24/12/2024

Học sinh đi học trực tiếp trở lại, ai chịu trách nhiệm về an toàn, sức khoẻ?

Học sinh đi học trực tiếp trở lại, ai chịu trách nhiệm về an toàn, sức khoẻ?

Ngày 7.11, Sở GD-ĐT TP.HCM đã có những yêu cầu về việc đảm bảo sức khoẻ của học sinh trong thời gian học trực tiếp và học trực tuyến.

 

 

 

Học sinh đi học trực tiếp trở lại, ai chịu trách nhiệm về an toàn, sức khỏe? - ảnh 1

 

Học sinh lớp 12 tiêm vắc xin chuẩn bị cho việc đi học trực tiếp trở lại  B.T

Theo đó, lúc học sinh còn học trực tuyến tại nhà, các trường xây dựng kế hoạch và các phương án phòng chống dịch Covid-19 nếu có trường hợp nhiễm tại trường và tổ chức diễn tập trước khi học sinh đi học trực tiếp trở lại.

Học sinh đi học trực tiếp trở lại, ai chịu trách nhiệm về an toàn, sức khỏe? - ảnh 2
Học sinh học trực tuyến khi trường học chưa mở cửa trở lại vì dịch Covid-19   NGUYỄN THÔNG

Triển khai tự đánh giá theo bộ tiêu chí an toàn trong phòng chống dịch, thống kê thường xuyên cán bộ, giáo viên, nhân viên và học sinh thuộc diện F0, có biện pháp hỗ trợ trong công tác dạy, học, tư vấn về sức khỏe tinh thần. Thường xuyên phối hợp với phụ huynh học sinh nhắc nhở học sinh có chế độ dinh dưỡng và vận động hợp lý phòng chống các vấn đề về sức khỏe học sinh như tật khúc xạ ở mắt, tình trạng thừa cân béo phì, tình trạng cong vẹo cột sống, sức khỏe thần kinh tâm thần.

Khi học sinh học trực tiếp, theo yêu cầu của Sở GD-ĐT, nhà trường thực hiện công tác khám sức khỏe cho cán bộ, giáo viên nhân viên và kiểm tra sức khỏe học sinh. Tổ chức giám sát phát hiện sớm học sinh nhiễm bệnh trong trường học và chuyển tuyến điều trị kịp thời. Tổ chức hướng dẫn cho giáo viên, phụ huynh về đặc điểm, cách nhận biết các dấu hiệu của bệnh và các biện pháp phòng chống, cách chăm sóc và theo dõi sức khỏe.

Khi hoạt động bán trú, bữa ăn bán trú được phép tổ chức trở lại, trong hướng dẫn thực hiện do Phó Giám đốc Sở GD- ĐT triển khai, lãnh đạo nhà trường chịu trách nhiệm kiểm soát, đảm bảo thực phẩm cung cấp cho các bếp ăn, nhà ăn và cơ sở cung cấp thức ăn cho học sinh, căn tin trong trường phải đảm bảo an toàn theo quy định. Đảm bảo 100% trường học có bếp ăn tập thể, suất ăn công nghiệp, căn tin không để xảy ra ngộ độc thực phẩm. Không chọn những cơ sở cung cấp suất ăn quá xa trường. Nhà trường xây dựng kế hoạch cụ thể phối hợp với ban đại diện cha mẹ học sinh trong công tác giám sát quá trình chế biến, tiếp phẩm cũng như giá thành của từng bữa ăn của học sinh hằng ngày. Thường xuyên giám sát cơ sở cung cấp suất ăn công nghiệp…

Lãnh đạo trường học chịu trách nhiệm trong công tác quản lý căn tin khi học sinh đi học trực tiếp trở lại. Cụ thể căn tin không bán những mặt hàng đồ chơi kẹo bánh trôi nổi không rõ nguồn gốc xuất xứ và không rõ hạn sử dụng. Không quảng cáo và kinh doanh nước ngọt có gas và các thực phẩm không có lợi cho sức khỏe trong trường học. Nhà trường công khai các đơn vị cung cấp nguyên liệu cho bếp ăn đến phụ huynh học sinh vào đầu năm học, nếu có thay đổi đơn vị cung cấp thì phải thông báo công khai để cha mẹ học sinh được biết.

Ngày 30.10, Sở GD-ĐT TP.HCM đã tổ chức cuộc họp với sự tham dự của lãnh đạo Sở Y tế, Trung tâm kiểm soát bệnh tật thành phố. Tại đây, Sở GD-ĐT trình lãnh đạo UBND TP dự thảo Kế hoạch tổ chức học tập trực tiếp tại các cơ sở giáo dục, trong đó đề xuất học sinh đi học trở lại từ ngày 10.12.

Cụ thể, đối với các địa bàn được xác định dịch ở cấp độ 1 và 2 (nguy cơ thấp và trung bình) thì tổ chức dạy học trực tiếp, sẵn sàng chuyển sang các hình thức dạy học khác khi dịch bệnh diễn biến phức tạp.

Đối với các địa bàn được xác định dịch ở cấp độ 3 (nguy cơ cao), tổ chức dạy học trực tiếp kết hợp với dạy học trực tuyến, trên truyền hình.

Đối với các địa bàn được xác định ở cấp độ 4 (nguy cơ rất cao) thì không tổ chức dạy trực tiếp mà tổ chức dạy học trực tuyến, trên truyền hình, giao bài tự học…

 

BÍCH THANNH

TNO