26/12/2024

Nhận biết trầm cảm

Do bị trầm cảm nên khả năng tập trung của người bệnh bị suy giảm, từ đó ảnh hưởng không nhỏ đến sinh hoạt, học tập và làm việc. Quan hệ xã hội bị thu hẹp, người bị trầm cảm thường có xu hướng thu mình lại, thậm chí thích ở những nơi tối tăm và ở một mình. Điều này khiến bản thân họ tự cô lập và tự làm đổ vỡ những mối quan hệ tốt đẹp xung quanh.

 

 

Mất ngủ là triệu chứng thường gặp nhất

Người mắc trầm cảm thường buồn bã, rầu rĩ, ủ rũ, bi quan, mất hết niềm tin trong cuộc sống. Họ có thể mất hứng thú hoặc các sở thích trước đây, luôn mang cảm giác nặng nề, mệt mỏi, không muốn làm việc, đi đứng chậm chạp, luôn cảm thấy mình không có đủ sức khỏe để làm việc dù là việc nhẹ, không quan tâm đến xung quanh.

Mất ngủ là triệu chứng thường gặp nhất, chiếm 95% trong số BN trầm cảm. BN trằn trọc khó đi vào giấc ngủ mặc dù đôi khi cảm thấy rất buồn ngủ nhưng lại không thể ngủ, thức dậy sớm hơn bình thường. Cùng với đó là mất cảm giác ngon miệng, gầy, sút cân.

Người bệnh thường cảm thấy mệt mỏi, giảm tập trung, giảm sút năng lượng, hay than phiền mệt mỏi mà không có một nguyên nhân nào, giảm khả năng tập trung, vì vậy hiệu quả công việc giảm sút. Cảm giác mệt mỏi thường nặng hơn vào buổi sáng.

Người mắc bệnh trầm cảm không còn hứng thú với việc gì, luôn có ý nghĩ tiêu cực về bản thân, cảm giác tuyệt vọng không có lối thoát, không còn niềm tin vào bản thân và tương lai. Tự cảm thấy có lỗi với người thân, thua kém người khác. Tự cảm thấy vô dụng.

Người bệnh có thể bị nhức đầu, mỏi vai gáy, hồi hộp trống ngực, đau nhức tay chân, cảm giác lo lắng vô cớ, ám ảnh bệnh tật vô lý, dễ nổi giận với người xung quanh, có những cơn sợ hãi, ngại giao tiếp. Hình thức bên ngoài cũng bị thay đổi, vệ sinh thân thể kém, cử chỉ chậm chạp hoặc giận dữ vô cớ. Giọng nói trầm buồn; nét mặt, ánh mắt đơn điệu cũng là gợi ý về bệnh trầm cảm.

Đáng lưu ý, hầu hết BN trầm cảm đều có ý nghĩ về cái chết, thậm chí nặng hơn là có ý định tự sát. Mang cảm giác tuyệt vọng không có lối thoát, họ bị ám ảnh về bệnh tật, chán nản, dễ bị tổn thương, dần dần tự nghĩ rằng chết đi là giải pháp.

Lưu ý tránh tái phát trầm cảm

BN cần được sự đồng cảm giúp đỡ của mọi thành viên trong gia đình.

BN cần ăn ngủ điều độ và tập thể dục, duy trì lối sống lạc quan, lành mạnh.

Với người mắc trầm cảm, người nhà cần quan tâm, chia sẻ, động viên, không kỳ thị xa lánh hắt hủi, khuyến khích sự năng động, hoạt bát, tránh thu mình của BN, luôn theo dõi sát thay đổi tâm lý và hành động của người bệnh và tránh xung đột với người bệnh. Ngoài ra, cần động viên, khuyến khích BN tham gia các hoạt động cùng nhau.

Theo dõi các tác dụng phụ không mong muốn của thuốc giúp người bệnh vượt qua các tác dụng phụ của thuốc. Phát hiện sớm các dấu hiệu cảnh báo tái phát để đưa người bệnh đến cơ sở y tế.

(Nguồn: Bệnh viện Tâm thần Hà Nội)

Theo Tổ chức Y tế thế giới (WHO), trên toàn cầu ước tính có 5% người trưởng thành và 5,7% người trên 60 tuổi bị trầm cảm. Trầm cảm có thể dẫn đến tự tử, đồng thời là nguyên nhân hàng đầu gây tàn tật trên toàn thế giới. Nhiều phụ nữ bị ảnh hưởng bởi trầm cảm hơn nam giới. Hiện nay, có phương pháp điều trị hiệu quả cho bệnh trầm cảm nhẹ, trun

g bình và nặng.

WHO nhấn mạnh: Trầm cảm khác với những biến động tâm trạng thông thường và cũng không phải là những phản ứng cảm xúc ngắn ngủi khi đối mặt với những thử thách trong cuộc sống hằng ngày. Đặc biệt khi tái phát và với mức độ trung bình hoặc nặng, trầm cảm có thể trở thành một tình trạng sức khỏe nghiêm trọng. Ở mức độ tồi tệ nhất, trầm cảm dẫn đến tự tử. Hơn 700.000 người chết do tự tử mỗi năm. Tự tử là nguyên nhân thứ tư gây tử vong ở thanh thiếu niên từ 15 – 29 tuổi.

Phương An

 

NAM SƠN

TNO