23/12/2024

Đâu nghĩ mình thành… F0

Đâu nghĩ mình thành… F0

Thành F0 vì chủ quan, nhiều người nhiễm COVID-19 thừa nhận với Tuổi Trẻ, trong đó không ít người tự tin vì đã tiêm 2 mũi vắc xin nên lơ là 5K.

 

Đâu nghĩ mình thành... F0 - Ảnh 1.

Người dân khai báo y tế trước khi vào mua sắm tại một trung tâm thương mại ở quận 7, TP.HCM tối 25-11 – Ảnh: T.T.D.

Điều may mắn của những F0 mà phóng viên tiếp xúc là nhờ được bảo vệ bằng vắc xin và được phát hiện, điều trị kịp thời nên họ lần lượt vượt qua được.

“Sao nhanh như vậy!?”

Đã tiêm đủ 2 mũi vắc xin nên anh T.V. (26 tuổi, TP Thủ Đức, TP.HCM) nói cảm thấy khá an tâm và nghĩ rằng ít có nguy cơ lây nhiễm COVID-19. Vậy là sau khi kết thúc công việc tại công ty, V. thường xuyên đi cà phê tụ tập cùng bạn bè, nhiều quán cà phê rất đông khách nhưng ai cũng đã tiêm đủ mũi nên không có gì phải lo lắng.

“Lúc đó có tâm lý sống chung với dịch, cộng với việc đã tiêm đủ 2 mũi vắc xin nên tôi ít mang khẩu trang, bởi không hề nghĩ đến việc mắc bệnh. Tôi phát hiện mình bị dương tính sau khi có biểu hiện sốt, ho khan, mất mùi. Quả thật tôi không nghĩ mình mắc COVID-19 nhanh như vậy” – V. nói.

Anh V. cho hay trong suốt quá trình cách ly điều trị tại nhà, dù thuộc diện bệnh nhân nhẹ nhưng anh thường xuyên sốt, nhiều lúc khó thở, cơ thể mệt mỏi vô cùng. Hôm nay đã đến ngày thứ 7 cách ly, dù đã có kết quả âm tính nhưng cơ thể anh vẫn cảm thấy rệu rã, kiệt sức.

“Nếu ngược thời gian, tôi sẽ chọn cách hạn chế tiếp xúc hơn, đeo khẩu trang đầy đủ cho đến khi dịch tạm ổn. Đến nay tôi phải nghỉ việc để chăm sóc cho mình, đợi thời gian hồi phục cơ thể” – V. buồn bã nói.

Đều đặn mỗi ngày, bà T.H. (57 tuổi, ngụ Bình Thạnh) vẫn đến Bệnh viện Lê Văn Thịnh (TP Thủ Đức) để tập vật lý trị liệu hậu COVID-19. Mặc dù đã khỏi bệnh nhưng bà thường xuyên khó thở, không còn làm những việc nặng và phải duy trì lịch trình tập luyện phục hồi cơ thể. Bà H. kể cũng xuất phát từ nguyên nhân chủ quan, nghĩ mình đã tiêm đủ 2 mũi vắc xin là an toàn nên bà thường xuyên tiếp xúc với nhiều người và mắc COVID-19.

“Nằm trong bệnh viện, tay chân tôi bất động, phải thở máy dù nhận thức được nhưng cảm thấy rất bất lực. Tôi mong mọi người có ý thức hơn trong việc bảo vệ mình, đặc biệt là những người lớn tuổi, có nguy cơ cao mặc dù đã tiêm đủ mũi vắc xin vẫn thật cẩn thận để không bị các di chứng ảnh hưởng đến sức kh

Đừng để cả nhà bị nhiễm COVID-19

Có lẽ ít ai ngờ trong số F0 ở đợt dịch này có cả anh Hoàng Tuấn Anh, người quá quen thuộc với người dân trong vai trò điều hành chương trình ATM gạo và ATM oxy. Anh cho hay giữa thời điểm bùng dịch dữ dội, công việc của ATM gạo và ATM oxy đòi hỏi phải di chuyển và tiếp xúc nhiều nhưng nhờ phòng dịch kỹ càng nên anh vẫn an toàn.

“Thế nhưng đến đầu tháng 11 tôi và vợ con đã trở thành F0. Ban đầu chỉ có đứa con nhỏ mắc COVID-19, nhưng vì thương con nên 2 vợ chồng không thực hiện phòng dịch nghiêm ngặt. Kết quả là tôi và vợ tôi lần lượt nhiễm bệnh. Mặc dù đã tiêm 2 mũi vắc xin và mọi triệu chứng sốt, ho giảm vào ngày thứ 2 nhưng đến ngày thứ 3 tôi phải thở oxy khi đi ngủ vào buổi tối và nhập viện vào ngày tiếp theo. Đó cũng là lần đầu tiên trong đời tôi phải đi cấp cứu và nhập viện” – anh Tuấn Anh kể.

Sau gần 2 tuần “chiến đấu”, anh và vợ con hiện đã bình phục. Tuy nhiên, anh cho hay trong những ngày điều trị thì SP02 rớt xuống 83-85 nên bản thân có chút di chứng về tim và phổi.

“Nhưng điều may mắn nhất là vợ con không chuyển nặng và ba tôi đã 80 tuổi không bị lây bệnh. Kinh nghiệm của chính tôi cho thấy khi gia đình có F0 thì phải cách ly nghiêm túc dù F0 là con bạn. Vì khi lây cho thành viên khác thì nguy cơ tử vong của người khác có thể cao hơn bạn và nếu cả gia đình bị nhiễm thì sẽ không thể chăm sóc lẫn nhau” – anh Tuấn Anh chia sẻ.

* Chị Nguyễn Thị Ngọc Uyển (công nhân may Khu chế xuất Tân Thuận, quận 7):

Vừa đi làm lại thành F0 khổ lắm

Suốt mấy tháng dịch tôi ở nhà trọ, không làm lụng được gì, ăn uống tằn tiện qua ngày để chờ tới ngày được đi làm lại. Mới đi làm chưa đầy 1 tháng lại thành F0, phải nghỉ làm ở nhà tự cách ly. Ở trọ mà phải cách ly thì khốn đốn lắm.

Nhà trọ có 3 người, tôi với 2 anh chị em nữa đều là công nhân. Lúc tôi đi xét nghiệm ở phường và phát hiện F0, cả 2 người còn lại cũng phải cách ly và phải nghỉ làm.

Công nhân giờ phải nghỉ làm là khổ đủ đường. Đâu có tiền mà đóng tiền trọ, lo tiền ăn. Lúc có kết quả xét nghiệm thì chị tôi dương tính, anh trai âm tính nhưng ở trọ không có phòng riêng nên đâu có cách ly được.

May mà dãy trọ còn phòng trống giữa mùa dịch, chủ trọ cho anh trai tôi qua ở tạm. Tiêm 2 mũi vắc xin nhưng mấy ngày cũng sốt, ho, mất mùi vị nên lúc nào cũng sợ bị trở nặng.

Trước đó tôi nghĩ mọi người đều đã tiêm 2 mũi nên đi làm cũng không phòng dịch 5K chặt chẽ. Sau nửa tháng cách ly, tự điều trị, giờ đi làm trở lại tôi luôn tự nhủ mình phải cẩn thận hơn.

VŨ THỦY ghi

“Sống ảo” giữa chốn đông người

1638004581689 1(read-only)

Rất đông bạn trẻ ngồi ở quán cà phê trên đường Đinh Tiên Hoàng, quận 1, TP.HCM chiều 27-11 nhưng không đeo khẩu trang – Ảnh: Q.ĐỊNH

Dù số ca bệnh COVID-19 trong cộng đồng tăng mạnh trở lại trong những ngày qua và cơ quan chức năng không ngừng kêu gọi phải tuân thủ các biện pháp phòng dịch 5K, nhưng nhiều người vẫn không thực hiện dù đang ở nơi công cộng.

Sáng 27-11, tại một quán cà phê trên đường Điện Biên Phủ (quận Bình Thạnh, TP.HCM) có khá đông khách là những bạn trẻ. Nhân viên quán không kiểm tra xem khách có tiêm vắc xin hay chưa, khách vào quán cũng không cần khai báo y tế và hầu như đều không mang khẩu trang. Quán cà phê này được chia thành hai khu vực trong nhà và ngoài trời. Các bàn ghế được đặt vị trí khá gần nhau, không đủ khoảng cách từ 1,5 – 2m. Khách chủ yếu ngồi bên ngoài vì có nhiều không gian để chụp hình “sống ảo”.

Một quán cà phê nổi tiếng với nhiều góc “sống ảo” khác trên đường Đinh Tiên Hoàng (quận 1, TP.HCM) cũng thu hút khá đông bạn trẻ. Nhiều nhóm 3-4 người tụm nhau “tám chuyện”, lúc đầu còn đeo khẩu trang nhưng chỉ được một lúc đều tháo ra để chụp ảnh và… “quên” mang vào.

Tại Đồng Nai, những ngày gần đây các cơ sở kinh doanh, dịch vụ ăn uống cũng đã dần hoạt động trở lại. Ghi nhận trên địa bàn TP Biên Hòa, hàng trăm quán ăn uống quy mô lớn nhỏ dọc các tuyến đường Võ Thị Sáu, Cách Mạng Tháng Tám, Đồng Khởi… dù chưa đông khách như hồi trước khi dịch bùng phát nhưng không khí đã tương đối nhộn nhịp. Một số hàng quán tỏ ra khá “thoáng” trong việc phòng dịch, không yêu cầu khách quét mã QR để khai báo y tế, không đảm bảo khoảng cách tối thiểu giữa các bàn. Đặc biệt, một số quán ăn ở phường Bửu Long và một số quán ăn trên đường Cách Mạng Tháng Tám dọc bờ sông Đồng Nai (phường Quyết Thắng) vẫn cho khách tụ tập ăn nhậu, nhân viên phục vụ bia rượu khi khách có yêu cầu. Thực khách tại đây cũng không được yêu cầu phải quét mã QR.

Chưa kể, một số loại hình kinh doanh, dịch vụ (vũ trường, bar, karaoke) chưa được phép hoạt động trở lại nhưng một số cơ sở vẫn lén lút hoạt động. Mới nhất, nhà hàng NB (phường Thống Nhất) đón khách vào hát karaoke dù chưa được phép và đã bị UBND TP Biên Hòa phát hiện xử phạt 45 triệu đồng do vi phạm các quy định phòng chống dịch. Trong khoảng 2 tuần gần đây, các đoàn kiểm tra liên ngành của TP Biên Hòa đã phát hiện gần 200 cơ sở vi phạm, lập biên bản xử phạt hành chính hơn 100 trường hợp với số tiền gần 400 triệu đồng. Trong đó, cơ quan chức năng đã lập biên bản xử lý đối với một trường hợp ở phường Tân Tiến vi phạm cách ly (F1 nhưng vẫn buôn bán).

Theo Sở Y tế Đồng Nai, toàn tỉnh vừa ghi nhận thêm 568 ca nhiễm mới, trong đó có 299 ca sàng lọc cộng đồng (tăng 7,6% so với hôm trước). Lũy kế trong 7 ngày qua, toàn tỉnh Đồng Nai tăng 10,5% so với 7 ngày trước đó. Ông Phan Huy Anh Vũ – giám đốc Sở Y tế Đồng Nai – nhận định một trong những nguyên nhân số ca nhiễm trong cộng đồng tăng là do không thực hiện 5K.

T.HIẾN – Q.ĐỊNH – A LỘC

T.HIẾN – Q.ĐỊNH – V.THỦY
TTO