ĐTC kêu gọi quốc tế dấn thân chấm dứt nạn lao động trẻ em
ĐTC kêu gọi quốc tế dấn thân chấm dứt nạn lao động trẻ em
Sứ điệp được ký bởi Đức Hồng y Pietro Parolin, Quốc vụ khanh Toà Thánh, nhân danh Đức Thánh Cha, gửi đến Giám đốc của FAO, đơn vị tổ chức Diễn đàn trực tuyến Giải pháp Toàn cầu “Cùng hành động để chấm dứt lao động trẻ em trong nông nghiệp” vào ngày 2 và 3/ 11.
Đức Thánh Cha gọi nạn lao động trẻ em là “một tai hoạ tàn phá cuộc sống xứng đáng và sự phát triển hài hoà của những người trẻ nhất, hạn chế đáng kể cơ hội cho tương lai của chúng”.
Ảnh hưởng của đại dịch
Lưu ý rằng nạn bóc lột trẻ em “làm suy giảm và gây thiệt hại cho cuộc sống của các em để đáp ứng nhu cầu sinh lợi và sản xuất của người lớn”, Đức Thánh Cha nhận xét rằng thảm kịch trở nên trầm trọng hơn bởi đại dịch; nó đẩy càng nhiều trẻ vị thành niên bỏ học và rơi vào “nanh vuốt của hình thức nô lệ này”.
Đức Thánh Cha nói tiếp rằng đối với nhiều trẻ em, việc không được đến trường không chỉ có nghĩa là bỏ lỡ những cơ hội giúp các em có thể đối mặt với những thách thức của tuổi trưởng thành, mà còn tước đi quyền được chăm sóc sức khoẻ của các em, trong khi nhiều em đổ bệnh “vì phải thực hiện các nhiệm vụ đòi hỏi quá sức các em trong những điều kiện tồi tệ”.
Trong lĩnh vực nông nghiệp, theo Đức Thánh Cha, tình trạng khẩn cấp thậm chí còn đáng báo động hơn với “hàng ngàn trẻ em nam nữ bị buộc phải làm việc liên tục, trong điều kiện kiệt sức, bấp bênh và hạ giá, bị ngược đãi, lạm dụng và phân biệt đối xử”. Tình trạng khốn cùng này lên đến đỉnh điểm khi chính các bậc cha mẹ buộc phải gửi con cái đi làm để nuôi sống gia đình.
Đầu tư tốt nhất là bảo vệ trẻ em
Đức Thánh Cha kêu gọi: “Từ cuộc họp này, hãy để một tiếng kêu gào mạnh mẽ vang lên, yêu cầu các cơ quan quốc tế và quốc gia có thẩm quyền bảo vệ sự an bình và hạnh phúc của trẻ em!” Ngài nhấn mạnh rằng đầu tư tốt nhất mà nhân loại có thể làm là bảo vệ trẻ em.
Theo Đức Thánh Cha, bảo vệ trẻ em có nghĩa là tôn trọng các giai đoạn phát triển và tăng trưởng khác nhau của chúng và cho phép chúng hưởng lợi từ các điều kiện thích hợp để chúng phát triển; để bảo vệ trẻ em cần phải có hành động kiên quyết giúp đỡ các gia đình nông dân nhỏ, để họ không buộc phải cho con cái đi làm để tăng thu nhập, nếu không, họ không đủ khả năng nuôi sống gia đình.
Cuối cùng, Đức Thánh Cha nói, “bảo vệ trẻ em có nghĩa là hành động theo cách để mở ra chân trời cho chúng như những công dân tự do, trung thực và quan tâm”.
Sự dấn thân chung của quốc tế
Đức Thánh Cha kết luận bằng cách yêu cầu một sự dấn thân chung trong Năm Quốc tế xoá bỏ lao động trẻ em, để đảm bảo rằng trẻ em có thể theo đuổi và nuôi dưỡng ước mơ, vui chơi và học tập của mình: “Như thế, con đường dẫn đến một tương lai tươi sáng cho gia đình nhân loại sẽ được mở ra.” (CSR_7236_2021)
Hồng Thuỷ
Nguồn: https://www.vaticannews.va/vi/pope/news/2021-11/dtc-phanxico-fao-cham-dut-lao-dong-tre-em.html