24/12/2024

Cần điều kiện gì để tổ chức thi cấp chứng chỉ năng lực ngoại ngữ nước ngoài?

Cần điều kiện gì để tổ chức thi cấp chứng chỉ năng lực ngoại ngữ nước ngoài?

Các cơ sở liên kết tổ chức thi cấp chứng chỉ năng lực ngoại ngữ không những phải đáp ứng về cơ sở vật chất, nhân lực mà còn phải đảm bảo chứng chỉ hợp pháp và có giá trị sử dụng phổ biến trên toàn thế giới.

 

 

Bộ GD-ĐT vừa đưa ra dự thảo Thông tư Quy định về liên kết tổ chức thi cấp chứng chỉ năng lực ngoại ngữ của nước ngoài để lấy ý kiến đóng góp. Đây là những nội dung được cụ thể và chi tiết hoá từ quy định chung trước đó tại Nghị định quy định về hợp tác đầu tư của nước ngoài trong lĩnh vực giáo dục năm 2018.

Cần điều kiện gì để tổ chức thi cấp chứng chỉ năng lực ngoại ngữ nước ngoài? - ảnh 1
Một giờ học tiếng Anh của học sinh tiểu học. Hiện nay nhiều học sinh tiểu học cũng tham gia lấy chứng chỉ ngoại ngữ quốc tế  Đ.N.T

Chứng chỉ có giá trị sử dụng phổ biến trên toàn thế giới

Theo đó, dự thảo định nghĩa việc liên kết tổ chức thi cấp chứng chỉ năng lực ngoại ngữ của nước ngoài là việc hợp tác giữa cơ sở tổ chức thi của Việt Nam với cơ sở đánh giá năng lực ngoại ngữ của nước ngoài để thực hiện việc đăng ký dự thi, sử dụng địa điểm, tổ chức thi, kiểm tra trình độ, năng lực ngoại ngữ và cấp chứng chỉ thông qua văn bản thỏa thuận hoặc hợp đồng liên kết.

Để bảo đảm chất lượng trong liên kết tổ chức thi, đối với cơ sở đánh giá năng lực ngoại ngữ của nước ngoài, Bộ GD-ĐT yêu cầu chứng chỉ năng lực ngoại ngữ của nước ngoài phải hợp pháp và có giá trị sử dụng phổ biến trên thế giới. Cụ thể, được công nhận bởi ít nhất một tổ chức đánh giá, kiểm định chất lượng về ngôn ngữ thừa nhận tại thời điểm phê duyệt liên kết thi, được cơ quan có thẩm quyền của quốc gia sử dụng ngôn ngữ đó là ngôn ngữ chính thức công nhận tại thời điểm phê duyệt liên kết thi. Ngoài ra, chứng chỉ này cũng phải được công nhận, sử dụng trong xét duyệt hồ sơ nhập cư, cấp thị thực nhập cảnh cho công dân các nước có nhu cầu định cư, làm việc, học tập tại quốc gia sử dụng ngôn ngữ là ngôn ngữ chính thức tại thời điểm phê duyệt liên kết thi.

Ngoài ra, chứng chỉ này phải được quy đổi kết quả thi với Khung năng lực ngoại ngữ 6 bậc dùng cho Việt Nam hoặc với Khung tham chiếu chung châu Âu (CEFR).

Hệ thống camera giám sát toàn bộ quá trình thi

Về đề thi, theo dự thảo, cơ sở đánh giá năng lực ngoại ngữ của nước ngoài phải bảo đảm độ tin cậy, tính chính xác, khách quan, minh bạch, công bằng trong đánh giá năng lực ngoại ngữ của người dự thi và không vi phạm pháp luật, thuần phong, mỹ tục, văn hóa của Việt Nam. Có đề thi mẫu, tài liệu hướng dẫn ôn thi, hệ thống hỗ trợ thi thử bảo đảm tiếp cận bình đẳng đến các thí sinh dự thi. Quy trình tổ chức thi cũng phải bảo đảm chặt chẽ, chính xác, minh bạch, ngăn ngừa và loại bỏ các hiện tượng gian lận trong thi cử.

Đối với cơ sở tổ chức thi của Việt Nam, Bộ yêu cầu phải có ít nhất 1 cán bộ quản lý có trình độ cử nhân trở lên thuộc các ngành ngôn ngữ, văn học và văn hoá nước ngoài thuộc ít nhất một ngôn ngữ mà đơn vị có liên kết tổ chức thi, kèm theo là đội ngũ cán bộ coi thi, nhân viên phục vụ, kỹ thuật viên đáp ứng yêu cầu sử dụng các thiết bị phục vụ cho việc tổ chức thi.

Hệ thống camera giám sát cũng là một yêu cầu bắt buộc, nhằm ghi lại toàn bộ diễn biến của cả phòng thi liên tục trong suốt thời gian thi. Ngoài ra, đơn vị tổ chức thi còn phải chuẩn bị các thiết bị ghi âm, phát âm, ghi hình, phần mềm chuyên dụng, thiết bị kiểm tra an ninh (cổng từ hoặc thiết bị cầm tay), nhằm kiểm soát, ngăn chặn được việc thí sinh mang tài liệu, đồ dùng trái phép vào phòng thi.

Thạc sĩ Đào Đức Tuyên, Phó Trưởng khoa phụ trách Khoa Ngoại ngữ, Giám đốc Trung tâm Ngoại ngữ Trường ĐH Nông lâm TP.HCM, nhìn nhận: “Trung tâm ngoại ngữ của chúng tôi cũng đang trong quá trình làm hồ sơ trình Bộ GD-ĐT để được công nhận là đơn vị có đủ điều kiện tổ chức thi và cấp chứng chỉ năng lực ngoại ngữ của nước ngoài. Trước đó, việc tổ chức thi này mới chỉ được quy định chung chung với nhiều nội dung khác tại Nghị định về hợp tác đầu tư của nước ngoài trong lĩnh vực giáo dục. Nay Bộ đưa ra dự thảo thông tư với những nội dung cụ thể, chi tiết, là cơ sở để các đơn vị dễ dàng hơn trong quá trình thực hiện”.

MỸ QUYÊN

TNO