Miền Trung có 2-3 đợt mưa rất lớn, kèm theo cả bão trong 10 ngày tới
Miền Trung có 2-3 đợt mưa rất lớn, kèm theo cả bão trong 10 ngày tới
Dự báo từ nay đến ngày 31-10, các tỉnh miền Trung sẽ có mưa lớn, trong thời gian này khả năng bão/áp thấp nhiệt đới cũng sẽ ảnh hưởng đến các tỉnh Trung Bộ. Thủ tướng yêu cầu chủ động ứng phó với mưa lũ để hạn chế thấp nhất thiệt hại.
Ngày 23-10, Phó thủ tướng Lê Văn Thành ký công điện của Thủ tướng gửi các bộ, ngành, địa phương về việc chủ động ứng phó với mưa lũ tại khu vực Trung Bộ.
Công điện nêu: những ngày vừa qua, tại khu vực miền Trung và Tây Nguyên đã có mưa to đến rất to, gây lũ, ngập lụt, sạt lở đất cục bộ tại một số địa phương ở Quảng Bình, Quảng Trị, Quảng Nam, Quảng Ngãi, làm một số người chết, mất tích.
Thủ tướng Chính phủ chia sẻ với khó khăn, mất mát của người dân bị ảnh hưởng bởi thiên tai, gửi lời thăm hỏi, chia buồn sâu sắc nhất đến các gia đình có người bị nạn.
Sáng 23-10, ông Trần Quang Năng – trưởng phòng dự báo thời tiết, Trung tâm Dự báo khí tượng thủy văn quốc gia – cho biết trong hơn 1 ngày vừa qua, tại các tỉnh Trung Trung Bộ, đặc biệt Thừa Thiên Huế đến Quảng Nam, Bình Định, Kon Tum đã có mưa lớn, trong đó tại Quảng Nam, Quảng Ngãi có nơi mưa trên 300mm. Ở ven biển Quảng Nam, Quảng Ngãi đã xảy ra tình trạng ngập lụt.
Dự báo từ sáng nay đến ngày 25-10, ở khu vực Trung Trung Bộ, đặc biệt là các tỉnh Quảng Nam, Quảng Ngãi có mưa lớn với tổng lượng mưa từ 200-400mm, có nơi trên 400mm; các tỉnh Quảng Trị, Thừa Thiên Huế, Đà Nẵng mưa từ 50-150mm, có nơi trên 150mm. Ở Bình Định, Kon Tum và Gia Lai từ 100-200mm, có nơi trên 250mm.
Ông Phùng Tiến Dũng – trưởng phòng dự báo thủy văn Trung Bộ, Tây Nguyên và Nam Bộ – cho biết sáng 23-10, lũ trên các sông ở Thừa Thiên Huế, Quảng Ngãi đang lên.
Dự báo trong 6-12 giờ tới, lũ trên các sông ở Quảng Ngãi lên nhanh và dao động ở mức cao; các sông ở Thừa Thiên Huế dao động ở mức báo động 1, báo động 2. Trong 12-24 giờ tiếp theo, lũ trên các sông Quảng Ngãi xuống dần, các sông khác ở Thừa Thiên Huế dao động ở mức báo động 1, báo động 2.
“Từ nay đến ngày 25-10, trên các sông ở Quảng Nam, Bình Định, Kon Tum khả năng xuất hiện một đợt lũ. Trong đợt lũ này đỉnh lũ trên sông Vu Gia (Quảng Nam) lên mức báo động 2, báo động 3, sông Thu Bồn (Quảng Nam), các sông ở Bình Định, sông Đăk Bla (Kon Tum) lên mức báo động 1, báo động 2, có sông lên trên báo động 2. Nguy cơ cao xảy ra lũ quét, sạt lở đất ở vùng núi, ngập lụt vùng trũng thấp, ven sông, khu đô thị tại các tỉnh từ Thừa Thiên Huế đến Quảng Ngãi”, ông Dũng cảnh báo.
Theo ông Trần Quang Năng, những ngày tới ở khu vực miền Trung có nhiều loại hình thiên tai nguy hiểm có khả năng xảy ra. Khoảng ngày 24 đến 25-10, ở khu vực nam Biển Đông có khả năng xuất hiện vùng áp thấp, sau đó có khả năng mạnh lên thành áp thấp nhiệt đới và bão trong khoảng ngày 26 đến 27-10 và ảnh hưởng đến các tỉnh Trung Trung Bộ và Nam Trung Bộ.
“Với hình thế này kết hợp không khí lạnh và nhiễu động gió đông trên cao nên ở Trung Bộ có khả năng xảy ra đợt mưa từ ngày 27 đến 31-10. Trong đó, ngày 27 và 28 có khả năng chịu ảnh hưởng mưa trực tiếp của áp thấp nhiệt đới/bão. Như vậy, từ nay đến cuối tháng 10, ở các tỉnh Trung Bộ có khả năng xảy ra 2-3 đợt mưa lớn với tổng lượng mưa có nơi lên tới 1.000mm”, ông Năng nhận định.
Để chủ động ứng phó mưa lũ, nhất là lũ quét, sạt lở đất, hạn chế thấp nhất thiệt hại về tính mạng của nhân dân, Thủ tướng yêu cầu các tỉnh, thành phố khẩn trương khắc phục hậu quả đợt mưa lũ vừa qua, tổ chức thăm hỏi, động viên, hỗ trợ các gia đình bị thiệt hại, nhất là gia đình có người bị thiệt mạng.
Đồng thời tìm kiếm người còn mất tích, cứu chữa người bị thương; cứu trợ khẩn cấp lương thực, nhu yếu phẩm cho những hộ bị mất nhà, không để người dân bị đói, rét.
Chủ động rà soát phương án, sẵn sàng huy động lực lượng tổ chức sơ tán khẩn cấp các hộ dân tại các khu vực không bảo đảm an toàn, nhất là khu vực có thể xảy ra ngập sâu, chia cắt, nguy cơ xảy ra lũ quét, sạt lở đất và lưu ý bảo đảm công tác phòng chống dịch COVID-19 tại nơi sơ tán, hỗ trợ lương thực, nhu yếu phẩm cho người dân.
Triển khai phương án bảo đảm an toàn đê điều, hồ đập, tổ chức giám sát việc vận hành an toàn các hồ đập trên địa bàn, đặc biệt đối với các hồ đập xung yếu, đã đầy nước.
Bộ Quốc phòng chỉ đạo Quân khu 4, Quân khu 5 và các lực lượng đóng trên địa bàn sẵn sàng lực lượng, phương tiện hỗ trợ sơ tán dân cư, chủ động bố trí lực lượng, phương tiện tại các khu vực xung yếu để thực hiện công tác cứu hộ, cứu nạn khi có yêu cầu…