồi
Chán cả đồ chuyên cùng chén mẫu
Luộc giò, nấu thịt, lại đồ xôi

(Tú Xương)

 

Trong bài thơ này, thoạt đọc qua đã thấy buồn cười, “Ấm chạy lăng quăng, ấm chẳng ngồi”. Ủa, hóa ra cái ấm cũng có chân? Không, đã là ấm thì chỉ có vòi dùng rót nước từ trong bình ra ngoài, nếu “tự giới thiệu” ắt là: “Quê em vốn ở thổ hà/Ai ai cũng gọi em là con quan/Dốc lòng giúp khách lo toan/Đầy vơi phó mặc thế gian ít nhiều”. Còn ấm trong bài thơ Tú Xương nhằm chỉ “cậu ấm”. Vì thế, mới có câu đùa tếu táo: “Cậu ấm sứt vòi” là vậy – một cách chơi chữ từ đồng âm.

Vậy, cậu ấm là gì?

Tầm nguyên tự điển (Quốc học thư xã – 1941) của Lê Văn Hòe giải thích: “Ấm nghĩa chính là bóng cây. Ngày xưa con cái các quan thường nhờ công trạng sự nghiệp của tổ phụ mà được làm quan, như về đời Trần ở nước ta, phàm là con các quan sau đều được ra làm quan hết. Lệ ấy gọi là tập ấm. Tập là cái áo, cũng có nghĩa là khoác áo. Ấm là bóng. Tập ấm là khoác bóng, tức là nương bóng (mẹ cha) mà được ra làm quan. Con cái các quan được quyền tập ấm gọi là ấm tử, hoặc ấm sinh. Do đó, ngày nay dù lệ tập ấm không còn, người ta vẫn quen gọi các con quan là cậu ấm” (tr.47-48).

Văn hóa Việt nhìn từ tiếng Việt: Cậu ấm, cô chiêu - ảnh 1

 

Tầm nguyên từ điển (1941) của Lê Văn Hòe có giải thích từ “ấm”  TƯ LIỆU

Quy định về chức vụ của cha mà con được tập ấm, tùy mỗi triều đại có khác nhau nhưng về đại thể, chẳng hạn, triều Nguyễn, cha có hàm tòng ngũ phẩm trở lên, nếu con đậu trong kỳ sát hạch (hạch ấm) tại Quốc tử giám được gọi ấm sinh; cha có hàm chánh nhất phẩm, con được vua gia ân cho tập ấm mà không phải sát hạch, gọi là ấm thụ. Không những thế, còn có ấm tôn là đời cháu của quan cũng được hưởng chế độ ưu đãi nào đó.

Rõ ràng, đường vào đời của các cậu ấm thuận lợi hơn nhiều người. Và nhiều ông bố cũng muốn… gả con gái cho cậu ấm chăng? Có thể lắm, họ thích ra mặt, suy luận này là từ câu “Vênh váo như bố vợ cậu ấm”. Sở dĩ vênh váo là dựa hơi vào con rể. Con rể chẳng qua “khoác bóng”, “nương bóng” của bố mẹ mà có.

Khi đọc truyện thơ nôm Bích Câu kỳ ngộ gặp câu:

Phúc lành nhờ ấm xuân huyên

So trong tài mạo kiêm tuyền kém ai

Ta biết ấm này là hiểu theo nghĩa vừa nêu về một từ Hán – Việt chuyển qua tiếng Việt, chứ không phải êm ấm, ấm áp. Điều thú vị ấm lại trùng âm với ấm/cái ấm là bộ đồ dùng đun nước làm bằng đồng, đất nung. Do cái ấm có vòi (dùng để rót nước), nếu nó bị sứt đi thì xem như hỏng, không còn sử dụng nữa. Vậy, “Cậu ấm sứt vòi” là cụm từ dùng để chỉ chê bai những ai thuộc con cái nhà quan, có gốc có gác danh giá nhưng chỉ chơi bời lêu lỏng, bỏ bê học hành, không nên thân nên nết…

Tuy nhiên, vòi ở đây tùy ngữ cảnh còn ám chỉ về cái mà ai cũng thừa biết là “cái đó”. Đơn giản như đang giỡn. Cái đó là cái gì? Chớ dại nói toẹt ra, thiên hạ cười vào mũi. Vậy nên, kể lại mẩu chuyện này chẳng hạn, suy luận ắt rõ: Năm 1994, nhân kỷ niệm sinh nhật lần thứ 70, nhạc sĩ Phan Huỳnh Điểu có làm bài thơ Tự… cao – bảnh tỏn hơn cậu ấm nào đó bị “sứt vòi”:

Nay đà thất thập cổ lai hy

Nhưng mà gân cốt chẳng hề chi

Tiếc rằng cái tóc hơi hơi bạc

Chứ còn mọi thứ… vẫn y nguy!

Y nguy, tiếng Quảng Nam là y chang, y nguyên, không thay đổi, ông kể, bấy giờ nhà văn Huy Phương có ứng khẩu:

Tôi nghe ông nói cũng hơi nghi

Phải chăng “cái đó” có còn y?

Thế thì khi nghe câu “Cậu ấm sứt vòi”, một lần nữa, ta học biết thêm cách sử dụng từ cực hóm và linh hoạt trong tiếng Việt.

Mà này, một khi đã nói đến cậu ấm ắt không thể quên cô chiêu, cụm từ này đã trở thành “cặp đôi hoàn hảo” rất thông dụng.

Vậy, cô chiêu là gì?

Theo Việt Nam tự điển (1931): “Tên gọi con ông tiến sĩ đời Lê, con cái ông tiến sĩ thì được dự vào học sinh Chiêu văn quán: cậu chiêu, cậu ấm…”. Về từ “cậu ấm” rõ ràng ràng là chỉ đàn ông, thì chiêu cũng thế, nhưng người ta lại quen gọi cô/cô chiêu là nhằm ngụ ý đã có cậu ắt phải có cô cho “xứng đôi vừa lứa”. Mà gọi cô cũng hợp lý vì đó còn là “tiếng gọi các con gái nhà quan” như từ điển trên cho biết. Nói tóm lại, cậu ấm cô chiêu là lá ngọc cành vàng, con nhà quan, thuộc diện “con ông cháu cha”. Thời này có câu nói lém lỉnh mà chính xác:

Con cháu các cụ cả,

Đố điều đi đâu được.

Có một điều thú vị Cậu Ấm – Cô Chiêu là tờ báo nhi đồng đầu tiên trong tiến trình lịch sử báo chí Việt Nam do nhà văn Thái Phỉ Nguyễn Đức Phong chủ trương. Từ số 1 (ra ngày 20.2.1935) đến số 12 có tên Cậu Ấm báo con trai. Bắt đầu từ số 13 (ra ngày 15.5.1935) được đổi tên thành báo Cậu Ấm – Cô Chiêu. Tòa soạn đặt tại số 82 Rue du Coton (Phố Hàng Bông, Hà Nội). Báo in theo khổ 19 x 29 cm, dày 20 trang, giá bán 5 xu. Phụ trách phần mỹ thuật trên tờ báo này là họa sĩ Ngym và Mạnh Quỳnh. Nhân đây cũng xin nói luôn, cách đây chừng mươi năm, chính từ bộ Cậu Ấm – Cô Chiêu, tôi đã sưu tập đầy đủ tập truyện dài nhiều kỳ Đảng Rỗ Bẩy của nhà văn Nguyễn Công Hoan, kể cả vài truyện ngắn thiếu nhi của ông và NXB Trẻ đã in lại thành tập sách Một đứa con đã khôn ngoan. (còn tiếp)

(Trích Văn hóa Việt nhìn từ tiếng Việt, NXB Tổng hợp TP.HCM)

 

LÊ MINH QUỐC

TNO