23/12/2024

Tiền nhân coi trọng “Tiên học lễ hậu học văn”

Tiền nhân coi trọng “Tiên học lễ hậu học văn”

Nói tới câu thành ngữ “Tiên học lễ, hậu học văn”, không rõ đích xác thời điểm nào xuất hiện. Nhưng về ý nghĩa của câu thành ngữ quen thuộc này, dù ít dù nhiều, người nghe đa phần sẽ hiểu.

 

 

Giảng về câu thành ngữ này, Từ điển giải thích thành ngữ gốc Hán (Nguyễn Như Ý chủ biên, NXB Giáo dục Việt Nam, 2014) ghi: “Muốn giỏi chữ nghĩa, văn chương, kiến thức trước hết phải học lễ nghĩa, rèn luyện đạo đức thật tốt”. Ý rằng trong giáo dục, phải học lễ nghĩa, cách làm người trước, rồi mới đến học kiến thức.

Tiền nhân coi trọng “Tiên học lễ hậu học văn” - ảnh 1
Thầy đồ dạy học thời xưa  ẢNH: T.L

Nhìn lại quan điểm giáo dục Nho học ở Việt Nam thời xưa kể từ khi Văn Miếu được lập, Quốc Tử Giám ra đời thời Lý về sau thì đức độ, lễ giáo trong giáo dục con người luôn được đề cao. Lương Đức Thiệp trong nghiên cứu Xã hội Việt Nam ghi về giáo dục Nho học nước ta: Việc giáo dục chỉ lấy luân lý làm trọng: “Tiên học lễ, hậu học văn”. Bởi vậy việc trau dồi trí thức, theo nguyên tắc luân lý ấy, chỉ là việc phụ thuộc”.

Quan điểm tiên lễ, hậu văn ấy bắt gặp rất nhiều trong những lời nói, sách vở của tiền nhân trước đây. Tỉ như xem Minh tâm bửu giám, ở thiên “Khuyến học”, có những câu từa tựa vậy, như “Sách Lễ ký rằng: Ngọc chẳng giồi chẳng nên giống tốt; người chẳng học chẳng biết đạo lý”; “Lời Quyết trực ngôn rằng: Sắm đuốc cầu tỏ rõ, đọc sách cầu đạo lý; có sáng lấy soi nhà tối, thông lẽ lấy soi lòng người”. Hay xem sách Nho giáo của Trần Trọng Kim, được biết Nho giáo “lấy hai chữ chí thiện làm cực điểm”, nên mới có quan điểm “Đại học chi đạo, tại minh minh đức, tại thân dân, tại chỉ ư chí thiện”, tức là có đức sáng, thân với dân, làm điều thiện…

Lý luận tư tưởng là vậy, còn cụ thể có thể lấy thời Lê sơ (1428-1527) mà dẫn, thấy rằng trong việc chọn nhân tài qua thi cử, dù chú trọng tới tài năng của người đỗ đạt, nhưng không vì thế mà tiêu chí tài – đức song hành bị nhà Lê sơ xem nhẹ. Việc đề cao đức hạnh của người đỗ đạt được triều đình chú ý. Điều này thể hiện rõ qua một phần nội dung bài ký của Lại bộ Thượng thư Vũ Duệ viết trong bia tiến sĩ khoa Giáp Tuất (1514), được Đại Việt sử ký toàn thư ghi lại. Theo đó trong thi cử chọn nhân tài, trước tiên lấy khí chất rồi mới đến tài nghệ, xét đức hạnh rồi mới đến văn chương. Nhà Lê sơ khi thực hiện khoa cử chọn quan lại phụng sự quốc gia thì người dự chốn quan trường qua khoa cử trước hết phải là người có đức hạnh, phẩm chất tốt. Đáp ứng được những tiêu chí đó giúp cho trong quá trình làm quan giữ được cái đức của kẻ sĩ, không bị thoái hóa, biến chất mà trở thành kẻ xấu làm hại dân, hại nước.

Vua Lê Thánh Tông (1460-1497) vốn là một văn nhân, nho sĩ tài giỏi, rất chú trọng tới chăm lo phát triển giáo dục nước nhà. Trong chiếu khuyên răn bầy tôi, vua có đề cập tới việc giảng dạy học trò với lời lẽ khẩn thiết được Kiến văn tiểu lục của Lê Quý Đôn ghi lại: “Cần phải tự mình thực tiễn, mài giũa phẩm hạnh cho được nghiêm trang; thờ cha mẹ dốc lòng hiếu thuận; lập chí khí giữ đạo trung trinh”… “Đã là học trò mà hạnh kiểm phù bạc, từ trước vẫn lấy làm chê cười, nếu người nào phẩm hạnh có chỗ thiếu sót thì dầu đọc Thi Thư cũng không bổ ích gì”. Lời nhà vua đặt cao vai trò của phẩm hạnh, đạo đức làm cơ sở để đối nhân xử thế, nhược bằng lễ nghĩa kém, thì dù học giỏi, kiến thức tốt, cũng là kẻ kém vậy.

Tiền nhân coi trọng “Tiên học lễ hậu học văn” - ảnh 2
Trương Vĩnh Ký nêu quan điểm về ‘Tiên học lễ, hậu học văn’ trong ‘Thông loại khóa trình’ số 1

ẢNH: T.L

Đến cuối thế kỷ XIX, dù giáo dục Tây học đã ít nhiều xâm nhập vào Việt Nam, nhưng quan điểm giáo dục thể hiện nơi câu thành ngữ “Tiên học lễ, hậu học văn” vẫn còn được thực hành. Nếu để ý sẽ thấy, ngay như Trương Vĩnh Ký được hấp thu văn minh phương Tây, từng đi Tây nhưng đối với giáo dục, vẫn tôn trọng cha ông đi trước mà nhất nhật theo quan điểm học lễ nghĩa trước, học kiến thức sau. Điểm này được ông thể hiện trong lời “Bảo” ở Thông loại khóa trình số 1, năm 1888, có đoạn: “Phép học là trước học lễ sau học văn; được cả hai ấy mới ra con nhà gia giáo, biết phép tắc, lễ nghi, cang thường, luân lý, biết chữ nghĩa văn chương, kinh sử truyện tích cổ kim ấy là đấng đợt con người tử tế”.

Vẫn đối với câu thành ngữ thuộc nằm lòng trên, xem Phong tục Việt Nam, thấy Toan Ánh có nói qua, rằng “Thầy đã nghiêm, học trò phải giữ lễ phép, và việc học bao giờ cũng bắt đầu bằng học lễ trước, tiên học lễ hậu học văn. Học lễ phép rồi mới đến học chữ nghĩa văn bài. Học lễ phép không chỉ riêng ở lớp học mà còn ở ngoài đường và ở nhà mình nữa”, tức là cái lễ này, phải được học và hành toàn diện, mọi lúc mọi nơi.

TRẦN ĐÌNH BA

TNO