Công nghệ với bảo tàng đã như ‘cá với nước’
Công nghệ với bảo tàng đã như ‘cá với nước’
Các bảo tàng tham dự hội thảo “Công nghệ số kết nối bảo tàng với công chúng” (diễn ra ngày 27.10) hầu như đều có sản phẩm áp dụng công nghệ mới.
Tác phẩm của danh họa Nguyễn Gia Trí cứ nối nhau xuất hiện trên màn hình của 3D tour online Bảo tàng Mỹ thuật Việt Nam. Ở đó, từng chi tiết của tấm bình phong Dọc mùng do ông vẽ được phân tích chậm rãi từ màu son tới những mảng cẩn trứng. Mặt sau của tấm bình phong với hình ảnh những cô gái trong vườn hoa cũng vậy. Đây cũng là tác phẩm bình phong duy nhất tới giờ được công nhận bảo vật quốc gia. Bà Nguyễn Thị Hữu (Bảo tàng Mỹ thuật Việt Nam) cho biết hệ thống thuyết minh đa phương tiện có tới 8 thứ tiếng đã đi vào hoạt động từ tháng 4.2021, giúp tham quan trực tiếp và cả trực tuyến. “Từ khi 3D tour chính thức phục vụ miễn phí, chúng tôi có 1.000 lượt truy cập tính từ ngày 28.8 đến nay”, bà Hữu nói. Con số này – theo một số chuyên gia tham dự hội thảo (do Bảo tàng Văn hóa các dân tộc Việt Nam, DPECH – nhóm hoạt động về bảo tồn và giáo dục di sản trên nền tảng số cùng một số đơn vị khác tổ chức), là đáng kể, đặc biệt trong tình hình dịch Covid-19 khiến người dân hầu như không đi đâu.
Bức bình phong bảo vật quốc gia do danh họa Nguyễn Gia Trí vẽ trong 3D tour của Bảo tàng Mỹ thuật VN |
Không chỉ có bảo tàng công lập lớn như Bảo tàng Mỹ thuật Việt Nam ứng dụng công nghệ số, một trưng bày tư nhân do Công ty 3D-art của ông Đinh Việt Phương thực hiện cũng có ứng dụng này. Tại trang web của nhà sưu tập tư nhân, ông Phương cùng cộng sự quét in 3D các mẫu hiện vật mà nhà sưu tập này có để đưa lên. Người sưu tập khác, sau khi tiếp cận hình ảnh, sẽ tiếp tục tham gia nhóm để trao đổi, mua bán hiện vật hoặc chỉ để thưởng ngoạn. Ông Phương cho biết cái khó là làm sao lập trình để có thể scan được hình dáng, thể hiện được chất liệu của hiện vật. “Đây là trang tôi làm cho một nhà sưu tập tư nhân để họ chủ yếu trưng bày cho đối tác. Từ tháng 6 năm ngoái, lượng truy cập đã đạt khoảng 5.000 lượt. Trang cũng có công cụ liên quan đến đấu giá. Họ có thể tạo nhóm kín để tiến hành đấu giá”, ông Phương nói.
Cùng lúc, Bảo tàng Đà Nẵng cũng có nhiều video clip kể câu chuyện của địa phương, của lịch sử. Tại hội thảo, bảo tàng này đã trình chiếu một video về các hiện vật trong bảo tàng. Ở phần nói về những vỏ bom còn sót lại, thuyết minh viên cũng kể câu chuyện chiến tranh về bom napal, chất độc da cam. Từ đó, người thuyết minh cũng kết nối từ vũ khí sang bức hình nổi tiếng thế giới chụp cô bé Kim Phúc bị bỏng của nhà báo Nick Út. Bên cạnh các video, ông Trần Văn Chuẩn (Trưởng phòng Truyền thông Bảo tàng Đà Nẵng) còn cho biết bảo tàng đã có mã QR để công chúng nghe thuyết minh, tự do đi lại không phụ thuộc hướng dẫn viên. “Chúng tôi cũng truyền thông trên mạng xã hội, bảo tàng có 6 tài khoản trên mạng xã hội, trong đó mạnh nhất là Facebook và YouTube. Chúng tôi xây dựng ngân hàng dữ liệu về văn hóa phi vật thể và khách có thể dùng máy tính đọc”, ông Chuẩn nói.
Hình ảnh trong video clip về chiến tranh của Bảo tàng Đà Nẵng CHỤP MÀN HÌNH |
Đặc biệt, những câu chuyện từ bảo tàng số cũng có sức hút với ngành giáo dục. Đã có ý kiến hỏi liệu có thể xin các dữ liệu từ trang http://disanso.Việt Nam về dùng cho việc dạy học hay không. Về điều này, PGS-TS Lê Thanh Hà, người “khai sinh” ra trang này, cho biết với việc cá nhân sử dụng tư liệu để dạy học thì trang hoàn toàn ủng hộ.
Bà Nguyễn Thị Ngân, Giám đốc Bảo tàng Việt Nam, đánh giá hầu hết bảo tàng đã sử dụng công nghệ phục vụ công việc, đặc biệt là việc số hóa, thực hiện trưng bày online, làm video clip để kể câu chuyện hiện vật. “Công nghệ với bảo tàng đã như cá với nước rồi”, bà Ngân nói.
TRINH NGUYỄN
TNO