Trẻ mầm non, đi học vào thời điểm nào thì hợp lý?
Trẻ mầm non, đi học vào thời điểm nào thì hợp lý?
Phụ huynh và giáo viên cho rằng việc mở cửa trường trở lại sau Tết Nguyên đán là hợp lý vì trẻ mầm non có thể đến trường liên lục mà không bị gián đoạn bởi các kỳ nghỉ lễ. Nếu cơ sở mầm non mở cửa trở lại thì nhu cầu gửi con ở lứa tuổi nhỏ sẽ cao hơn lứa 5 tuổi.
Mở cửa trường sau Tết Nguyên đán?
TP.HCM có kế hoạch cho trẻ mầm non lứa 5 tuổi đi học vào ngày 20.12, nhưng nhiều trường mầm non, nhất là trường tư thục lại đăng ký đến sau Tết nguyên đán mới mở cửa. Vậy vì sao các trường lại đề xuất mở cửa vào thời điểm này?
Cô Lê Ái Sơn Hà, Hiệu trưởng trường mầm non Mặt Trời Nhỏ (Q.Bình Tân), cho biết trường có hơn 600 trẻ, trong đó có gần 200 trẻ lớp lá nhưng trong đợt lấy ý kiến phụ huynh vừa rồi thì không ai đồng ý cho con đi học trở lại ở thời điểm này.
Lý giải về tình trạng này, cô Hà cho rằng phần lớn phụ huynh lo ngại tình hình dịch Covid-19 vẫn còn diễn biến phức tạp và trẻ ở lứa tuổi này chưa được tiêm vắc xin.
Nhiều người cho rằng đi học sau Tết thì trẻ mầm non sẽ không bị nghỉ học gián đoạn NGUYỄN LOAN |
Cũng theo cô Hà, vào thời điểm những kỳ nghỉ lễ cận kề, các trường mầm non rất e ngại mở cửa lại vì khi đón trẻ thì phải chịu chi phí tiền mặt bằng, tiền lương, tiền thưởng… “Trong khi trẻ ở lứa tuổi nhỏ đã nghỉ học nửa năm nay nên khi đến trường mầm non, các em phải bắt đầu làm quen từ đầu, phụ huynh cũng rất cân nhắc nên nếu dời đến sau Tết thì tỷ lệ trẻ đi học lại sẽ cao hơn”, cô Hà nói.
Chưa kể, nếu TP.HCM kiểm soát dịch tốt thì sau Tết, những người lao động đã về quê trước đó để tránh dịch sẽ quay lại thành phố nhiều hơn, khi đó nhu cầu gửi trẻ sẽ cao hơn bây giờ, theo cô Hà.
“Dù vậy, tôi nghĩ rằng bậc mầm non là lứa tuổi khá đặc biệt và khác với các cấp học khác. Trẻ được đưa tới cơ sở mầm non còn là vì nhu cầu được chăm sóc, ‘giữ con’ giúp phụ huynh, chứ không chỉ đơn thuần là giáo dục. Do vậy, nếu xét về nhu cầu đi học thì trẻ ở những lứa tuổi nhỏ sẽ có nhu cầu cao hơn lứa 5 tuổi”, cô Hà nói thêm.
Do đó, cô Hà cho rằng, đối với bậc mầm non, nếu mở cửa trường trở lại thì các nhà quản lý nên tính toán nhận trẻ ở tất cả nhóm lớp, phụ huynh nào có nhu cầu sẽ gửi, thay vì chỉ cho lớp lá (5 tuổi) đi học như kế hoạch trước đây thì tỷ lệ sẽ rất thấp, không đủ để mở cửa trường.
Trường học chủ động, sẵn sàng
Trong khi đó, anh Nguyễn Minh Tuấn (chủ trường mầm non tư thục Ngôi Làng Vui Vẻ, Q.Bình Thạnh) cho rằng, để trẻ trở lại trường an toàn thì cần có sự phối hợp của phụ huynh, còn nhà trường thì luôn sẵn sàng nếu được phép.
Tuy nhiên, anh Tuấn lưu ý trách nhiệm của các trường là trước khi mở cửa trở lại, cần đảm bảo tất cả giáo viên, công nhân viên, cán bộ quản lý được tiêm vắc xin đầy đủ và xét nghiệm đầu vào để đảm bảo tình trạng sức khỏe ổn định.
“Nhân sự nhà trường cần đảm bảo thực hiện nghiêm túc 5K trong và ngoài nhà trường để giảm khả năng lây nhiễm, xét nghiệm định kỳ hàng tuần để sớm phát hiện bệnh và thực hiện các biện pháp cách ly, tránh tiếp xúc gần với trẻ”, anh Tuấn nói.
Với bậc mầm non, nhu cầu gửi trẻ lứa lớp nhỏ sẽ cao hơn thay vì chỉ cho khối lớp lá đến trường NGUYỄN LOAN |
Trường học cũng cần đáp ứng các tiêu chuẩn của Bộ tiêu chí an toàn phòng, chống dịch trong trường học của TP.HCM và xây dựng kế hoạch phòng, chống dịch trong trường học cụ thể, rõ ràng… Khi trường học được hoạt động trở lại, tất cả học sinh cần được xét nghiệm tầm soát đầu vào để đảm bảo tình trạng sức khỏe ổn định, không lây nhiễm, theo anh Tuấn.
Còn về phía phụ huynh, trẻ mầm non và tiểu học chưa được tiêm vắc xin nên cần được chú ý bảo vệ khỏi rủi ro lây nhiễm. Dù có những báo cáo khoa học cho rằng dịch Covid-19 ít ảnh hưởng đến sức khỏe của trẻ, nhưng đối tượng trẻ béo phì, có bệnh nền cần được đặc biệt lưu ý.
Bên cạnh đó, trẻ đi học bị lây nhiễm từ bạn cùng lớp cũng là nguy cơ cho gia đình và điều này gây tâm lý hoang mang cho phụ huynh. “Do đó, người thân trong gia đình thường tiếp xúc với trẻ cũng cần có kế hoạch tự xét nghiệm nhanh định kỳ hoặc khi có dấu hiệu nghi nhiễm để bảo vệ bản thân”, anh Tuấn đề xuất.
Khi TP.HCM mở cửa các hoạt động kinh tế, ba mẹ cần đi làm và tham gia các hoạt động xã hội nên số ca nhiễm mới cũng tăng mạnh. Vì vậy, theo anh Tuấn, phụ huynh nên có kế hoạch dự phòng cách ly bản thân khi trở thành F0, tạm thời hạn chế tiếp xúc với trẻ để tránh lây bệnh cho con và tránh gửi bé đến trường.
Anh Tuấn lưu ý: “Trong những tháng đầu được đi học lại, nhà trường nên yêu cầu phụ huynh tự xét nghiệm định kỳ hàng tuần và gửi kết quả cho trường. Đây cũng là minh chứng cho tình trạng sức khỏe ổn định của trẻ. Khi phụ huynh trở thành F0, trẻ em nên được xét nghiệm tại nhà để đánh giá tình hình sức khỏe và tạm thời ngừng đến trường để giảm rủi ro lây nhiễm cho bạn học”, anh Tuấn.
Cho phụ huynh quyền lựa chọn
Gia đình có hai trẻ mầm non (23 tháng tuổi và 5 tuổi), chị Nguyễn Ngọc Bảo Châu (P.17, Q.Gò Vấp) cho rằng nếu mở cửa trường mầm non thay vì thí điểm từng nhóm lớp theo độ tuổi thì nhà trường nên trao quyền quyết định cho phụ huynh.
“Nếu chỉ mở lớp lá (5 tuổi) thì nhu cầu rất ít, các trường cũng không đủ chi phí để hoạt động. Do vậy, nếu trường nào đáp ứng được các tiêu chí và đạt được sự đồng thuận của phụ huynh thì được phép mở cửa. Phụ huynh là người quyết định, đánh giá xem trường học có an toàn, phù hợp với con mình trong thời điểm này hay không”, chị Bảo Châu nêu quan điểm.
Chị Bảo Châu cho hay, chị cũng như nhiều phụ huynh khác phải đi làm nên buộc gửi con ở những điểm giữ trẻ nhỏ hoặc chỗ người quen dù biết rõ các điều kiện chăm sóc không tốt như ở trường. “Nếu trường mở cửa trở lại thì tôi sẽ ưu tiên cho con đến trường”, chị Bảo Châu nói.
Theo chị Bảo Châu, khi nhà trường trao quyền lựa chọn cho phụ huynh, họ sẽ tự tính toán đến các phương án tốt nhất cho con mình. “Phụ huynh nào có người chăm sóc tốt tại nhà thì có quyền từ chối, còn những bậc cha mẹ thật sự có nhu cầu, đang phải gửi con ở những môi trường tạm thời… sẽ ưu tiên chọn trường học”, chị Bảo Châu lưu ý.
NGUYỄN LOAN
TNO