23/11/2024

TP.HCM ứng phó sao khi ca COVID-19 tăng lại?

TP.HCM ứng phó sao khi ca COVID-19 tăng lại?

TP.HCM đã chuẩn bị các kịch bản, kể cả tình huống xấu là khi ca mắc tăng, dịch bùng phát trở lại, nếu khả năng thu dung điều trị vượt ngưỡng là giãn cách như trước đây. Lãnh đạo Sở Y tế TP.HCM cho biết.

 

 

 

Tin sáng 13-11: TP.HCM ứng phó sao khi ca COVID-19 tăng lại? - Ảnh 1.

Nhân viên y tế chăm sóc cho bệnh nhân đang điều trị tại Bệnh viện hồi sức COVID-19 (TP Thủ Đức) – Ảnh: DUYÊN PHAN

TP.HCM ứng phó sao khi ca COVID-19 có xu hướng tăng?

Trong 6 ngày liên tiếp, số ca COVID-19 tại TP.HCM đều duy trì trên 1.000 ca. Ngày 12-11 ghi nhận 1.338 ca, tăng 203 so với ngày 11-11. Trước tình hình số ca COVID-19 có xu hướng tăng, TP.HCM đã kích hoạt hàng loạt trạm y tế lưu động, tái khởi động mạng lưới thầy thuốc đồng hành, đội đặc nhiệm kiểm dịch.

Chủ tịch UBND TP.HCM Phan Văn Mãi cho biết việc F0 gia tăng nằm trong dự kiến của TP vì khi mở cửa, việc giao thương, tiếp xúc, đi lại nhiều hơn. TP.HCM và các quận, huyện, phường, xã phải luôn theo dõi sát, có đánh giá, phân tích để có phương án xử lý kịp thời.

Phó giám đốc Sở Y tế TP.HCM Nguyễn Văn Vĩnh Châu cho hay, dù qua đỉnh địch đợt 4, TP vẫn giữ một số bệnh viện dã chiến để dự phòng tình huống dịch chuyển biến xấu có thể xảy ra. Đồng thời, TP còn ba trung tâm hồi sức và ba bệnh viện dã chiến số 13, 14, 16 đã biến đổi thành mô hình bệnh viện dã chiến ba tầng.

Bên cạnh đó, các quận, huyện cũng thành lập thêm các bệnh viện dã chiến để tiếp nhận những F0 không thể cách ly tại nhà. Đối với các khu công nghiệp, khu chế xuất, hình thành các khu cách ly cho F0 không triệu chứng hoặc triệu chứng nhẹ.

“TP.HCM đã chuẩn bị tất cả các kịch bản, kể cả tình huống xấu nhất khi dịch bùng phát trở lại. Tuy nhiên khi số ca bệnh tăng, khả năng thu dung điều trị của hệ thống điều trị đạt ngưỡng, có thể TP.HCM quay lại những biện pháp giãn cách như trước đây” – phó giám đốc Sở Y tế TP.HCM chia sẻ.

Tin sáng 13-11: TP.HCM ứng phó sao khi ca COVID-19 tăng lại? - Ảnh 3.

Tình nguyện viên nhập thông tin người tiêm vắc xin tại quận Gò Vấp, TP.HCM – Ảnh: DUYÊN PHAN

Người đã tiêm vắc xin vẫn tử vong chủ yếu mắc bệnh nền, cao tuổi

TP.HCM ghi nhận một số bệnh nhân COVID-19 tử vong đã tiêm đủ 2 mũi vắc xin. Cụ thể, trong 38 ca tử vong vào ngày 9-11, có 2 người tử vong đã tiêm 1 mũi vắc xin; 10 người tử vong đã tiêm đủ 2 mũi vắc xin (đều trên 50 tuổi và có bệnh nền).

Phó giám đốc Sở Y tế TP.HCM Nguyễn Văn Vĩnh Châu cho biết, những ngày gần đây số ca tử vong tại TP có xu hướng tăng so với thời điểm cuối tháng 10, đa số là người trên 65 tuổi, có bệnh nền và chưa tiêm vắc xin.

Tuy nhiên cũng có người đã được tiêm vắc xin, nhưng do lớn tuổi nên có thể cơ địa đáp ứng vắc xin thấp, dẫn đến tử vong.

Tin sáng 13-11: TP.HCM ứng phó sao khi ca COVID-19 tăng lại? - Ảnh 4.

Đồ họa: NGỌC THÀNH

TP.HCM bố trí tiêm vắc xin tại bến xe cho người quay lại làm việc

Trong tình hình số ca COVID-19 của TP tăng trở lại, UBND TP.HCM đã có văn bản yêu cầu bố trí các điểm tiêm vắc xin lưu động, nhất là tại các cửa ngõ giáp ranh, bến xe, ga tàu để chủ động tiêm cho người dân quay trở lại TP làm việc nhưng chưa được tiêm chủng.

Kiểm tra việc thực hiện cấp mã QR qua cổng thông tin an toàn COVID tại các sở, ban, ngành, UBND Thủ Đức và các quận, huyện nhằm để kiểm soát người dân tham gia hoạt động sản xuất, kinh doanh an toàn. Xử lý nghiêm các đơn vị, cơ sở không thực hiện kiểm tra mã QR.

Truyền thông rộng rãi bằng nhiều hình thức đến người dân về mức độ nguy hiểm của dịch COVID-19, cơ chế lây nhiễm, kêu gọi nghiêm túc chấp hành quy định 5K của Bộ Y tế và các biện pháp phòng, chống dịch theo hướng dẫn, không vì đã tiêm vắc xin mà chủ quan; xử lý nghiêm các trường hợp vi phạm về phòng, chống dịch.

Tin sáng 13-11: TP.HCM ứng phó sao khi ca COVID-19 tăng lại? - Ảnh 5.

F0 điều trị tại Bệnh viện dã chiến số 6, TP Thủ Đức, TP.HCM trong ngày được ra viện trở về nhà – Ảnh: QUANG ĐỊNH

Tình hình COVID-19 ở một số tỉnh thành

– Ngày 12-11, Hà Nội ghi nhận 165 ca COVID-19, trong đó có 27 ca tại cộng đồng. Như vậy, cộng dồn số ca COVID-19 tại Hà Nội trong đợt dịch thứ 4 đến nay là 5.778 ca, trong đó 2.202 ca ghi nhận ngoài cộng đồng, 3.758 ca là trường hợp đã được cách ly.

– Phú Thọ ghi nhận thêm 15 ca COVID-19. Từ ngày 14-10 đến nay, toàn tỉnh Phú Thọ ghi nhận 1.290 ca COVID-19. Hiện tỉnh còn 38 vùng phong tỏa, bao gồm 2.618 hộ gia đình với hơn 8.300 nhân khẩu. Toàn tỉnh đã có 884.005 người được tiêm ít nhất một mũi vắc xin, trong đó có 137.552 người đã được tiêm đủ hai mũi.

– Nghệ An thêm 49 ca COVID-19, nâng tổng số ca toàn tỉnh đến nay lên 2.985. Dịch COVID-19 đang diễn biến rất phức tạp, đặc biệt là tại huyện Nghi Lộc, Hưng Nguyên, Quỳ Hợp và thành phố Vinh. Chỉ riêng huyện Nghi Lộc, trong 12 giờ qua đã phát hiện 20 ca COVID-19, trong đó có 10 ca cộng đồng.

– Thừa Thiên Huế ghi nhận thêm 43 ca COVID-19 trong ngày 12-11, có 11 ca cộng đồng. Ban chỉ đạo phòng, chống dịch COVID-19 Thừa Thiên Huế yêu cầu từ ngày 13-11, một số lĩnh vực hoạt động có điều kiện: cơ sở dịch vụ ăn uống giãn cách từ 2m giữa các bàn, quét mã QR, phục vụ không quá 50% công suất, không quá 20 khách trong cùng thời điểm.

– Đà Nẵng cho biết ghi nhận thêm 34 ca COVID-19, trong đó có 6 ca cộng đồng. Tính từ ngày 16-10 đến nay, thành phố ghi nhận 242 ca COVID-19, trong đó 41 ca về từ ngoại tỉnh. Đà Nẵng đã tiêm 1.294.719 liều vắc xin, trong đó 903.275 người tiêm mũi 1 và 391.444 người tiêm mũi 2.

– Bình Dương tiếp tục ghi nhận 654 ca COVID-19, 5 bệnh nhân tử vong. Tính từ đợt dịch thứ 4 đến nay, Bình Dương ghi nhận 242.243 ca COVID-19, trong đó có 2.534 ca tử vong.

– Từ ngày 28-6-2021 đến nay, tỉnh Bình Định ghi nhận 2.187 ca COVID-19, trong đó 1.720 người đã khỏi bệnh được xuất viện, 19 người tử vong và 448 người đang điều trị tại các cơ sở y tế trên địa bàn tỉnh.

Tin sáng 13-11: TP.HCM ứng phó sao khi ca COVID-19 tăng lại? - Ảnh 6.

Nhân viên y tế phát thuốc cho F0 điều trị tại nhà ở quận 8, TP.HCM – Ảnh: QUANG ĐỊNH

– An Giang ghi nhận số ca COVID-19 cao nhất từ trước đến nay với 661 ca. Từ ngày 15-4 đến hết ngày 11-11, An Giang ghi nhận 16.333 ca COVID-19, có 187 người tử vong. An Giang có hơn 1,3 triệu người từ 16 tuổi trở lên đã tiêm xong mũi 1 vắc xin COVID-19, đạt 95,23%; có 553.271 người tiêm đủ mũi 2, đạt 40,34%.

– Sóc Trăng ghi nhận 343 ca COVID-19 ngày 12-11, cao nhất từ trước đến nay. Trong đó, có 186 ca cộng đồng. Đến nay Sóc Trăng đã ghi nhận tổng cộng 8.812 ca. Thời gian qua Sóc Trăng đã có gần 100.000 người dân về từ các tỉnh, thành phố, trong số này có nhiều người mắc COVID-19.

– Bến Tre ghi nhận thêm 33 người COVID-19 (gồm 26 ca cộng đồng và 7 ca đã cách ly). Toàn tỉnh có 3.132 ca COVID-19; trong đó, có 2.235 bệnh nhân đã được xuất viện và 54 người tử vong. Bến Tre có 8/9 huyện, thành phố có dịch ở cấp độ 2, một huyện (huyện Bình Đại) cấp độ 3. Đối với cấp xã, có 9 xã ở cấp độ 4; 32 xã cấp độ 3; 81 xã cấp độ 2 và 35 xã cấp độ 1.

– Đồng Tháp ghi nhận thêm 383 ca COVID-19, trong đó về từ vùng dịch 32 ca; 124 ca cộng đồng. Đến nay, Đồng Tháp có 12.584 ca COVID-19, đã điều trị khỏi và xuất viện 9.645 ca. Toàn tỉnh tiêm được 1.770.923 liều vắc xin COVID-19 (tiêm mũi 1 đạt 79,33% dân số của tỉnh từ 18 tuổi trở lên; tiêm mũi 2 đạt 51,14% dân số của tỉnh từ 18 tuổi trở lên).

– Cà Mau, trong số 258 ca COVID-19 ghi nhận ngày 12-11, có 70 ca cộng đồng. Trong đó, thành phố Cà Mau 36 ca, huyện U Minh 12 ca, huyện Trần Văn Thời 10 ca, huyện Ngọc Hiển 5 ca, huyện Đầm Dơi 4; các huyện Cái Nước, Năm Căn và Thới Bình, mỗi địa phương ghi nhận 1 ca. Từ đầu năm 2021 đến nay, tỉnh có 3.854 ca COVID-19, 18 người đã tử vong.

LAN ANH – XUÂN MAI – TTXVN
TNO