22/12/2024

Nâng chất dự báo để giảm thiệt hại do lũ

Nâng chất dự báo để giảm thiệt hại do lũ

Cuối năm miền Trung thường xảy ra lũ lụt nặng gây thiệt hại lớn về người và của. Lãnh đạo các địa phương, bộ ngành chỉ ra nguyên nhân và đề xuất giải pháp “sống chung với lũ”.

 

 

Nâng chất dự báo để giảm thiệt hại do lũ - Ảnh 1.

Thuỷ  điện Sông Ba Hạ ngày 30-11 có lúc xả lũ đến 9.400m3/s – Ảnh: DUY THANH

Chiều 5-12, Thủ tướng Phạm Minh Chính chủ trì hội nghị trực tuyến Chính phủ với Ban Chỉ đạo quốc gia về phòng chống thiên tai và 8 tỉnh miền Trung – Tây Nguyên: Thừa Thiên Huế, Quảng Nam, Quảng Ngãi, Bình Định, Phú Yên, Khánh Hòa, Gia Lai và Đắk Lắk để chỉ đạo công tác khắc phục hậu quả mưa lũ vừa qua.

Dự báo “vênh” với thực tế

Báo cáo tại hội nghị, ông Nguyễn Hoàng Hiệp – thứ trưởng Bộ NN&PTNT, phó trưởng Ban Chỉ đạo quốc gia về phòng chống thiên tai – cho biết đợt mưa lũ từ 27-11 đến 1-12 trên các sông Bình Định, Phú Yên lũ lớn tương đương các năm 2013, 2016, 2017 và gần ở mức lịch sử, gây ngập lụt trên diện rộng, sạt lở ở nhiều nơi. Mưa lũ làm 19 người chết và mất tích, 26 nhà bị sập, 25 nhà hư hỏng, thiệt hại nặng nề về nông nghiệp, giao thông…

Báo cáo của ban chỉ đạo nhận xét trong đợt lũ này, dự báo về mưa tương đối phù hợp về phạm vi, tuy nhiên tổng lượng mưa nhiều nơi cao hơn dự báo từ 100 – 200mm; lũ trên sông đều cao hơn dự báo, như sông Ba tại Phú Lâm (Phú Yên), sông Dinh tại Ninh Hòa (Khánh Hòa) lớn hơn dự báo từ 1 – 1,93m.

Phó thủ tướng Lê Văn Thành đề nghị các địa phương nghiêm túc đánh giá xem 19 người chết đuối trong đợt lũ này là gì, việc phối hợp điều tiết hồ đập tốt chưa. “Bộ Tài nguyên và môi trường, Ban Chỉ đạo quốc gia về phòng chống thiên tai phải đánh giá lại công tác dự báo, tôi thấy chưa đạt yêu cầu. Dự báo ngập 1m thì lên 2m, mưa 500mm thì lên 700mm. Tôi nhiều lần chỉ đạo là phải đầu tư thiết bị để dự báo chính xác, chứ không chính xác thì ứng phó không kịp” – ông Thành nói.

Ban Chỉ đạo quốc gia về phòng chống thiên tai đề nghị Thủ tướng cho phép đánh giá toàn diện về nguyên nhân gây ngập lụt nghiêm trọng và đề xuất các giải pháp căn bản, lâu dài. Bên cạnh đó nâng cao chất lượng công tác dự báo, cảnh báo, đầu tư hệ thống quan trắc, theo dõi, giám sát thiên tai; ứng dụng khoa học công nghệ, chuyển đổi số, xây dựng cơ sở dữ liệu phòng chống thiên tai…

Nâng khả năng cắt lũ cho hạ du

Ông Trần Hữu Thế – chủ tịch UBND tỉnh Phú Yên – cho rằng nguyên nhân chính của trận lũ vừa rồi tại tỉnh này là vì có nhiều hồ chứa trên lưu vực sông Ba không có khả năng cắt lũ, nước lũ đến bao nhiêu thì tràn bấy nhiêu. Ông cho hay sắp tới lãnh đạo Phú Yên sẽ làm việc với lãnh đạo Gia Lai và Đắk Lắk để bàn phối hợp xây dựng số hóa bản đồ ngập lụt trên toàn lưu vực, từ đó cung cấp cho người dân biết sớm cảnh báo để có thời gian ứng phó hiệu quả.

Ông Nguyễn Phi Long – chủ tịch UBND tỉnh Bình Định và ông Nguyễn Tấn Tuân – chủ tịch UBND tỉnh Khánh Hòa – cũng đề nghị Thủ tướng xem xét chỉ đạo đầu tư xây mới thêm các hồ chứa và nâng cấp hồ hiện tại. “Tôi đề xuất mở rộng, nâng cấp các đập sông lớn ở miền Trung; xây dựng chính sách riêng về di dời khẩn cấp dân vùng sạt lở, thiên tai. Đối với những vùng lũ lụt sâu, kéo dài thì cần có trung tâm cứu hộ cứu nạn”, ông Long đề xuất thêm.

Còn ông Lê Trí Thanh – chủ tịch UBND tỉnh Quảng Nam – nói cần điều chỉnh quy trình vận hành liên hồ chứa các sông Vu Gia, Thu Bồn; cần gắn thiết bị đo thông số lũ về và xả lũ của các hồ chứa nhằm giúp lãnh đạo tỉnh điều hành xả lũ khoa học, chính xác, không chỉ phụ thuộc số liệu các chủ hồ cung cấp; đồng thời lắp đặt hệ thống cảnh báo tự động thông minh về tình trạng sạt lở miền núi.

Ông Võ Ngọc Thành – chủ tịch UBND tỉnh Gia Lai – đề nghị rà soát, điều chỉnh quy trình vận hành liên hồ lưu vực sông Ba để thích ứng phù hợp với biến đổi khí hậu. “Nên đầu tư tổng thể hệ thống quan trắc, cảnh báo thông minh tại các hồ đập để đảm bảo người dân cũng như chính quyền biết, từ đó việc phối hợp giữa các địa phương thượng nguồn – hạ du cũng như chủ hồ tốt hơn”, ông Thành đề nghị.

Không để người dân đói ăn, thiếu mặc

Trong phần kết luận hội nghị, Thủ tướng Phạm Minh Chính yêu cầu các địa phương khẩn trương khắc phục hậu quả lũ lụt, không để dân đói ăn, thiếu mặc, màn trời chiếu đất, dịch bệnh phát sinh, nhằm sớm đưa cuộc sống và mọi hoạt động vùng lũ sớm trở lại bình thường. Thủ tướng cho rằng việc một số tỉnh miền Trung ngập lụt nặng, nhiều người chết đuối cho thấy sự phối hợp giữa các địa phương trong công tác vận hành xả lũ hồ chứa chưa tốt.

Về lâu dài, Thủ tướng giao Bộ NN&PTNT xây dựng đề án chống lũ lụt thiên tai miền Trung, sạt lở và sụt lún Nam Bộ, sạt lở và thời tiết cực đoan ở miền Bắc. Thủ tướng cũng yêu cầu tiếp tục hoàn thiện thể chế phòng chống thiên tai, dịch bệnh; tham mưu xây dựng lại quy trình vận hành các hồ đập, nâng cao năng lực dự báo, cảnh báo.

DUY THANH
TTO