27/12/2024

Nhiễm trùng đường tiết niệu khi nào trở nên nguy hiểm, cần đi khám gấp?

Nhiễm trùng đường tiết niệu khi nào trở nên nguy hiểm, cần đi khám gấp?

Nhiễm trùng đường tiết niệu là bệnh phổ biến, thường được điều trị bằng thuốc kháng sinh.

 

 

Nhưng nếu không được điều trị kịp thời, nhiễm trùng có thể lây lan đến thận, gây suy thận, nhiễm trùng máu đe dọa tính mạng, theo NHS Inform.

Các triệu chứng nhiễm trùng tiết niệu

Hầu hết các trường hợp nhiễm trùng tiết niệu là nhiễm trùng bàng quang. Theo WebMD, các triệu chứng bao gồm:

Đột ngột thúc giục đi tiểu

Đau hoặc rát khi đi tiểu

Cảm giác chưa đi tiểu xong

Cảm giác muốn đi tiểu thường xuyên

Đau vùng bụng dưới

Nước tiểu đục hoặc có mùi hôi hoặc có máu

Một số người có thể không có triệu chứng

Người cao tuổi có thể có triệu chứng khác hơn, bao gồm kích động, mê sảng hoặc các thay đổi hành vi. Nhóm tuổi này cũng có nhiều khả năng phát triển các biến chứng nghiêm trọng.

Nhiễm trùng đường tiết niệu khi nào trở nên nguy hiểm, cần đi khám gấp? - ảnh 1
Mối nguy hiểm chính của nhiễm trùng tiết niệu không điều trị kịp thời là nhiễm trùng có thể lây lan đến một hoặc cả hai thận   SHUTTERSTOCK

Trẻ em thường xuyên nín tiểu cũng có thể bị nhiễm trùng tiết niệu. Một số ít trẻ có vấn đề về cấu trúc làm cản trở dòng chảy của nước tiểu hoặc để nước tiểu chảy ngược từ bàng quang đến thận, gây ra viêm thận mạn tính. Điều này có thể dẫn đến tổn thương thận.

Đôi khi trẻ sơ sinh bị nhiễm trùng tiết niệu, các dấu hiệu cần lưu ý bao gồm sốt không rõ nguyên nhân, nước tiểu có mùi lạ, chán ăn hoặc nôn mửa, quấy khóc. Cần điều trị nhanh chóng để ngăn ngừa tổn thương thận.

Khi nào cần đi khám?

Đi khám ngay nếu các triệu chứng kể trên trở nên nặng hơn.

Đặc biệt nếu có thêm các triệu chứng cho thấy nhiễm trùng tiết niệu đã gây nhiễm trùng thận nguy hiểm như sau:

Đau ở hai bên lưng dưới

Sốt từ 38°C và ớn lạnh

Buồn nôn và ói mửa, theo WebMD.

Và một số người có nguy cơ bị biến chứng cao hơn, bao gồm nam giới, phụ nữ mang thai, người già, người bệnh tiểu đường hoặc gặp các vấn đề về thận hoặc hệ thống miễn dịch suy yếu.

Biến chứng nguy hiểm gây suy thận

Mối nguy hiểm chính của nhiễm trùng tiết niệu không điều trị kịp thời là nhiễm trùng có thể lây lan đến một hoặc cả hai thận. Khi vi khuẩn tấn công thận, chúng có thể gây ra tổn thương làm suy giảm chức năng thận vĩnh viễn. Ở những người đã có vấn đề về thận, điều này có thể làm tăng nguy cơ suy thận, theo WebMD.

Biến chứng nguy hiểm gây nhiễm trùng máu

Cũng có một khả năng nhỏ là nhiễm trùng có thể xâm nhập vào máu và lây lan đến các cơ quan khác, theo WebMD.

Nhiễm trùng máu là phản ứng thường gây chết người. Giống như đột quỵ hoặc đau tim, nhiễm trùng máu là một trường hợp cấp cứu y tế cần chẩn đoán và điều trị nhanh chóng.

Mọi người không chết vì nhiễm trùng tiết niệu, nhưng nếu nhiễm trùng máu bắt đầu xâm lấn và phát triển thành nhiễm trùng máu nặng rồi dẫn đến sốc nhiễm trùng thì có thể đe dọa tính mạng. Nhiễm trùng tiết niệu gây ra hơn một nửa số ca nhiễm trùng máu ở người lớn tuổi.

Trên toàn thế giới, 1/3 số người bị nhiễm trùng máu tử vong. Nhiều người sống sót để lại những di chứng vĩnh viễn, các cơ quan không hoạt động bình thường và cắt cụt chi, theo NHS Inform.

Nhiễm trùng đường tiết niệu khi nào trở nên nguy hiểm, cần đi khám gấp? - ảnh 2
Mọi người không chết vì nhiễm trùng tiết niệu, nhưng nếu phát triển thành nhiễm trùng máu nặng rồi dẫn đến sốc nhiễm trùng thì có thể đe dọa tính mạng SHUTTERSTOCK

Điều gì làm tăng nguy cơ?

Các yếu tố có thể làm tăng nguy cơ bao gồm:

Không uống đủ nước

Nhịn tiểu quá lâu

Sỏi thận

Đối với nam giới, nhiễm trùng tiết niệu thường liên quan đến sỏi thận hoặc phì đại tuyến tiền liệt.

Điều quan trọng cần lưu ý khi điều trị nhiễm trùng tiết niệu

Một số trường hợp không cần điều trị, chỉ cần uống nhiều nước và đi tiểu thường xuyên có thể giúp loại bỏ vi khuẩn.

Nhiễm trùng thận cũng có thể cần điều trị bằng uống thuốc kháng sinh. Các triệu chứng thường sẽ hết trong vòng 3 – 5 ngày.

Nhưng cần lưu ý là phải uống hết đơn thuốc của bác sĩ, ngay cả khi đã khỏi bệnh 100%. Dù các triệu chứng đã hết, vi khuẩn vẫn tồn tại trong một thời gian nên cần phải uống đủ kháng sinh. Nếu không uống đủ liều, rất có thể vi khuẩn sót lại sẽ phát triển trở lại, gây nhiễm trùng lần nữa. Và, chúng có thể trở nên kháng thuốc kháng sinh, theo NHS inform.

Cách ngăn ngừa nhiễm trùng tiết niệu

Sau đây là một số chiến lược để giảm nguy cơ nhiễm trùng tiết niệu:

Uống nhiều nước

Tránh nín tiểu

Đi vệ sinh trước và sau khi “yêu”

Lau từ trước ra sau.

Tắm vòi hoa sen thay vì tắm bằng bồn, theo WebMD.

 

THIÊN LAN

TNO