Con tôi ‘khát’ trường học !
Con tôi ‘khát’ trường học !
Bình thường mới trở lại, cha mẹ đi làm còn trường học nói chung, trường mầm non nói riêng ở TP.HCM vẫn chưa mở cửa trở lại. Cha mẹ đành phải chạy đôn đáo tìm chỗ gửi con.
Trường mầm non chưa mở cửa hơn 6 tháng nay ở TP.HCM M.T |
Có một thực tế là không phải gia đình nào ở TP.HCM cũng có ông bà để gửi con. Nhiều người phải tìm các điểm giữ trẻ là người thân quen, hàng xóm… hoặc các nơi trông trẻ tự phát để thuê chăm sóc trẻ. Trong khi đó, các trường mầm non chưa được mở cửa trở lại, nhiều chủ trường kiệt quệ tài chính, giáo viên hơn nửa năm không có lương phải làm nhiều công việc khác nhau.
Anh Nguyễn Minh Tuấn, chủ trường mầm non N.L.V.V (Q.Bình Thạnh, TP.HCM), cũng là một trong những người chủ trường đồng đứng đơn kiến nghị, “cầu cứu” Thủ tướng Chính phủ chia sẻ với PV Báo Thanh Niên những băn khoăn của anh về vấn đề này.
“Trường học được thiết kế an toàn, các cô giáo được đào tạo bài bản về chuyên môn; chế độ dinh dưỡng được thiết kế hợp lý, nguồn thực phẩm đảm bảo đồng thời có thể phòng tránh nguy cơ lây nhiễm dịch bệnh. Điều này khó kiểm soát hơn ở các nhóm trẻ tự phát”, anh Tuấn nói.
Có một thực tế cần phải xác định, dịch bệnh có thể kéo dài trong vài năm tới. Hiện tại vắc xin cho trẻ dưới 5 tuổi vẫn đang được nghiên cứu, phát triển, nhưng trẻ em không thể đợi tới ngày “zero Covid” thì mới đến trường được.
6 năm đầu đời là giai đoạn vàng phát triển của trẻ
“Các chuyên gia giáo dục hàng đầu thế giới đều nhận định thời gian 6 năm đầu đời là giai đoạn vàng phát triển của trẻ. Các em phát triển kỹ năng vận động thô, kỹ năng ngôn ngữ thông qua tương tác với cô và bạn, kỹ năng xã hội (làm việc nhóm), phát triển tình cảm – tâm lý…Theo tôi, cần có những phương án để thích ứng an toàn với dịch, mà vẫn đảm bảo việc học của trẻ nhỏ không bị gián đoạn”, anh Tuấn cho hay.
“Trong thời gian qua, nhiều phụ huynh của tôi đã liên hệ trường để hỏi khi nào trường được hoạt động trở lại và các con được đi học trở lại. Phụ huynh rất lo lắng để lỡ giai đoạn phát triển quan trọng này của trẻ. Ba mẹ đi làm suốt ngày, con trẻ lủi thủi chơi ở nhà, làm bạn với TV, iPad, không có bạn bè chơi cùng; nhiều bé nhỏ có hiện tượng chậm nói, không được vận động thường xuyên, lầm lì ít nói, bị ảnh hưởng các yếu tố về tâm lý – tình cảm.
Tôi rất lo lắng, giáo dục là quốc sách, nhằm phát triển các thế hệ tương lai. Có thể trong 10 năm tới, chúng ta sẽ chứng kiến nhiều hệ quả”, anh Tuấn chia sẻ.
Trẻ em mong muốn được đến trường BẢO VY |
Nên cho phụ huynh những lựa chọn
Theo anh Tuấn, trước mắt, có thể để cho phụ huynh những lựa chọn, họ có thể gửi con đến trường, được chăm sóc chuyên nghiệp. Nếu phụ huynh chưa yên tâm khi con chưa được tiêm vắc xin và có điều kiện người thân ở nhà chăm sóc bé, phụ huynh có thể lựa chọn giữ con tại nhà.
Các trường mầm non có thể hoạt động cầm chừng, nhận ít bé theo yêu cầu của phụ huynh, điều này cũng đảm bảo khoảng cách an toàn trong trường học.
Khi đó, phụ huynh cần ký giấy đồng thuận khi gửi bé đến trường. Bản thân các cơ sở giáo dục mầm non cũng cần đảm bảo những điều kiện cần thiết, tối ưu để bảo vệ sức khỏe học sinh, phòng ngừa việc lây nhiễm trong trường học.
Bên cạnh Bộ tiêu chí an toàn phòng, chống dịch trong trường mầm non của Sở Giáo dục – Đào tạo, nhà trường cần có các phương án chủ động để đảm bảo phòng, chống dịch trong trường học. Giáo viên, nhân viên nhà trường cần được xét nghiệm sàng lọc trước khi quay lại làm và định kỳ hàng tuần; các trường hợp nghi nhiễm cần được cách ly và xử lý sớm trước khi lây nhiễm cho học sinh. Học sinh cần được xét nghiệm sàng lọc trước khi quay lại trường. Vì đặc trưng lứa tuổi nhỏ của trẻ mầm non, phương pháp xét nghiệm bằng dịch họng, thay vì lấy dịch tỵ hầu (chọc mũi) cần được nghiên cứu triển khai.
Trường học được thiết kế an toàn, sẽ kiểm soát dịch bệnh tốt hơn nếu để trẻ tại những cơ sở tự phát M.T |
Đồng thời, theo anh Tuấn, cha mẹ các em nên xét nghiệm định kỳ hàng tuần. Hiện nay, các cơ quan, nhà máy, xí nghiệp cũng đang chủ động triển khai xét nghiệm định kỳ cho người lao động, kết quả xét nghiệm này cũng có thể được sử dụng nộp cho nhà trường, là bảo chứng cho sức khỏe của trẻ an toàn. Khi người lớn trong gia đình chủ động tự cách ly sớm sẽ giảm thiểu rủi ro lây cho trẻ, cắt đứt chuỗi lây nhiễm. Điều này sẽ giúp hạn chế gián đoạn việc học của trẻ tại trường.
Ngoài ra, để bổ sung thêm một lớp bảo vệ, trường mầm non có thể tổ chức xét nghiệm ngẫu nhiên, xoay vòng học sinh trong lớp định kỳ, đảm bảo có thể xác định nguy cơ lây nhiễm sớm nhất để có phương án xử lý hiệu quả.
Từ góc độ một phụ huynh…
Trả lời câu hỏi của phóng viên, “nếu đứng ở góc độ một phụ huynh, có con hoặc cháu trong độ tuổi đi học. Không phải nhìn từ góc độ của một chủ trường mầm non, anh có ủng hộ trường học các cấp mở cửa trở lại hay không?”, anh Tuấn cho biết: “Tôi ủng hộ việc mở cửa trường học các cấp hoạt động trở lại, tạo điều kiện cho học sinh học tập trực tiếp, tuy nhiên cần đảm bảo các điều kiện an toàn phòng dịch, giảm thiểu rủi ro lây nhiễm cho các em”.
“Nhiều quốc gia trên thế giới không để tình trạng gián đoạn học tập diễn ra quá lâu. Ví dụ ở Singapore, học sinh tiểu học được phát bộ xét nghiệm nhanh 2 tuần/lần để tự xét nghiệm. Ở Mỹ các trường mầm non cũng đang thực hiện phương án xét nghiệm bằng nước bọt định kỳ hàng tuần cho học sinh. Theo tôi quan sát thì mô hình mở cửa trường học tại xã đảo Thạnh An, Cần Giờ cũng bao gồm việc xét nghiệm định kỳ hàng tuần cho học sinh, và trong thời gian qua cũng đã sớm phát hiện các trường hợp học sinh dương tính để nhanh chóng phản ứng, tổ chức cách ly, xét nghiệm diện hẹp, trả lại môi trường học đường an toàn cho học sinh”, phụ huynh này cho hay.
BẢO VY
TNO