26/12/2024

Chuyên gia cảnh báo về chứng ám ảnh sợ hãi do Covid-19

Chuyên gia cảnh báo về chứng ám ảnh sợ hãi do Covid-19

Covid-19 là mối đe dọa sức khỏe cộng đồng không chỉ về thể chất mà còn cả tinh thần. Các chuyên gia cảnh báo nguy cơ xuất hiện những ám ảnh sợ hãi liên quan đến Covid-19 như rửa tay liên tục hoặc không dám rời khỏi nhà.

 

 

Covid-19 ảnh hưởng lớn để xã hội và những ảnh hưởng này đều có xu hướng khiến nhiều người lo lắng, căng thẳng.

Chuyên gia cảnh báo về chứng ám ảnh sợ hãi do Covid-19 - ảnh 1
Một trong những biểu hiệu thường gặp nhất của rối loạn ám ảnh cưỡng chế (OCD) trong thời gian dịch Covid-19 lây lan là rửa tay nhiều quá mức cần thiết  MINH HỌA: SHUTTERSTOCK

“Tôi thấy có nhiều bệnh nhân bị rối loạn ám ảnh cưỡng chế hơn trong thời gian dịch Covid-19 lây lan. Một số người đã tái phát sau khi đã khỏi được một thời gian”, South China Morning Post dẫn lời bác sĩ tâm thần Ivan Mak Wing ở Hồng Kông (Trung Quốc).

Rối loạn ám ảnh cưỡng chế (OCD) là một dạng của rối loạn lo âu. Các tài liệu y khoa ước tính khoảng 2% dân số toàn cầu từng bị rối loạn ám ảnh cưỡng chế.

Người mắc OCD bị ám ảnh thường xuyên bởi một suy nghĩ hay hình ảnh nào đó khiến họ lo lắng, buộc họ phải thực hiện một số hành vi nào đó. Họ bị thôi thúc thực hiện lặp đi lặp lại hành vi này để giải tỏa những suy nghĩ ám ảnh trong đầu. Ví dụ, khi đại dịch Covid-19, người bị OCD sẽ rửa tay nhiều lần quá mức cần thiết vì ám ảnh sẽ bị lây nhiễm.

Người mắc OCD có thể do yếu tố di truyền, tiền sử gia đình hay tác nhân gây căng thẳng từ môi trường, các áp lực cuộc sống.

“Trong một số trường hợp, bệnh nhân được chẩn đoán mắc OCD sau khi có những biểu hiện bất ổn, chẳng hạn quá lo sợ mầm bệnh Covid-19 dính trên giày mình”, bác sĩ Wing giải thích thêm.

Các biểu hiện OCD trong thời gian xảy ra đại dịch rất đa dạng, từ rửa tay nhiều quá mức, tích trữ và làm dụng xà phòng, tự nhốt mình để không tiếp xúc với người ngoài, lo lắng mình sẽ nhiễm rồi lây cho người thân đến lo sợ thái quá về tác dụng phụ của vắc xin Covid-19.

Các nhà trị liệu tâm lý ở nhiều nơi trên thế giới đã ghi nhận mức độ gia tăng các vấn đề tâm lý do tác động của đại dịch. Tại Hồng Kông, tổ chức phi lợi nhuận OCD and Anxiety Support Hong Kong, tổ chức chuyên hỗ trợ những người bị rối loạn lo âu, đã ghi nhận số cuộc gọi đến đường dây nóng và email xin hỗ trợ đã tăng lên gấp 4 lần so với trước khi có dịch.

Đáng lo ngại là con số này vẫn ở mức cao dù tình hình dịch bệnh ở Hồng Kông đã giảm đi rất nhiều. Với một số người mắc OCD, triệu chứng của họ đang có dấu hiệu ngày càng nặng, bà Minal Mahtani, người sáng lập tổ chức trên, cho biết.

“Có người bị ho sốt nhẹ hoặc khô họng nhưng đã tự kết luận rằng họ đã nhiễm Covid-19, nghĩ rằng họ sắp chết”, bà Mahtani giải thích.

Bà Mahtani và tổ chức của mình đang đề xuất chính quyền Hồng Kông hãy bố trí các nhà trị liệu tâm lý có trình độ cao tại các điểm tiêm vắc xin để hỗ trợ những người bị OCD. Họ cần giúp đỡ trong khoảng thời gian 15 phút chờ tiêm vắc xin vì với người mắc OCD, đây là khoảng thời gian rất khó chịu, theo South China Morning Post.

 

NGỌC QUÝ

TNO