23/01/2025

Nhận biết dị ứng phản vệ sau tiêm vắc xin

Nhận biết dị ứng phản vệ sau tiêm vắc xin

Theo Bộ Y tế, sốc phản vệ là mức độ nặng nhất của phản vệ do đột ngột giãn toàn bộ hệ thống mạch và co thắt phế quản.

 

 

 

Phản vệ là một phản ứng dị ứng, có thể xuất hiện từ vài giây, vài phút đến vài giờ sau khi cơ thể tiếp xúc với dị nguyên (bao gồm thuốc, vắc xin) gây ra các bệnh cảnh lâm sàng khác nhau, có thể nghiêm trọng dẫn đến tử vong nhanh chóng.

Các triệu chứng

Theo Bộ Y tế, sốc phản vệ là mức độ nặng nhất của phản vệ do đột ngột giãn toàn bộ hệ thống mạch và co thắt phế quản. Vắc xin có thể gây phản vệ cho người mẫn cảm với thuốc hoặc các chất có trong thành phần của thuốc. Bệnh nhân (BN) được xử trí kịp thời sẽ hồi phục nhanh, không có tử vong.

Phản vệ có các biểu hiện ở da, niêm mạc: đỏ da, ngứa, nổi mề đay, phù mạch, mẩn đỏ quanh mắt, kết mạc đỏ; ngứa, phù môi, lưỡi. Biểu hiện này chiếm khoảng 80 – 90% số BN phản vệ.

Các biểu hiện về hô hấp gặp ở khoảng 70% BN phản vệ với các biểu hiện: ngứa mũi, ngạt mũi, chảy nước mũi, nói khàn, nói khó, đau họng, thở rít, ho, thở nhanh, nông, chẹn ngực, co thắt phế quản, tím tái, ngừng thở.

Nhận biết dị ứng phản vệ sau tiêm vắc xin - ảnh 1
Với tiêm vắc xin Covid-19 cho trẻ, việc khám sàng lọc có vai trò quan trọng  ĐẬU TIẾN ĐẠT

Các biểu hiện tim mạch gặp ở khoảng 45% BN phản vệ với các triệu chứng: đau ngực, nhịp nhanh, nhịp chậm, loạn nhịp, đánh trống ngực; hạ huyết áp, mạch nhỏ, đại tiểu tiện không tự chủ, sốc, ngừng tim.

Ngoài ra, khoảng 45% BN phản vệ có các biểu hiện tiêu hóa: đau bụng, buồn nôn, tiêu chảy.

Cần nghĩ đến dị ứng phản vệ nếu sau tiêm vắc xin có xuất hiện một trong các triệu chứng: nổi mề đay, phù mạch nhanh; khó thở, tức ngực, thở rít; đau bụng hoặc nôn; tụt huyết áp hoặc ngất; rối loạn ý thức.

Theo khuyến cáo của chuyên gia về dị ứng, trong xử trí phản vệ, thuốc adrenalin là thuốc quan trọng hàng đầu để tiêm bắp ngay cho người bị phản vệ từ độ 2.

Còn với các ca phản vệ nhẹ (độ 1), dị ứng có thể chuyển thành nặng hoặc nguy kịch, người bị phản vệ được sử dụng thuốc methylprednisolon hoặc diphenhydramin uống hoặc tiêm tùy tình trạng người bệnh, và tiếp tục theo dõi ít nhất 24 giờ để xử trí kịp thời.

Việc khám sàng lọc có vai trò quan trọng

TS-BS Lê Kiến Ngãi, Trưởng khoa Dự phòng và kiểm soát nhiễm khuẩn, Bệnh viện Nhi T.Ư (Hà Nội), cho biết với tiêm vắc xin Covid-19 cho trẻ, việc khám sàng lọc có vai trò quan trọng để tuyển chọn được nhiều nhất có thể các trẻ em đủ điều kiện tiêm vắc xin đồng thời vẫn phải đảm bảo an toàn. Áp dụng chống chỉ định tiêm vắc xin Covid-19 với các trẻ có tiền sử rõ ràng phản vệ với vắc xin phòng Covid-19 ở lần tiêm trước (có cùng thành phần) với biểu hiện: sốt cao trên 39 độ C kèm co giật hoặc dấu hiệu não/màng não, tím tái, khó thở; trẻ bị suy giảm miễn dịch (do bệnh suy giảm miễn dịch bẩm sinh, trẻ nhiễm HIV giai đoạn lâm sàng 4 hoặc có biểu hiện suy giảm miễn dịch nặng) chống chỉ định tiêm chủng các vắc xin sống giảm độc lực; và các trường hợp chống chỉ định khác theo hướng dẫn của nhà sản xuất đối với từng loại vắc xin.

Các trường hợp tạm hoãn tiêm tại các cơ sở tiêm chủng ngoài bệnh viện là các trẻ có tình trạng suy chức năng cơ quan (như suy hô hấp, suy tuần hoàn, suy tim, suy thận, suy gan, hôn mê…); trẻ mắc các bệnh cấp tính, các bệnh nhiễm trùng; sốt từ 37,5 độ C trở lên hoặc hạ thân nhiệt từ 35,5 độ C trở xuống (đo nhiệt độ tại nách); trẻ mới dùng các sản phẩm globulin miễn dịch trong vòng 3 tháng (trừ kháng huyết thanh viêm gan B); trẻ đang hoặc mới kết thúc đợt điều trị corticoid (uống, tiêm) liều cao (tương đương prednisone từ 2 mg/kg/ngày trở lên), hóa trị, xạ trị trong vòng 14 ngày…

Thận trọng khi tiêm với các trẻ có tiền sử dị ứng; khi nghe tim phổi bất thường; rối loạn tri giác, rối loạn hành vi (hội chứng đám đông, hội chứng áo choàng trắng…).

Chuẩn bị dự phòng phản vệ:

Adrenalin là thuốc thiết yếu, quan trọng hàng đầu, sẵn có để sử dụng cấp cứu phản vệ.

Nên chuẩn bị bơm tiêm nạp sẵn 0,5 mg adrenalin tại các vị trí có thể xuất hiện BN phản vệ (bàn tiêm, nơi theo dõi sau tiêm).

Các nhân viên y tế được tập huấn đầy đủ về cấp cứu phản vệ.

Tuyến trên sẵn sàng hỗ trợ kịp thời.

Ngăn ngừa và xử trí kịp thời sốc phản vệ:

Khai thác kỹ tiền sử.

Luôn sẵn sàng bộ dụng cụ chống phản vệ.

Nghĩ ngay đến phản vệ khi xuất hiện cấp tính các triệu chứng.

Chẩn đoán phản vệ ngay khi có đủ tiêu chuẩn.

Adrenalin là thuốc cấp cứu chính và cần được dùng ngay lập tức. Lưu ý phải đúng liều lượng và đường dùng.

Cần có sự hỗ trợ kịp thời của tuyến trên.

(Nguồn: Bộ Y tế)

Báo cáo nhanh của các tỉnh thành cho biết, trong số hơn 3,5 triệu mũi tiêm vắc xin Covid-19 cho trẻ từ 12 – 17 tuổi, ghi nhận có 10.573 (chiếm 0,3%) trường hợp phản ứng thông thường sau tiêm chủng, chủ yếu là phản ứng tại chỗ, đau tại chỗ tiêm. Có 3 trường hợp tai biến nặng sau tiêm đã ghi nhận tại Hà Nội, Bắc Giang; trong đó có 2 trường hợp tử vong sau tiêm vắc xin, nguyên nhân liên quan đến phản ứng phản vệ độ 4.

Theo thống kê tại Bệnh viện Bạch Mai, tỷ lệ xuất hiện phản vệ với

vắc xin Covid-19 trong thời gian Bệnh viện Bạch Mai thực hiện tiêm chủng là 1/5.000 – 1/6.000 mũi tiêm (thống kê đến tháng 10.2021).

(Nguồn: Bộ Y tế)

 

NAM SƠN

TNO