23/01/2025

Trẻ đi học lại, chưa tiêm vắc xin, có bệnh nền cần chú ý gì ?

Trẻ đi học lại, chưa tiêm vắc xin, có bệnh nền cần chú ý gì ?

TP.HCM sẽ cho học sinh các lớp 1, 9 và 12 đi học trực tiếp từ ngày 13.12; sau đó tới lớp mẫu giáo 5 tuổi. Cần lưu ý gì trong chăm sóc, bảo vệ sức khoẻ trẻ em, nhất là trẻ chưa được tiêm vắc xin?

 

 

PV Thanh Niên có cuộc trao đổi với bác sĩ chuyên khoa I Phan Thị Thanh Hà, Trưởng khoa Nhi – Nhiễm, Bệnh viện Q.8, TP.HCM về vấn đề này.

Trẻ đi học lại, chưa tiêm vắc xin, có bệnh nền cần chú ý gì ? - ảnh 1
Bác sĩ Phan Thị Thanh Hà trao đổi với phóng viên Thanh Niên  BẢO NGHI

Trẻ em lớp 1 chưa được tiêm vắc xin. Nhiều phụ huynh lo lắng trẻ đi học có an tâm không, thưa bác sĩ?

Thống kê ở TP.HCM cho thấy tỷ lệ nhiễm Covid-19 của trẻ em khá thấp, diễn biến nặng rất thấp, đa số là bị bệnh nền rất nặng như ung thư, suy thận… Mặc dù chưa có thuốc điều trị cho trẻ em, nhưng các triệu chứng Covid-19 trên các em lướt qua rất nhanh.

Theo kế hoạch, từ tháng 1.2022, Chính phủ sẽ nghiên cứu việc triển khai tiêm vắc xin cho trẻ em độ tuổi từ 5 – 11. TP.HCM luôn đi đầu trong công tác tiêm chủng cho trẻ em, nên phụ huynh cứ yên tâm.

Nếu phát hiện F0 trong lớp học thì nên xử lý như thế nào?

Khi trẻ em trở lại trường có thể sẽ tách lớp, ví dụ để 30 em một lớp. Lớp nào đông quá phải tách đôi. Khi phát hiện 1 ca F0 trong lớp, em đó sẽ được cách ly tạm thời tại phòng cách ly của trường, các em còn lại trong lớp sẽ được test nhanh sàng lọc, em nào dương tính sẽ được cách ly theo dõi tại nhà, còn lại vẫn tiếp tục đi học và được tiếp tục theo dõi…

Trẻ chưa được tiêm vắc xin, đồng thời có bệnh nền như béo phì, suy dinh dưỡng, tim mạch, ung thư thì nên lưu ý gì?

Luôn tuân thủ 5K

Theo bác sĩ Thanh Hà, vắc xin Pfizer dùng để tiêm cho trẻ từ 12 – 17 tuổi có độ bảo vệ rất tốt, nên phụ huynh hãy yên tâm khi cho con quay lại trường học.

Dù đã tiêm vắc xin, học sinh đến trường học cũng cần tuân thủ 5K. Khi có vấn đề như ho, sốt, khó thở… học sinh phải báo ngay cho giáo viên, thầy cô chủ nhiệm, nhân viên y tế.

Khi chưa được tiêm vắc xin, nhóm trẻ em có bệnh nền càng phải được chăm sóc kỹ lưỡng hơn, nếu thấy con có những biểu hiện ho, sốt, đau họng… gia đình phải liên lạc ngay với y tế địa phương, các bệnh viện có khoa nhi.

Trước khi đến trường đi học lại, trẻ em cần phải được xây dựng lối sống sinh hoạt khoa học, điều độ hơn, ăn uống đầy đủ chất dinh dưỡng, uống đủ nước, không thức quá khuya… Khi có trẻ là F0, cha mẹ không tự ý mua thuốc, không tự ý điều trị ở nhà, không giấu giếm mà phải liên hệ với y tế địa phương, bệnh viện tuyến quận có khoa nhi.

Béo phì sẽ làm cho mức độ bệnh càng trầm trọng hơn nếu nhiễm Covid-19.

Là một người mẹ, bác sĩ có ủng hộ con mình đến trường trở lại?

Việc học trực tuyến lâu dài ảnh hưởng rất nhiều tới tâm lý của trẻ em. Trường học rất quan trọng với trẻ em. Đây là nơi trẻ không chỉ được học kiến thức mà còn được vui chơi, vận động, kết nối với xã hội. Là một người mẹ, một bác sĩ, tôi ủng hộ trẻ em cần phải trở lại trường.

 

THUÝ  HẰNG

TNO