23/01/2025

Nicotin và khói thuốc lá: Đâu là nguyên nhân gây bệnh ?

Nicotin và khói thuốc lá: Đâu là nguyên nhân gây bệnh ?

Hiện có nhiều nghiên cứu đo lường mức độ gây nghiện, vai trò của nicotin trong thuốc lá điếu. Từ đó, chiến lược phòng chống tác hại thuốc lá trên toàn cầu xác định rõ tác nhân gây bệnh và đưa ra các hành động loại trừ.

 

 

Hút thuốc lá: 5% nicotin gây nghiện, còn 95% khói thuốc gây bệnh

Nicotin là thành phần tự nhiên trong cây thuốc lá. Ngoài ra, nicotin còn được tìm thấy ở trong một số loại ớt, cà tím, cà chua, khoai tây… Khoa học đã chứng minh, nếu ăn 10 kg cà tím cùng một lúc, lượng nicotin mà người ăn hấp thụ sẽ tương đương với hút 1 điếu thuốc lá. Nicotin là chất dẫn truyền thần kinh, gián tiếp giải phóng dopamine trong các khu vực khoái cảm và hoạt động nhiều của não, tạo cảm giác dễ chịu cho người dùng.

Các chuyên gia khẳng định, mặc dù nicotin không gây ung thư hoặc gây hại quá mức, nhưng nó là chất gây nghiện mạnh. Do đó nicotin khiến người hút thuốc “dễ hút, khó bỏ”. Điều này là kết quả của việc làm cho người hút thuốc lá điếu thông thường ngoài hít nicotin, còn phơi nhiễm với gần 7.000 chất và hợp chất khác nhau, trong đó có khoảng 100 chất có tiềm năng gây ung thư, tim mạch, phổi tắc nghẽn mạn tính (COPD)… có trong khói thuốc.

Đánh giá về vấn đề này, ThS-BS Lê Đình Phương – Trưởng khoa Nội tổng quát và Y học Gia đình Bệnh viện FV cho biết, chất nicotin chỉ chiếm 5% độc tính, trong khi đó các chất khác chiếm 95% độc tính trong khói thuốc lá. Theo các chuyên gia y tế, người nghiện hút thuốc ngoài nghiện nicotin, còn nghiện các hành vi có điều kiện như thói quen cầm điếu thuốc, hút một điếu thuốc để giải lao, hoặc động tác rít, hít điếu thuốc…

Việc điều trị phụ thuộc nicotin có nhiều giải pháp, trong đó bao gồm sử dụng liệu pháp thay thế nicotin (NRT), thuốc Bupropion, và thuốc Varenicline. Còn việc điều trị “nghiện hành vi” là một rào cản lớn đối với tỷ lệ cai thuốc lá thành công. Những người hút thuốc lá tái nghiện hầu như đều có điểm chung họ bị môi trường, và “nhớ” các cảm giác khi cầm điếu thuốc làm cho họ hút trở lại. Ban đầu chỉ vài điếu nhưng sau đó là quay trở lại tình trạng cũ. Do vậy, các chuyên gia nhấn mạnh chiến lược cai thuốc lá không chỉ cai nicotin mà còn phải có biện pháp “cai” được cả hành vi.

Nicotin và khói thuốc lá: Đâu là nguyên nhân gây bệnh ? - ảnh 1
Không phải nicotin, mà các chất độc hại trong khói thuốc lá mới là nguyên nhân gây ra các bệnh lý và tử vong

Khói thuốc lá: mục tiêu của cuộc chiến chống tác hại thuốc lá trên toàn cầu

Sau nhiều thập kỷ nghiên cứu, khoa học đã kết luận khói của thuốc lá điếu đốt cháy là nguyên nhân cốt lõi trong việc hình thành nên các bệnh lý liên quan đến hút thuốc lá, thậm chí ung thư dẫn đến tử vong. Nicotin trong thuốc lá về mặt bản chất cũng là chất gây nghiện giống nicotin được dùng trong y học (được gọi là liệu pháp thay thế nicotin) qua các sản phẩm miếng dán, kẹo ngậm, hay bình xịt nicotin. Do vậy nếu đã đưa nicotin vào trong các liệu pháp thay thế nicotin cũng chính là xác định nicotin không phải là “hung thủ” gây bệnh và phải bị loại trừ.

Cũng theo ThS-BS Lê Đình Phương, với những người vẫn hút thuốc chưa cai cần cho họ hút mỗi nicotin với hàm lượng các chất độc hại thấp hơn thay vì để họ tiếp tục hút thuốc lá điếu. Khi họ đã chuyển đổi, khí thở ra chỉ chứa hơi nước và tỷ lệ thấp các chất gây ung thư, việc gây hại do hút thuốc lá thụ động cũng thấp hơn.

Nhà khoa học Michael Cummings của Đại học Nam Carolina cho biết: “Cần phải hạn chế sức hút của thuốc lá điếu đốt cháy, đồng thời đầu tư vào danh mục các sản phẩm giảm thiểu nguy cơ. Chúng ta không thể cấm nicotin, nhưng chúng ta có thể giúp mọi người có những cách an toàn hơn để sử dụng chúng”.

Hiện, những tổ chức y tế trên toàn cầu đã thay đổi chiến lược, xác định cuộc chiến chống thuốc lá thực chất là cuộc chiến chống lại khói thuốc, không phải nicotin. Theo đó, Cục quản lý Thực phẩm và Dược Phẩm Hoa Kỳ (FDA) đã phân loại sản phẩm các sản phẩm thuốc lá theo nhóm có sự cháy (combusted cigarettes) và nhóm không có sự cháy (non-combusted cigarettes) để đưa ra các quy định về quản lý dựa trên mức độ nguy cơ của sản phẩm. FDA xác định rõ thuốc lá điếu là sản phẩm gây hại lớn nhất và cần được thay thế dần. Do vậy, trong 3 năm gần đây FDA đã gấp rút cho phép những sản phẩm thay thế thuốc lá điếu đáp ứng điều kiện giảm tác hại và phù hợp với sức khỏe cộng đồng bao gồm thuốc lá làm nóng, thuốc lá điện tử hệ thống đóng (closed system), cũng như thuốc lá ngậm snus, được phép ra mắt tại thị trường Mỹ.

Theo nhà phân tích thị trường thuốc lá Stephanie Miller, cộng đồng toàn cầu nhận thấy có sự khác biệt lớn giữa thuốc lá điếu đốt cháy và các sản phẩm chứa nicotin khác về mức độ gây hại. Bà tin rằng trong vòng 10 năm tới chắc chắn sẽ có những thay đổi trong phân loại các sản phẩm thuốc lá và nhu cầu cấp thiết chuyển đổi người hút thuốc sang sử dụng các sản phẩm không khói sẽ được nhìn nhận rộng rãi.

 

ĐỨC BÌNH

TNO