09/01/2025

Tả quân Lê Văn Duyệt và quyền lực Gia Định thành: Kinh lược đại thần dẹp loạn

Tả quân Lê Văn Duyệt và quyền lực Gia Định thành: Kinh lược đại thần dẹp loạn

Trở về kinh đô, Lê Văn Duyệt tiếp tục được vua tin tưởng giao đánh dẹp Man Thạch Bích ở Quảng Ngãi và đi kinh lược hai trấn Thanh Hoa, Nghệ An vì quan sở tại bất tài lại tham tàn khiến dân chúng nổi loạn.

 

 

Tháng 5 âm lịch (AL) năm 1816, Man Thạch Bích ở Quảng Ngãi lại quấy rối biên cảnh, Trấn thủ Phan Tiến Hoàng đánh không thắng. Vua cử Lê Văn Duyệt đem quân đi đánh dẹp, khi đại binh đến nơi thì các Man nhân trốn nấp hết. Sau đó Lê Văn Duyệt được triệu về; Phan Tiến Hoàng bị trói giải về kinh, bị xử tội vì “thân làm tướng ngoài biên, trị dân chống giặc không đúng phép đến nỗi quân ác Man gây việc”.

Tả quân Lê Văn Duyệt và quyền lực Gia Định thành: Kinh lược đại thần dẹp loạn - ảnh 1
Vua Minh Mạng (trái) qua nét vẽ của người châu Âu  VOYAGE PITTORESQUE AUTOUR DU MONDE, IMPRIMERIE DE HENRI DUPUY, PARIS, 1834

Tháng 4 AL năm 1819, vua ra lệnh xây Tĩnh Man trường lũy ở đạo Bình Man thuộc Quảng Ngãi, một công trình để phòng ngự Man nhân. Ôn Khê Nguyễn Tấn thì viết là “Kỷ Mão năm Gia Long thứ 18 (1819), […], Lê Văn Duyệt tâu xin xây trường lũy” (Vũ Man tạp lục thư, tr.299). Ngoài lũy trồng tre, dưới ngăn bằng hào, cao hơn hai thước dày độ thước rưỡi, địa giới dài 37.479 trượng, phía bắc giáp phủ Thăng Bình (dinh Quảng Nam), phía nam giáp phủ Hoài Nhân (trấn Bình Định), để phân định rõ cương thổ người Thượng và người Kinh. Dọc theo lũy đặt nhiều đồn lính canh giữ, lại cho khai khẩn đất đai, lập trại để lấy hoa lợi dùng cho việc quân.

Tiễu trừ giặc cướp và nổi loạn

Đầu năm 1819, vua Gia Long “thấy hai trấn ấy hằng năm bị đói, dân xiêu dạt phần nhiều họp nhau làm giặc cướp, quan sở tại không thể ngăn được, bèn sai [Lê Văn] Duyệt đi, việc thường đều cho tùy tiện xử đoán, duy việc lớn thì mới tâu lên”. Chiếu dụ quan hai trấn rằng: “Địa phương các ngươi gần đây giặc cướp hay nổi, nhân dân mắc khổ. Cần phải một phen xếp đặt để dẹp yên cho dân được yên ổn làm ăn” (Đại Nam thực lục – tập 1, Nguyễn Ngọc Tỉnh dịch, NXB Giáo dục, 2002, tr.982).

Lê Văn Duyệt lĩnh đại binh đi kinh lược địa phương Nghệ An và Thanh Hoa (nay là Thanh Hóa), tiễu trừ giặc cướp hay nổi loạn ở hai vùng này. Kinh lược đại thần được đặc sai “kiểm xét quan lại, thăm giúp nhân dân, gọi họp dân xiêu dạt, xét xử nỗi oan uổng, ai quy phục theo mệnh thì không bắt tội chết, ai thuận lòng ra sức thì khuyên để hưởng vui, cốt sao yên ủi vỗ về, uốn nắn giúp đỡ, để đưa đến chốn an toàn mà thôi” (Đại Nam thực lục, sđd, tr.982).

Tháng 2 AL, Lê Văn Duyệt đến Nghệ An, tuyên bảo uy đức của triều đình và hỏi thăm nỗi khổ của dân gian, “bọn giặc cướp nghe tin tan vỡ, hoặc đến cửa quân xin thú, hoặc bị quan quân bắt giết, trong cõi nghiêm hẳn” (Đại Nam thực lục, sđd, tr.984). Lê Văn Duyệt dâng sớ về triều tâu việc, rằng do quan ở Nghệ An không có tài vỗ trị, vì đua nhau tham tàn khiến dân nổi dậy cướp bóc. Ông xin dừng các công dịch, tha thuế đã giục, miễn cho thợ thuyền khỏi phục dịch, miễn cho lính trốn khỏi phải điền… Vua ra chiếu bảo: “Việc dùng binh và thợ không thể thiếu được, nếu dùng mà không hại dân thì cũng không tổn hại gì đến nhân chính” (Đại Nam thực lục, sđd, tr.984).

Lê Văn Duyệt đến Thanh Hoa vào tháng 3 AL, sau khi quan sát tình hình trong xứ liền dâng sớ về triều trình bày nỗi khổ của người dân, về thiên tai, đói kém, giặc cướp… Vua ban chiếu rằng “thuế ruộng, thuế thân, thuế sản vật còn thiếu từ năm Mậu Dần [1818] về trước hết thảy đều tha. Dân sở tại xiêu tán trở về thì miễn thuế ruộng, thuế thân và binh đao trong ba năm” (Đại Nam thực lục, sđd, tr.987). Thổ tù ở Thanh Hoa và đạo Thanh Bình (nay là Ninh Bình) đến chỗ quan kinh lược đầu thú, Lê Văn Duyệt dâng sớ tâu: “Xin nhân lúc chúng thay đổi ngoài mặt mà vỗ yên bằng đức, khiến cho chúng đổi cả lòng…” (Đại Nam thực lục, sđd, tr.988). Vua khen là phải, hạ lệnh tha tội cho bọn thổ tù.

Tháng 6 AL, bọn giặc cướp ở Thanh Nghệ ra đầu thú hơn 900 người, Lê Văn Duyệt tâu xin tha tội, bổ làm lính. Hai tháng sau, Lê Văn Duyệt dâng sớ xin về triều, vua ra dụ rằng: “Hai trấn Thanh Nghệ sổ đinh chưa xong, không có người không ai làm được” (Đại Nam thực lục, sđd, tr.996), hãy tạm ở lại 10 ngày nữa rồi triệu về. Tháng 9 AL, Tổng trấn Gia Định thành Nguyễn Huỳnh Đức mất, lại đưa Nguyễn Văn Nhân lên thay, tiếp đó Lê Văn Duyệt được triệu về kinh đô. Ông đem mọi việc ở phía bắc tâu lên vua, việc của dân gian, nỗi khổ của dân chúng luôn khiến ông nặng lòng: “Ở dân gian trước có ruộng đất sót lậu, gần đây đã vào sổ, lệ phải đóng thuế, thuế hơi nặng, dân lấy làm khổ. Xin đổi sổ đi để theo ý nguyện của dân”. Vua nói rằng: “Nếu lợi cho dân thì trẫm có tiếc gì” (Đại Nam thực lục, sđd, tr.998). Vua theo lời xin của Lê Văn Duyệt.

Từ việc bình định Mọi Đá Vách đến kinh lược hai xứ Nghệ An và Thanh Hoa, Lê Văn Duyệt đều thể hiện được sự uy dũng của một võ tướng, tấm lòng của vị quan đối với dân. Ông thể hiện được mình là vị quan đứng về phía người dân và quan tâm đến nỗi khổ của họ. Ngoài ra, ông cũng nói tốt về những người đã giúp mình lúc đi kinh lược, hai sinh đồ Nguyễn Văn Khuê, Nguyễn Đức Nhuận được bổ vào Hàn lâm viện thời Minh Mạng cũng nhờ lời tâu của Lê Văn Duyệt.

Những ngày cuối đời của vua Gia Long, bên cạnh Hoàng thái tử Nguyễn Phúc Đảm và các hoàng tử tước công còn có các đại thần Lê Văn Duyệt và Phạm Đăng Hưng được vào hầu, cùng nhận di chiếu. Trước khi vua thăng hà, ngài sai Lê Văn Duyệt kiêm giám năm dinh quân Thần sách.

Tháng giêng năm Canh Thìn (1820), Nguyễn Phúc Đảm lên ngôi hoàng đế, lấy niên hiệu Minh Mạng. Bốn tháng sau, vua cử Lê Văn Duyệt vào nam lãnh Tổng trấn Gia Định thành lần thứ hai.

 

NGUYỄN QUANG DIỆU

TNO