‘Thép diệt virus corona’ trong vài tiếng?
‘Thép diệt virus corona’ trong vài tiếng?
“Ngay cả khi có vết xước rất lớn, loại thép này vẫn có khả năng tiêu diệt virus nhờ các hạt đồng ở bên trong”, giáo sư Huang nêu ưu điểm của “thép diệt corona”.
Nhóm nghiên cứu của giáo sư Huang Mingxin (Đại học Hong Kong) đã bổ sung đồng vào thép không gỉ, giúp nó tiêu diệt virus corona gây COVID-19 (SARS-CoV-2) trên bề mặt trong vài tiếng.
“Ngay cả khi có vết xước rất lớn, loại thép này vẫn có khả năng tiêu diệt virus nhờ các hạt đồng ở bên trong. Công nghệ này tốt hơn so với các công nghệ sơn phủ khác có thể bị trầy xước”, giáo sư Huang nêu ưu điểm của “thép diệt corona”.
Nhóm của giáo sư Huang đã nộp hồ sơ xin cấp bằng sáng chế và đang liên lạc với các doanh nghiệp chuyên sản xuất nút bấm trong thang máy, tay nắm cửa, tay vịn cầu thang. Đây là những nơi mọi người thường xuyên chạm vào và có thể để lại virus SARS-CoV-2 trên bề mặt.
Ông Huang, nhà nghiên cứu thuộc trường cơ khí của Đại học Hong Kong, cho biết virus gây bệnh có thể sống trên các bề mặt như vậy đến 3 ngày.
Sau khi dịch bùng phát, nhóm của ông đã lao vào nghiên cứu vật liệu mới có thể hạn chế tối đa lây nhiễm từ tiếp xúc các bề mặt kim loại.
Theo giáo sư Huang, loại thép đặc biệt được bổ sung 10% đồng, có khả năng vô hiệu hóa những mầm bệnh có thể tồn tại trên bề mặt kim loại.
Được quảng cáo là “thép diệt virus corona đầu tiên trên thế giới”, nhóm của ông Huang tuyên bố 99,75% SARS-CoV-2 sẽ không thể sống trên bề mặt vật liệu mới trong vòng 3 tiếng. Tỉ lệ này lên tới 99,99% trong vòng 6 tiếng.
Theo báo South China Morning Post (SCMP), nhóm của ông Huang chỉ mới thử nghiệm với biến thể gốc SARS-CoV-2, chưa thử với những biến thể mới sau này.
“Chúng tôi sẽ thử xem vật liệu mới có diệt được biến thể Delta và Omicron hay không, nhưng tôi đoán là được” ông Huang nói, đồng thời cho biết thêm vật liệu mới có thể vô hiệu hóa virus H1N1 và E coli.
Vị giáo sư Hong Kong cũng trấn an những người lo ngại việc sản xuất thép không gỉ mới có thể phức tạp.
“Nó vẫn chỉ là thép không gỉ thôi, có điều đắt hơn chút do có đồng”, ông Huang giải thích và khẳng định các cơ sở thông thường vẫn sản xuất được vật liệu mới.
Theo Trung tâm Kiểm soát và phòng ngừa dịch bệnh Mỹ, nguy cơ lây nhiễm qua bề mặt kim loại khá thấp so với lây nhiễm qua đường hít thở.
Tuy nhiên, theo giáo sư Leo Poon Lit-man thuộc Trường y tế công cộng của Đại học Hong Kong, nguy cơ bị nhiễm bệnh từ tiếp xúc bề mặt kim loại là vẫn có.