Tả quân Lê Văn Duyệt và quyền lực Gia Định thành: Xóa bỏ quyền lực Gia Định thành
Tả quân Lê Văn Duyệt và quyền lực Gia Định thành: Xoá bỏ quyền lực Gia Định thành
Ở Gia Định thành, Lê Văn Duyệt quản lý trực tiếp quan bảo hộ Chân Lạp, tạo dựng được uy thế quân sự với lân bang. Càng về sau, trong những vấn đề ông trực tiếp xử lý, ra quyết định, không phải lúc nào cũng nhận được sự đồng tình của vua Minh Mạng.
Gia Định là vùng đất đa sắc tộc, đa tôn giáo, đa dạng dân cư và là trung tâm kinh tế của cả nước. Thập niên 1820, Gia Định là nơi lưu trú lý tưởng của các giáo sĩ và giáo dân Cơ Đốc; nơi làm lại cuộc đời của không ít tù/phạm nhân đến từ Bắc thành; nơi làm ăn, buôn lậu thóc gạo và thuốc phiện của các Hoa kiều và cả người Việt.
Người dân Nam kỳ sống bên bờ sông năm 1865 LE MONDE ILLUSTRÉ |
Không phải đến thời Lê Văn Duyệt làm Tổng trấn, đạo Cơ Đốc mới phổ biến và phát triển ở đất Gia Định. Lê Văn Duyệt có mối quan hệ lâu năm với những giáo sĩ Cơ Đốc, cũng như vua Gia Long, ông luôn dành cho các giáo sĩ những thiện cảm và ghi nhớ sự giúp đỡ của họ trong quá trình phục quốc.
Lê Văn Duyệt cũng trưng dụng những phạm nhân bị trục xuất, lưu đày từ miền Bắc và miền Trung vào Gia Định, sử dụng sức lao động của họ trong quá trình phát triển kinh tế nông nghiệp, khai hoang ở Gia Định; ông còn phiên chế một phần phạm nhân vào lực lượng quân đội địa phương do ông thành lập.
Cuối năm 1824, vua sai Gia Định thành “biên các tù phạm tội sung quân và tội lưu phát phối đến thành làm đội Hồi lương, […], cấp cho lương tháng” (Đại Nam thực lục – viết tắt ĐNTL, tập 2, nhóm dịch, NXB Giáo dục, 2007, tr.389). Tháng 3 âm lịch (AL) năm 1829, Lê Văn Duyệt xin trích lính ở các cơ An thuận, Hồi lương “ai biết viết tính thì sung bổ vào chức Vị nhập lưu thư lại, xóa tên trong sổ lính”. Vua không cho, bảo rằng: “Bọn ấy nguyên là người can phạm không tốt, nếu lại sai họ làm việc đao bút thì chẳng hóa ra dạy vượn trèo cây à!” (ĐNTL, tập 2, tr.832), đó là một trong nhiều ví dụ cho thấy sự khác biệt quan điểm. Với Lê Văn Duyệt, ai có năng lực sẽ được dùng cho công việc thích hợp thay vì xét lý lịch đầu vào. Ở mặt này, Lê Văn Duyệt phần nào đó giống vua Gia Long như đã đề cập ở bài trước. Vua Minh Mạng thì muốn gò ép theo khuôn khổ luật pháp của triều đình do ông đứng đầu.
Tầng lớp thượng lưu ở Nam kỳ VOYAGE PITTORESQUE AUTOUR DU MONDE, IMPRIMERIE DE HENRI DUPUY, PARIS, 1834 |
Giải thể Gia Định thành
Vai trò quá lớn của Hoa kiều trong nền kinh tế Gia Định khiến vua Minh Mạng lo ngại, từ năm 1825, ông ban hành dụ cấm đạo nhưng ở Gia Định, giáo dân và giáo sĩ vẫn được tự do thực hành tôn giáo. Trên tất cả, trong mắt triều đình Huế, Lê Văn Duyệt đã tạo ra một thứ quyền lực địa phương ở Gia Định thành. Cũng có thể nói, dân Gia Định trung thành với uy tín cá nhân Lê Văn Duyệt hơn chức quan tổng trấn của ông.
Quyền lực của quan tổng trấn trong mắt vua Minh Mạng là mối đe dọa đối với chính quyền trung ương về kinh tế, chính trị, văn hóa, quân sự… Vua buộc phải tiến hành từng bước nhằm kiểm soát quyền lực của Lê Văn Duyệt. Với nhiều bước đi khác nhau, qua nhiều giai đoạn, mục đích của vua Minh Mạng là nhằm xóa bỏ quyền lực Gia Định thành.
Ngày càng nhiều văn quan do triều đình phái vào Gia Định, họ nắm giữ nhiều vị trí quan trọng và dần thay thế những người thân cận của Lê Văn Duyệt trong bộ máy hành chính. Vua cũng trực tiếp chỉ định quan bảo hộ Chân Lạp thay vì dùng người do Lê Văn Duyệt đề xuất, lúc này quan bảo hộ có trách nhiệm hợp tác với Tổng trấn thay vì nằm dưới quyền quản lý trực tiếp như trước.
Tiếp đó, vua thiết lập một quyền lực dân sự ở Gia Định bên cạnh quyền lực quân sự đang dần bị phân tán, suy yếu.
Tháng 3 AL năm 1831, vua bổ nhiệm “Nguyễn Văn Quế quản lý biền binh thành Gia Định, và hiệp cùng Tổng trấn Lê Văn Duyệt làm công việc thành, phàm có việc gì phải tâu thì cùng ký tên” (ĐNTL, tập 3, nhóm dịch, NXB Giáo dục, 2007, tr.152). Đồng thời, vua gửi dụ cho Lê Văn Duyệt “phàm công việc gì, ngươi nên cùng y [Nguyễn Văn Quế] và các tào một lòng vì nước, giữ đạo công bình chính trực, không có yêu ai ghét sai” (ĐNTL, tập 3, tr.154). Tháng 2 AL năm 1832, Lê Văn Duyệt dâng sớ xin cáo lão. Vua dụ rằng: “Khanh nên cố gắng làm việc, đợi sau sẽ xuống chỉ quyết định”. Tháng 7 AL, Lê Văn Duyệt ốm nặng, vua cho tạm nghỉ việc thành để yên tâm điều dưỡng, giao ấn Tổng trấn cho Nguyễn Văn Quế tạm lĩnh, “mọi việc trong thành đều chuẩn cho Quế hội đồng với các tào cùng làm cho được ổn thỏa, việc gì nên tâu thì cùng ký tên đề tấu”. Tháng 8 AL Lê Văn Duyệt mất, hưởng thọ 69 tuổi.
Hai tháng sau khi Lê Văn Duyệt qua đời, vua Minh Mạng liền giải thể Gia Định thành (tháng 10 AL). Vua xóa bỏ chủ nghĩa địa phương ở Gia Định, kết tội người đã chết là Lê Văn Duyệt, thực hiện cải cách hành chính – trong đó người gốc miền Bắc và Trung nắm quyền quản lý bộ máy quyền lực ở Gia Định, chính sách giáo hóa người dân miền Nam, đồng hóa người bản địa vốn đa sắc tộc, đàn áp đạo Cơ Đốc, bắt các tù nhân hoàn lương quay lại thân phận như trước và buộc phải rời khỏi đất Gia Định…
Câu chuyện năm 1832 – 1835 còn đó nhiều bài học và hậu quả, trong đó có loạn Lê Văn Khôi năm 1833 chống chính quyền Minh Mạng và các cuộc nổi dậy sắc tộc giai đoạn 1841 – 1845.
NGUYỄN QUANG DIỆU
TNO